Kinh tế
Khởi nghiệp: Phải đi cùng nhau, tạo thành hệ sinh thái bền vững
“Khởi nghiệp và xây dựng cộng đồng khởi nghiệp sẽ là trụ cột chính để phát triển kinh tế của Đà Nẵng trong những năm tới, không còn con đường nào khác”, TS. Võ Duy Khương - Chủ tịch Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng, nhấn mạnh khi trao đổi với Báo Đà Nẵng về việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố.
TS. Võ Duy Khương |
TS Võ Duy Khương cho rằng, nhà trường, xã hội cần giáo dục những người trẻ về tinh thần và tư duy khởi nghiệp. Chính phủ cần có những chính sách khuyến khích khởi nghiệp và tạo ra lòng tin cho người trẻ rằng mình không đơn độc.
* Đà Nẵng vừa ghi dấu trong “làng” khởi nghiệp cả nước bằng Hội nghị và Triển lãm khởi nghiệp SURF 2017. Thưa ông, tại sao sự kiện khởi nghiệp được xem là lớn nhất năm của khu vực miền Trung - Tây Nguyên này lại chọn hình ảnh cá chuồn làm biểu tượng?
- Hầu như người dân xứ Quảng nào cũng biết câu ca dao “Ai về nhắn với nậu nguồn/ Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên”. Cá chuồn là loài đặc trưng của vùng biển miền Trung Việt Nam. Loài cá này vừa biết bơi, vừa biết bay, rất linh hoạt, lại luôn đi thành đàn. Vào mùa cá chuồn, người ta có thể bắt gặp hàng đàn cá bay là là mặt nước, trông như những đàn chuồn chuồn nhỏ bé.
Con cá chuồn có nhiều hình ảnh giống người khởi nghiệp. Người làm khởi nghiệp biết linh hoạt trong đường đi, nước bước. Người làm khởi nghiệp muốn thành công cũng không nên làm một mình, mà phải đi cùng nhau và luôn có một mạng lưới hỗ trợ, tạo thành một hệ sinh thái bền vững.
* Như ông nói, để khởi nghiệp thành công, cần một hệ sinh thái bền vững. Vậy ông đánh giá như thế nào về hệ sinh thái này ở Đà Nẵng vào thời điểm hiện tại?
- So với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng ra đời chậm hơn, đến năm 2015 mới bắt đầu hình thành. Đây là thời điểm Đà Nẵng thành lập Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp thành phố đầu tiên của cả nước, thực hiện chức năng điều phối, kết nối, định hướng các hoạt động khởi nghiệp. Rồi sau đó, Vườn ươm doanh nghiệp thành phố, các trung tâm ươm tạo khởi nghiệp, các không gian làm việc chung lần lượt ra đời, khiến khởi nghiệp Đà Nẵng trở nên sôi động.
Đại diện dự án Btaskee giới thiệu sản phẩm ứng dụng di động kết nối người giúp việc và các hộ gia đình. Ảnh: KHANG NINH |
Dù hệ sinh thái khởi nghiệp ở Đà Nẵng “sinh sau đẻ muộn” nhưng chúng ta vẫn có lợi thế là sự đồng hành, ủng hộ của chính quyền thành phố. Chương trình “Phát triển khởi nghiệp Đà Nẵng 2016” đã tạo ra những thay đổi tích cực về truyền thông, phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ tài chính, tư vấn, đào tạo, chuyển giao công nghệ... phục vụ khởi nghiệp.
Sau hơn 2 năm, chúng ta đã xây dựng được mạng lưới hợp tác với các nhà đầu tư, cố vấn, các chương trình ươm tạo trong và ngoài nước như Chương trình sáng kiến Mekong MBI của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Chương trình Đổi mới và Sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP), các Đại sứ quán Israel, Mỹ, Tổng lãnh sự Úc, các trường Đại học Koblenz-Landau (Đức), Arizona (Mỹ)...
Để đi đường dài, đầu năm 2017, thành phố đã ban hành Đề án Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Mục tiêu của chúng ta là đến năm 2030 sẽ trở thành điểm đến khởi nghiệp sáng tạo của khu vực ASEAN với một hệ sinh thái khởi nghiệp và hệ thống pháp lý hoàn thiện, môi trường đầu tư thuận lợi.
* Vậy theo ông, hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng hiện nay còn thiếu điều gì?
- Trước hết, tôi mong muốn tinh thần khởi nghiệp sẽ được truyền đạt cho những người trẻ, cho các học sinh, sinh viên. Ở các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Đà Nẵng hiện nay, có không ít cuộc thi, tọa đàm, câu lạc bộ khởi nghiệp. Nhưng phải có chiến lược để không sa vào “cái bẫy” phong trào, bởi phong trào chỉ phất lên được một lúc, chứ không bền được.
Cần làm sao để những người trẻ hiểu rằng khởi nghiệp như một động lực để phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Trong những năm tới, nó sẽ là trụ cột chính để phát triển kinh tế Đà Nẵng, không còn cách nào khác.
Thứ hai là Đà Nẵng phải có được mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần, còn gọi là “bà đỡ” của khởi nghiệp. Số nhà đầu tư hiện vẫn còn ít ỏi lắm, bởi họ còn e ngại. Họ không biết công ty khởi nghiệp này thuộc lĩnh vực nào, làm sao để phát triển nhanh và mạnh.
Họ cũng lo không biết liệu các bạn trẻ khởi nghiệp có sức bền hay không, có thành công nổi không. Nỗi lo này là đúng, nhưng bây giờ cần những người hỗ trợ bước đầu cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, không chỉ vì kỳ vọng vào sự thành công của họ, mà còn là để niềm tin, cam kết đối với sự phát triển của khởi nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung của Đà Nẵng.
* Người miền Trung thường được cho là “ăn chắc, mặc bền”. Trong khi đó, để khởi nghiệp, cần phải biết chấp nhận rủi ro, dũng cảm gánh chịu những bài học nghiêm trọng về vật chất và tinh thần khi làm ăn thua lỗ. Đây có phải là một trở ngại cho khởi nghiệp tại Đà Nẵng không, thưa ông?
- Tôi sẽ trả lời câu hỏi này bằng việc kể câu chuyện của 2 quốc gia khởi nghiệp nổi tiếng thế giới: Israel và Singapore. Yếu tố quyết định căn bản nhất cho tinh thần khởi nghiệp của Israel là nền giáo dục, là quá trình tạo dựng “gien cơ bản” cho tinh thần khởi nghiệp trong mỗi công dân. Người Israel cho rằng, ý chí khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo sẽ hình thành ngay từ giai đoạn sơ sinh. Vì vậy, trẻ con được khuyến khích sống với tự nhiên, phát triển tính tò mò, tìm hiểu mọi thứ trong thiên nhiên.
Cũng giống Israel, Singapore là vùng đất hứa của tinh thần khởi nghiệp hiện nay trên thế giới. Trước đây, Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã sớm nhận ra tinh thần khởi nghiệp là động lực phát triển xã hội mới và kêu gọi cả nước cùng phát triển tinh thần khởi nghiệp. Nhưng rồi Singapore đã thất bại trong chiến dịch này, bởi lúc đó, người dân Singapore chưa có được “văn hóa thất bại” như người Israel.
Tuy nhiên gần đây, tinh thần khởi nghiệp tại Singapore đã được khơi dậy mạnh mẽ nhờ các chính sách ủng hộ của chính phủ. Nhà trường ở Singapore giảng dạy tinh thần khởi nghiệp, và các đại học thúc đẩy gắn kết việc đào tạo khởi sự kinh doanh với cộng đồng doanh nghiệp.
Khách hàng tìm hiểu sản phẩm nước rửa chén sinh học của dự án khởi nghiệp Minh Hồng. Ảnh: KHANG NINH |
Thông qua truyền thông, chính phủ khuyến khích người dân vốn quen với tư duy thụ động trở nên năng động hơn, giúp thay đổi văn hóa bảo thủ tại Singapore. Đến năm 2008, Singapore đã có quỹ đầu tư mạo hiểm do chính phủ lập, đầu tư mạnh vào các lĩnh vực khởi nghiệp quan trọng trong truyền thông số, công nghệ sinh học, công nghệ làm sạch và lọc nước... Các chính sách tích cực của chính phủ đã khởi dậy tinh thần khởi nghiệp của thế hệ trẻ trên cơ sở nền tảng của giáo dục và hệ thống luật pháp hỗ trợ cho khởi nghiệp.
Nói vậy để thấy, tùy theo góc nhìn và cách xử lý, định kiến “ăn chắc mặc bền” về người dân miền Trung có thể là trở ngại hay thuận lợi. Tôi nghĩ, làm ăn thì phải có “máu liều”, nhưng cũng cần tính toán kỹ. Nhà trường, xã hội cần giáo dục những người trẻ về tinh thần và tư duy khởi nghiệp. Chính phủ cần có những chính sách khuyến khích khởi nghiệp và tạo ra lòng tin cho người trẻ rằng mình không đơn độc.
Mới hè năm 2017, Đà Nẵng lần đầu tiên có một mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần dưới tên gọi công ty cổ phần đầu tư Flying Fish (Cá Chuồn). 10 nhà đầu tư đầu tiên góp vốn cho công ty cũng là những người đang trực tiếp điều hành Vườn ươm doanh nghiệp thành phố, hay những nhân sự đang gián tiếp hỗ trợ khởi nghiệp Đà Nẵng.
Thêm một tin vui nữa, vừa qua, UBND thành phố đã chỉ đạo Quỹ Đầu tư phát triển thành phố xây dựng Đề án thành lập Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo thành phố Đà Nẵng, hiện Đề án trong giai đoạn lấy ý kiến góp ý để hoàn thiện và dự kiến ban hành vào cuối năm 2017. Người miền Trung ngày trước không có văn hóa “mạo hiểm”, giờ đã khác rồi đấy.
* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.
Con cá chuồn có nhiều hình ảnh giống người khởi nghiệp. Người làm khởi nghiệp biết linh hoạt trong đường đi, nước bước. Người làm khởi nghiệp muốn thành công cũng không nên làm một mình, mà phải đi cùng nhau và luôn có một mạng lưới hỗ trợ, tạo thành một hệ sinh thái bền vững”. Chủ tịch Hội đồng Điều phốimạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng |
KHANG NINH thực hiện