Hòa Bắc chuyển mình

.

Từ xã miền núi khó khăn, với sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền, người nông dân Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) chuyển hướng làm kinh tế để thoát nghèo, bứt phá vươn lên làm giàu.

Nông dân trồng cây mía mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nông dân trồng cây mía mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thấy việc trồng lúa chỉ đủ cung cấp lương thực tại chỗ chứ không mang lại hiệu quả kinh tế, những năm qua, chính quyền xã Hòa Bắc đã xây dựng các mô hình kinh tế cũng như vận động người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tại các thôn Lộc Mỹ và Nam Mỹ, do đất không phù hợp cây lúa nên chính quyền khuyến khích người dân trồng nhiều loại cây hoa màu có năng suất cao như đậu, ớt... Còn ở một số khu vực đất cao, chính quyền địa phương vận động, khuyến khích người dân chuyển qua trồng mía. Ban đầu, diện tích trồng mía chỉ vài héc-ta theo kiểu thí điểm, đến nay con số này đã tăng lên 157 héc-ta. Trung bình mỗi héc-ta mía cho người nông dân thu nhập ổn định hơn 100 triệu đồng/năm. Theo người dân đánh giá, trồng cây mía đỡ công chăm bón nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cây lúa nhiều lần.

Nhằm giúp nông dân ổn định nguồn nước tưới tiêu cho hoa màu, từ năm 2014-2017, UBND xã Hòa Bắc đề nghị UBND huyện Hòa Vang và các sở, ban, ngành thành phố hỗ trợ gần 60 giếng khoan và máy nổ cho các nhóm hộ dân trên địa bàn xã phục vụ tưới tiêu mía, ngô, đậu… Theo ông Thái Văn Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, sau khi có hệ thống máy tưới nước ổn định, các hộ dân đã chủ động đầu tư, phát triển hoa màu. Nguồn thức ăn lá mía, cỏ cho gia súc, gia cầm phong phú, năm 2015, UBND xã vận động hỗ trợ con giống cho người dân phát triển đàn gia súc, gia cầm. Nhờ đó, lần lượt các tổ nuôi bò, dê thôn Nam Mỹ, An Định, Phò Nam ra đời, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Được sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền xã Hòa Bắc, ông Lê Ngọc Anh (thôn Phò Nam) mạnh dạn đầu tư hơn 1 tỷ đồng mua 30 con bò thịt giống Thái Lan nuôi mấy năm nay. Để chủ động thức ăn cho bò, ông Anh trồng 1,5 héc-ta cỏ VA06. Ngoài đàn bò thịt giống Thái Lan, trang trại còn nuôi 1.500 cặp bồ câu Pháp và nhiều gà, vịt, heo. Theo ông Ngọc Anh, nuôi bò thịt nhốt chuồng rất lợi, ngoài nguồn cỏ trồng, nơi đây nông dân trồng rất nhiều mía, đến mùa thu hoạch chỉ việc lấy ngọn mía để dành cho bò ăn. Hồi mới mua về, mỗi con bò trên 20 triệu đồng, nhưng chỉ sau 1 năm nuôi, bò có giá gần 40 triệu đồng/con. Trừ chi phí, mỗi con bò thu lãi khoảng 13 triệu đồng. Bên cạnh đó, sau khi bò sinh sản, sau 12 tháng mỗi con bán ra thị trường có giá trên 20 triệu đồng. Còn bồ câu Pháp cứ 45 ngày ấp nở 1 lứa. Với 1.500 cặp, ngày nào cũng xuất bán khoảng 15 cặp chim non, thu được 1 triệu đồng, trừ chi phí, lãi khoảng 500.000 đồng.   

Từ năm 2011 đến nay, UBND xã Hòa Bắc đã vận động, hỗ trợ người dân phát triển 15 mô hình kinh tế tư nhân, trong đó nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Được sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương, 3 năm qua, ông Văn Phú Sanh (thôn Nam Mỹ) đã triển khai mô hình trồng mít xen lẫn trồng gừng trong bao. Mô hình của ông Sanh hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao.

Tương tự, nhờ chính quyền địa phương tạo điều kiện về việc xây dựng nhà xưởng, 6 tháng nay, hộ ông Nguyễn Văn Thạnh (thôn Lộc Mỹ) đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình trồng 1.200 gốc lan Mokara trên diện tích 400m2. Hiện nay, vườn lan của ông Nguyễn Văn Thạnh phát triển tốt, ra hoa, đang chờ ngày thu hoạch.

Sự vào cuộc quyết liệt của UBND xã Hòa Bắc như một đòn bẩy đắc lực giúp nhiều hộ dân vượt khó vươn lên làm giàu, nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo trong xã giảm dần qua từng năm. Tính đến tháng 8-2017, toàn xã chỉ còn 231 hộ nghèo theo chuẩn mới (trong đó có 97 hộ hoàn toàn mất khả năng lao động). Bà Lê Thị Thu Hà, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết, theo định hướng, trong thời gian đến, chính quyền địa phương tiếp tục vận động, khuyến khích người dân phát triển mạnh các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao. Cùng với đó, chính quyền địa phương rà soát, vận động nhân nhân không bỏ đất hoang, chủ động chuyển đổi giống cây trồng khác phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng. Đối với các hộ đồng bào dân tộc, người Kinh ở hai thôn Tà Lang và Giàn Bí, tiếp tục đẩy mạnh chủ trương giao đất cho người dân trồng rừng phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

231 là số hộ nghèo theo chuẩn mới hiện còn ở xã Hòa Bắc, tính đến tháng 8-2017, trong đó có 97 hộ hoàn toàn mất khả năng lao động.

Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN

;
.
.
.
.
.