Kinh tế

Đánh bắt hải sản chất lượng, hiệu quả

08:07, 18/09/2017 (GMT+7)

Đóng tàu lớn vươn khơi, áp dụng công nghệ tiên tiến để khai thác, đánh bắt, vận chuyển, tạo sản phẩm chất lượng, đem lại giá trị kinh tế cao là hướng đi mới của ngư dân quận Thanh Khê.

Đầu tư tàu lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến để khai thác là một trong những hướng đi của ngư dân quận Thanh Khê.
Đầu tư tàu lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến để khai thác là một trong những hướng đi của ngư dân quận Thanh Khê.

Khác với những năm trước, những năm gần đây, ngành thủy sản Thanh Khê đã tái cơ cấu, trong đó hạn chế thấp nhất việc đóng mới tàu công suất nhỏ, chú trọng đóng tàu lớn theo hướng khai thác xa bờ. Ông Võ Kim Tú, Trưởng phòng Kinh tế quận Thanh Khê cho biết, hướng đi của ngành thủy sản quận là chú trọng phát triển tàu lớn, hạn chế tàu nhỏ, kêu gọi ngư dân đầu tư công nghệ và tiếp thu, ứng dụng khoa học công nghệ trong việc khai thác hải sản, vận chuyển, nhằm tạo sản phẩm chất lượng để đưa ra thị trường.

Cũng theo ông Tú, toàn quận Thanh Khê hiện có gần 120 chiếc tàu công suất từ trên 90CV đến hơn 1.300CV. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn quận có gần 10 ngư dân đóng mới, nâng cấp sửa chữa tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản và Quyết định số 47/2014/QĐ-UBND của UBND thành phố Đà Nẵng quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ đóng mới tàu khai thác hải sản. Việc đầu tư đóng mới tàu của ngư dân luôn được lãnh đạo quận, các cấp, ngành địa phương đặc biệt quan tâm, động viên. Ngoài ra, quận phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ ngư lưới cụ, máy định vị, hải đồ, máy dò cá… Nhờ vậy, ngư dân hết sức yên tâm.

Năm 2017, ông Đào Ngọc Minh Tâm đã hạ thủy tàu vỏ thép số hiệu ĐNa 90945 TS đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ, với chiều dài 27m, rộng hơn 7m, cao 3,3m, tổng công suất hơn 822CV, vận tốc đạt 10 hải lý/giờ, tổng mức đầu tư gần 17 tỷ đồng, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV). Tàu làm nghề lưới vây tại ngư trường Hoàng Sa.

Ngư dân Thái Vinh Ngộ mạnh dạn đầu tư đóng mới 2 con tàu câu lươn tổng công suất hơn 2.000CV để hành nghề tại khu vực Hoàng Sa và xuất khẩu sản phẩm qua Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Đặc biệt, hiện nay, ông Ngộ tham gia liên kết hỗ trợ hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm hải sản an toàn về lươn biển từ khâu đánh bắt đến người tiêu dùng trong chương trình “Thành phố 4 an”. “Với công nghệ tiên tiến, hiện đại, chúng tôi mong muốn đem hải sản (lươn biển) tươi ngon đến với người dân, để người dân có hải sản sạch, chất lượng trong từng bữa ăn”, ông Ngộ chia sẻ.

Từ đầu năm đến nay, mặc dù nghề biển gặp khó khăn do Trung Quốc cấm biển phi pháp tại một số vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, thời tiết phức tạp, bão, áp thấp nhiệt đới xảy ra trên biển liên tục nhưng ngư dân quận Thanh Khê vẫn khai thác hiệu quả. Theo thống kê của Phòng Kinh tế quận Thanh Khê, trong gần 9 tháng đầu năm, sản lượng khai thác hải sản đạt gần 6.000 tấn, bằng 83,9% kế hoạch, giá trị khai thác đạt 330 tỷ đồng, bằng 101,2% so với kế hoạch. “Thời gian tới, quận Thanh Khê tiếp tục tuyên truyền, định hướng người dân tiếp tục đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu công suất lớn. Đồng thời, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác, cấp đông để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thương hiệu riêng cho ngành thủy sản Thanh Khê trong tương lai”, ông Võ Kim Tú cho biết.

Theo thống kê của Phòng Kinh tế quận Thanh Khê, trong gần 9 tháng đầu năm 2017, sản lượng khai thác hải sản đạt gần 6.000 tấn, bằng 83,9% kế hoạch, giá trị khai thác đạt 330 tỷ đồng, bằng 101,2% kế hoạch.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

.