Bất cập hạ tầng cấp nước ven biển

.

Hạ tầng mạng cấp nước cho khu vực Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, nơi phát triển mạnh hệ thống khách sạn, khu nghỉ mát, hiện có nhiều bất cập, cần được ưu tiên đầu tư cải tạo, nâng cấp mạng lưới cấp nước nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng cao.

Hạ tầng cấp nước từ nay đến trước năm 2020 ưu tiên đầu tư khu vực ven biển.
Hạ tầng cấp nước từ nay đến trước năm 2020 ưu tiên đầu tư khu vực ven biển.

Hạ tầng cấp nước không theo kịp tốc độ phát triển đô thị

Vùng đất Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn được đánh thức và phát triển đô thị sau khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Hạ tầng cấp nước được đầu tư mới trong quá trình phát triển đô thị. Tuy nhiên, hạ tầng cấp nước chỉ tập trung mục tiêu cấp nước sinh hoạt đến các khu dân cư (KDC).

Một thời gian dài, các KDC mới hình thành, trong đó các khu tái định cư phát triển đến đâu thì phát triển mạng lưới cấp nước đến đó. Do đó, đầu tư lắp đặt mạng cấp nước không đồng bộ, có đoạn ống to, có đoạn ống nhỏ, trở thành những nút thắt cổ chai làm giảm năng lực cung cấp nước trên hệ thống. Ở khu vực dân cư phía bắc đường Phan Tứ (quận Ngũ Hành Sơn), trên mạng cấp nước đều “no” nước nhưng khi băng qua vài tuyến đường thì nguồn nước vào KDC xưởng 387, tuyến ống cấp nước co thắt, gây tình trạng thiếu nước ở khu vực này.

Nhiều KDC khu vực Sơn Trà thời gian qua thiếu nước sinh hoạt cũng xuất phát từ nguyên nhân hạ tầng mạng không bảo đảm. Ở tuyến đường Võ Văn Kiệt như một đại lộ trục đông tây nối đường Nguyễn Văn Linh qua cầu Rồng; thế nhưng, việc lập tư vấn thiết kế mạng cấp nước chỉ sử dụng loại ống cấp nước có đường kính 150mm. Mạng cấp nước này chỉ đáp ứng cho khu tái định cư nên không đủ năng lực cấp nước cho cả vệt đô thị mới ven biển.

Các quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn có vị trí địa lý chia cắt với khu vực trung tâm thành phố bởi các dòng sông nên phát triển hạ tầng cấp nước cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Trường Ảnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho biết, việc đưa các đường ống cấp nước lớn qua sông luôn gặp trở ngại bởi quy hoạch phát triển cầu qua sông không bố trí mạng lưới cấp nước. Vì thế, việc phát triển mạng lưới cấp nước phải đeo bám theo các dầm cầu và thậm chí thi công dưới vỉa hè cầu Tiên Sơn.

Tận dụng hết không gian, điểm nút cầu Tiên Sơn chỉ lắp đặt được tuyến ống đường kính 300mm. Hiện tuyến ống 300mm cầu Tiên Sơn đã xuống cấp, không đủ khả năng chuyển tải nước về khu vực Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn. “Hạ tầng cấp nước không theo kịp tốc độ phát triển đô thị quá nhanh như hiện nay, đặc biệt là khu vực Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn. Rất may là thời gian qua chưa bị nhiễm mặn, chứ bị sớm như mọi năm thì tình trạng thiếu nước còn nghiêm trọng hơn nữa vì sẽ thiếu thêm khoảng 50.000m3/ngày. Dự báo thời gian tới tiếp tục nắng nóng gay gắt thì khả năng xảy ra nhiễm mặn sẽ rất cao”, ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Dawaco nói.

Triển khai nhanh quy hoạch cấp nước

Nhu cầu sử dụng nước ở thành phố và khu vực Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn tăng đột ngột xuất phát từ sự phát triển đô thị và đặc biệt là sự thay đổi thói quen sử dụng nước giếng khoan. Bà Nguyễn Thị Hoa (kiệt 321 Nguyễn Công Trứ, quận Sơn Trà) cho biết, những năm trước, rất nhiều người dân còn sử dụng giếng khoan nhưng nay đã chuyển hẳn sang dùng nguồn nước cấp của thành phố. Ai cũng muốn sử dụng nguồn nước an toàn, hợp vệ sinh, bảo đảm sức khỏe. Tuy nhiên, hiện nguồn nước cấp thiếu hụt, gây khó khăn cho sinh hoạt của người dân.

Nhu cầu sử dụng nguồn nước cấp sẽ còn gia tăng bởi nhóm khách hàng khối khách sạn, kinh doanh dịch vụ… Trong lúc đó, khu vực Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn đang phát triển nhiều dự án có quy mô lớn về bất động sản du lịch, nhiều nhất là loại hình căn hộ khách sạn (condotel).

Ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Dawaco cho biết, sự thiếu hụt nguồn cung trên hệ thống cấp nước hiện nay thực sự là bài toán đề ra cho ngành cấp nước thành phố, trong đó cần ưu tiên khu vực Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn. UBND thành phố đã phê duyệt quy hoạch cấp nước thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Theo đó, dự báo nhu cầu sử dụng nước, bao gồm nước sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, dịch vụ ở thành phố đến năm 2020 trung bình mỗi ngày cần 386.369m3, ở thời điếm nắng nóng cần gần 450.000m3; đến năm 2030 cần 697.268m3/ngày và khi nắng nóng cần trên 800.000m3.

Hạ tầng cấp nước khu vực Sơn Trà được quy hoạch đầu tư cấp nước cấp 1 với 6 tuyến ống 600mm được nối nguồn cấp băng qua sông khu vực đường Đống Đa phía quận Hải Châu và ven theo các trục đường Trần Hưng Đạo, Vân Đồn, Trần Thánh Tông.

Đường Nguyễn Văn Thoại và ven đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp đầu tư lắp đặt tuyến ống 400mm và hàng loạt các tuyến đường lớn được lắp đặt đường ống cấp nước quy mô 300mm. Khu vực quận Ngũ Hành Sơn  đầu tư 7 tuyến ống truyền dẫn nước cấp có quy mô từ 400-700mm. Trước năm 2020, tập trung phát triển mạng truyền dẫn kết nối hạ tầng cấp nước khu vực khu đô thị sinh thái Hòa Xuân qua cầu số 1 và cầu số 2 nối vào đường Minh Mạng. Giai đoạn sau năm 2020, đầu tư các tuyến cấp nước quy mô lớn ven đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa qua cầu Hòa Phước theo tuyến đường tránh phía nam thành phố.

Quy hoạch cấp nước thành phố Đà Nẵng xác định ưu tiên đầu tư là các dự án sản xuất nước. Đối với phát triển mạng lưới đường ống truyền tải chọn ưu tiên đầu tư cho khu vực ven biển và đường vành đai phía nam Đà Nẵng. Sớm triển khai quy hoạch và đầu tư nâng cấp, cải tạo mạng truyền dẫn cấp nước sẽ khắc phục tình hình thiếu nước, bảo đảm an ninh - an toàn nguồn cấp nước cho khu vực Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn.

Kiểm tra, xử lý vi phạm về khai thác, sử dụng nước dưới đất

Sau khi Báo Đà Nẵng số ra ngày 13-6-2017 đăng bài “Khách sạn “hút” nước sạch?”, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) có công văn đề nghị UBND quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn rà soát toàn bộ danh sách các khách sạn, nhà hàng ven biển đang hoạt động trên địa bàn quận và gửi về Sở TN&MT trước ngày 20-6 để phối hợp kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp vi phạm về luật khai thác, sử dụng nước dưới đất.

Sở TN&MT đề nghị tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sử dụng nước dưới đất. Tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước không đăng ký, không có giấy phép theo thẩm quyền. Trường hợp cần thiết, yêu cầu các đơn vị có hoạt động khai thác, sử dụng nước dưới đất lắp đồng hồ đo lưu lượng để kiểm tra, giám sát và làm cơ sở xác định số phí bảo vệ môi trường đối với nước thải từ nguồn tự khai thác sử dụng. Đề nghị UBND các quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn gửi kết quả kiểm tra, xử lý về Sở TN&MT trước ngày 13-7 để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố.

AN NHIÊN

Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.