Kinh tế
Hướng tới sản phẩm sạch
Để giúp nông dân từng bước tiếp cận kỹ thuật nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn sinh học nhằm hạn chế tối đa dịch bệnh, giảm thiểu rủi ro, bảo vệ môi trường nuôi bền vững, từ năm 2016 đến nay, Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm Đà Nẵng (gọi tắt là Trung tâm) xây dựng mô hình “Nuôi thủy sản nước ngọt theo hướng an toàn sinh học” tại Hóc Khế, thôn Khương Mỹ, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. Đến nay, qua 4 tháng triển khai mô hình, ao cá trên diện tích 2.000m2 của ông Lê Ích Dũng với 4 đối tượng nuôi cấy ghép là cá diêu hồng, mè, chép và cá basa ở mật độ 3 con/m2 phát triển tốt, chuẩn bị cho thu hoạch. Theo ông Dũng, việc ứng dụng chế phẩm sinh học và tỏi trong nuôi cá nước ngọt làm rút ngắn thời gian nuôi, tăng kích cỡ thương phẩm, hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.
Nuôi cá theo hướng an toàn sinh học giảm 1/3 thời gian chăm sóc so với cách nuôi truyền thống. |
Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% con giống, 30% thức ăn, men vi sinh, kiểm nghiệm phân tích môi trường nước, mẫu cá, mẫu thức ăn nhằm giúp người nông dân sản xuất thành phẩm có độ an toàn cao. Ông Thái Văn Luật, hộ nuôi cá ở thôn Khương Mỹ, xã Hòa Phong chia sẻ: “Cách nuôi cấy ghép này đã giảm tồn đọng thức ăn trong ao, hạn chế dịch bệnh cho cá, đồng thời giúp cá tăng trưởng nhanh. Mới qua 4 tháng nuôi, cá phát triển gần bằng 9 tháng nuôi theo cách truyền thống”.
Ông Trương Duy Khôi, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm thành phố cho biết, đồng hành với người nuôi cá theo phương thức mới này, thời gian qua, cán bộ của Trung tâm thường xuyên đứng điểm để hướng dẫn người dân sử dụng chế phẩm sinh học trong quá trình nuôi. Kết quả qua các lần kiểm tra mẫu nước, mẫu thức ăn, mẫu cá thương phẩm đều thể hiện các chỉ số an toàn và sạch bệnh.
Thực tế cho thấy, mô hình “Nuôi thủy sản nước ngọt theo hướng an toàn sinh học” ở Hòa Phong đã góp phần thay đổi phương thức nuôi truyền thống sang nuôi theo hướng an toàn sinh học nhằm hướng tới sản phẩm sạch, tạo nguồn sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần phát triển bền vững trong nuôi trồng thủy sản tại địa phương.
Bà Ngô Thị Kim Cương, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm thành phố cho biết: “Việc ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi cá nước ngọt rút ngắn thời gian nuôi, tăng kích cỡ thương phẩm, hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Đây là hướng đi mới trong nuôi thủy sản theo hướng an toàn sinh học trên địa bàn thành phố. Mô hình này không chỉ giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh, tạo ra sản phẩm an toàn mà còn tiến tới phát triển thủy sản bền vững”.
Bài và ảnh: THANH GIANG - MINH THỌ