Kinh tế

Quản lý chặt hoạt động lữ hành, hướng dẫn viên người nước ngoài

08:40, 30/09/2017 (GMT+7)

Trước đơn kiến nghị của tập thể hướng dẫn viên (HDV) Hoa ngữ tại Đà Nẵng về tình hình hoạt động lữ hành, hướng dẫn viên trên địa bàn thành phố, sáng 29-9, đại diện Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, sở đã có báo cáo, lý giải về 6 điểm chính mà các HDV Hoa ngữ đề cập trong đơn kiến nghị.

Ngoài ra, Phó Giám đốc Sở Du lịch Trần Chí Cường nêu rõ những khó khăn, vướng mắc hiện nay. Cụ thể, mô hình kinh doanh tour giá rẻ là đặc thù của thị trường khách Trung Quốc theo cơ chế kinh tế thị trường, có xu hướng gia tăng trong thời gian qua, nhưng nhân lực thanh tra của Sở Du lịch hạn chế về số lượng và phương tiện hỗ trợ nghiệp vụ, đặc thù thị trường rộng lớn và tương đối phức tạp, biến chuyển liên tục về hoạt động, sử dụng nhiều hình thức tinh vi, cộng với sự kết hợp, móc nối giữa doanh nghiệp lữ hành, HDV và nhân viên lái xe để tạo điều kiện cho người nước ngoài hoạt động trái phép.

Do đó, việc giám sát và thu thập chứng cứ vi phạm pháp luật còn gặp nhiều khó khăn, hành vi hoạt động trái phép diễn ra vào thời điểm ngoài giờ làm việc của lực lượng chức năng, hoặc diễn ra trên xe vận chuyển nên khó tiếp cận thu thập chứng cứ để làm cơ sở xử lý.

Trong khi đó, toàn thành phố hiện có hơn 3.000 HDV, trong đó có 623 HDV tiếng Trung được cấp thẻ. Số lượng HDV tham gia Câu lạc bộ (CLB) HDV Đà Nẵng còn hạn chế; đồng thời, CLB chưa đủ khả năng để đại diện, giải quyết quyền lợi cho HDV. CLB là tổ chức xã hội nghề nghiệp, tham gia với tinh thần tự nguyện. Do đó, các HDV có xu hướng tự sinh hoạt theo nhóm, theo ngôn ngữ, chưa có quy định quản lý rõ ràng.

Theo Luật Du lịch 2005, HDV được cấp thẻ có thể hoạt động toàn quốc, không thuộc trách nhiệm quản lý của bất kỳ đơn vị nào nên công tác quản lý HDV thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, Luật Du lịch mới có hiệu lực từ ngày 1-1-2018 quy định HDV phải có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội-nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch. Do đó, công tác quản lý HDV sẽ chặt chẽ hơn, Sở Du lịch sẽ sớm triển khai làm việc với doanh nghiệp lữ hành, HDV phổ biến, triển khai Luật Du lịch mới để từng bước đưa hoạt động HDV đi vào nền nếp, tuân thủ pháp luật.

Ngoài ra, trong tháng 9 và 10 tới, Sở Du lịch sẽ chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải (GTVT) nghiên cứu, tham mưu Bộ GTVT và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch bổ sung tiêu chí lắp đặt camera để thẩm định cấp biển hiệu xe vận chuyển phục vụ khách du lịch, đồng thời triển khai vận động các đơn vị vận chuyển lắp đặt camera quan sát trên xe vận chuyển du lịch để quản lý và trích xuất dữ liệu phục vụ công tác thanh kiểm tra khi có yêu cầu.

Dự kiến từ ngày 25-9 đến 15-10 sẽ phối hợp với Công an thành phố xử lý các nội dung cần sự phối hợp của các ngành (quản lý tạm trú, tạm vắng người nước ngoài, thị thực nhập cảnh…) theo đơn kiến nghị của tập thể HDV Hoa ngữ Đà Nẵng.

Sở Du lịch sẽ tiếp tục triển khai công tác thanh kiểm tra hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch; đồng thời, phối hợp với Công an thành phố, Thanh tra Giao thông và Phòng Quản lý xuất nhập cảnh triển khai kiểm tra thí điểm đoàn khách Trung Quốc của một số công ty lữ hành tại khu điểm để phát hiện, xử lý các trường hợp người nước ngoài được hợp thức hóa vào danh sách đoàn khách nhằm hoạt động trái phép.

Trong tháng 10, dự kiến mời chuyên gia Trung Quốc có kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch đến Đà Nẵng để tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho HDV tiếng Trung; đồng thời yêu cầu CLB lữ hành khai thác khách thị trường Hoa ngữ, Chi hội HDV Đà Nẵng có giải pháp quản lý, nâng cao năng lực trình độ, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ HDV; tổ chức gặp mặt doanh nghiệp lữ hành, HDV để phổ biến, quán triệt quy định của Luật Du lịch mới về quản lý hoạt động kinh doanh lữ hành, HDV; tổ chức đối thoại chuyên đề 3 bên gồm cơ quan quản lý Nhà nước (Sở Du lịch, Công an thành phố…), doanh nghiệp lữ hành, Chi hội HDV và đại diện cộng đồng HDV Hoa ngữ để trao đổi, phản biện các vấn đề bức xúc, tháo gỡ khó khăn, duy trì ổn định quyền lợi cho doanh nghiệp và HDV.

Tiếp tục có văn bản đề nghị các công ty lữ hành không sử dụng người nước ngoài tham gia phiên dịch và hướng dẫn du lịch; có văn bản đề nghị Chi hội HDV Đà Nẵng tuyên truyền để cộng đồng HDV tham gia tích cực trong việc hỗ trợ và cung cấp thông tin cho Sở Du lịch nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Sở Du lịch cũng đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Kế hoạch 4293/KH-UBND ngày 9-6-2017 về việc tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động lữ hành, hướng dẫn du lịch.

Công an thành phố tập trung theo dõi, kiểm tra và quản lý chặt chẽ người nước ngoài tạm trú và hoạt động trên địa bàn thành phố, kịp thời xử lý nghiêm người nước ngoài hoạt động trái mục đích nhập cảnh, báo cáo UBND thành phố trong tháng 10 tới; cho phép thí điểm lắp đặt camera trên xe vận chuyển du lịch của một số công ty lữ hành phục vụ thị trường khách Hoa ngữ, Hàn Quốc và một số đơn vị kinh doanh vận chuyển du lịch lớn.

9 tháng đầu năm nay, Thanh tra Sở Du lịch đã kiểm tra và xử phạt 94 trường hợp vi phạm, tổng số tiền 783,7 triệu đồng, tăng 50,3% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, đã xử phạt 86 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực lữ hành, hướng dẫn du lịch với số tiền 742,7 triệu đồng, tăng 61,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

THU HÀ

.