Rút kinh nghiệm từ dự án đánh bắt xa bờ năm 1997, thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 67) về một số chính sách phát triển thủy sản, các cấp chính quyền và ngành chức năng thành phố Đà Nẵng đã thận trọng trong việc lựa chọn những ngư dân tâm huyết, có phương án sản xuất tốt, để đầu tư đóng tàu. Vì vậy, dù tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 bị hư hỏng sau khi đưa vào sử dụng chỉ trong thời gian ngắn ở một số tỉnh miền Trung, những con tàu vỏ thép của ngư dân Đà Nẵng vẫn ra khơi và làm ăn có lãi.
Tàu vỏ thép Đà Nẵng vẫn hoạt động bình thường và làm ăn có lãi. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Chi cục Thủy sản thành phố Đà Nẵng cho biết, thực hiện đóng mới tàu theo Nghị định 67 tại thành phố Đà Nẵng, đến nay có 7 dự án, hạ thủy 5 dự án, trong đó có 4 tàu vỏ thép, 1 tàu vỏ gỗ. Hiện có 2 tàu vỏ thép vươn khơi hơn một năm qua không bị hỏng hóc và làm ăn có lãi, trả nợ ngân hàng đều đặn.
Tháng 3-2016, ngư dân Trần Văn Mười (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) hạ thủy tàu vỏ thép ĐNa 90777-TS đầu tiên đóng mới theo Nghị định 67, giá trị con tàu hơn 17 tỷ đồng, làm nghề chụp mực. Dù hạ thủy trong khoảng thời gian khó khăn nhất khi xảy ra sự cố cá chết dọc biển miền Trung do ô nhiễm môi trường từ Formosa, nhưng từ đó đến nay, tàu đã ra khơi 14 chuyến biển, cho lãi ròng hơn 2 tỷ đồng và trả nợ ngân hàng đúng hạn.
Theo ngư dân Trần Văn Mười, việc các tàu vỏ thép tại Đà Nẵng không bị hư hỏng, bong tróc, rỉ sét như một số tàu của ngư dân Quảng Ngãi, Bình Định trong thời gian qua do người đóng tàu biết lựa chọn thép để đóng vỏ thân tàu và chọn hãng sơn tốt. “Thực tế đánh bắt trên tàu vỏ thép mới thấy nó rất hiện đại từ quá trình vận hành, chịu sóng tốt, đến sinh hoạt, quá trình cấp đông cá. Khi có gió cấp 5, cấp 6, tàu vỏ gỗ phải tránh trú nhưng tàu vỏ thép vẫn hiên ngang ra khơi đánh bắt”, ngư dân Mười chia sẻ.
Chị Thu Hương (vợ ngư dân Nguyễn Sương, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) - chủ 4 con tàu vỏ gỗ và một tàu vỏ thép ĐNa 90767-TS cho biết, tàu ĐNa 90767-TS hạ thủy vào tháng 5-2016, với tổng kinh phí đóng mới 19 tỷ đồng, làm nghề lưới bùng nhùng.
Sau 1 năm vươn khơi, tàu ĐNa đã ra khơi khoảng 15 chuyến tại các ngư trường Hoàng Sa, vịnh Bắc Bộ. Dù nghề lưới bùng nhùng thời gian qua đang gặp khó khăn, nhưng mỗi tháng tàu lãi hơn 100 triệu đồng. Điều đáng nói, sau một năm xuống nước nhưng tàu ĐNa 90767-TS hoạt động ổn định.
“Để đóng mới con tàu này, gia đình tôi gần như tự thiết kế theo ý của mình. Bên cạnh đó, từ nguồn nguyên liệu đóng tàu đến máy móc, ngư lưới cụ và đặc biệt là lựa chọn sơn để sơn thân tàu đều rất kỹ càng, nên dù xuống nước đến cả chục năm vẫn không thể hư hỏng, rỉ sét”, chị Hương khẳng định.
Ngư dân Lê Văn Sang (phải) tự tin sau khi đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 của Chính phủ. |
Cũng theo chị Hương, để thân tàu không bong tróc, ngoài việc lựa chọn nguồn thép, việc sơn tàu rất quan trọng. “Có loại sơn chỉ vài chục triệu đồng thì sơn xong cả con tàu, nhưng có loại sơn đến vài trăm triệu đồng. Nếu chọn sơn rẻ, tàu nhanh chóng bị tróc sơn, rỉ sét. Việc tàu hư hỏng ngoài một phần trách nhiệm của nhà máy thì trách nhiệm của ngư dân rất lớn”, chị Hương nói.
Ngư dân Lê Văn Sang (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) - chủ tàu vỏ thép thứ 3 của Đà Nẵng đóng mới theo Nghị định 67, dù mới ra khơi chuyến đầu tiên nhưng anh rất tự tin. Thất bại từ con tàu vỏ thép Sangfish 01 mang lại cho anh nhiều kinh nghiệm.
“Để tàu vỏ thép ra khơi thành công bắt nguồn từ 3 yếu tố: lựa chọn thiết bị, ngư lưới cụ; thiết kế và giám sát. Tôi đã thực hiện 3 khâu này rất kỹ lưỡng nên dám chắc sẽ không có thất bại lần thứ hai. Tuy nhiên, để bảo đảm tàu hoạt động tốt, sau khi hạ thủy từ TP. Hồ Chí Minh đưa về Đà Nẵng, tàu liên tục chạy thử để điều chỉnh, khắc phục những hạn chế để cho những chuyến ra khơi hiệu quả hơn”, anh Sang cho hay.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Đà Nẵng cho biết: “Đánh cá cũng là một ngành công nghiệp. Muốn thành công phải tổng hợp nhiều yếu tố, đó là con tàu, công nghệ khai thác, công nghệ chế biến, kỹ thuật vận chuyển và cái quan trọng là quyết định nguồn cá ở đâu.
Bên cạnh đó, phải có quy trình vận hành, quản trị, phải biết chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến như Hàn Quốc, Nhật Bản… Việc một số tàu của ngư dân miền Trung thất bại trong thời gian qua là điều mà những người có chuyên môn, trách nhiệm đã dự báo trước”, ông Lĩnh chia sẻ.
Cũng theo ông Lĩnh, tàu vỏ thép của Đà Nẵng đang phát triển ổn định. Hiện nay, một số ngư dân trẻ như Trần Văn Mười, Lê Văn Sang, Nguyễn Sương là lớp ngư dân có trình độ, biết tiếp thu công nghệ và có trách nhiệm khi đóng con tàu của mình…
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ