Mặc dù xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sau TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội nhưng Đà Nẵng đã có những cách làm sáng tạo, khai thác được lợi thế của thành phố.
Chủ tịch Hội đồng Điều phối Mạng lưới Khởi nghiệp Đà Nẵng Võ Duy Khương (phải) tìm hiểu gian hàng khởi nghiệp của sinh viên trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng tại Hội nghị và Triển lãm Khởi nghiệp SURF 2017. Ảnh: KHANH NINH |
Một chiều đầu năm 2017, Nguyễn Minh Đức (SN 1992) đứng trước Hội đồng giám khảo Vườn ươm doanh nghiệp (DNES) thành phố trình bày về dự án khởi nghiệp bằng chatbot (phần mềm giao tiếp dựa trên trí tuệ nhân tạo). Bài thuyết trình không trôi chảy, ý tưởng lại khá lạ lẫm, dự án của Đức đang có nguy cơ… rớt đài. Tuy nhiên, trong số các vị giám khảo, Chủ tịch Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp thành phố Võ Duy Khương vẫn lặng lẽ ghi chú từ đầu đến cuối phần thi của Đức. Cuối buổi, ông Khương hỏi một tiến sĩ công nghệ thông tin trẻ liệu dự án có tiềm năng không, tiến sĩ này bảo có. Vậy là ông quyết định nhận phần mềm của Đức vào DNES để ươm tạo. Sắp tới, Đà Nẵng sẽ là thành phố đầu tiên trong cả nước ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giao tiếp với người dân, trước tiên là trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.
Có lần, trong cuộc họp của Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp, ông Võ Duy Khương nói: “Đừng sợ cái lạ, cái mới. Những người khởi nghiệp có hoài bão, biết chấp nhận rủi ro với tinh thần đổi mới sáng tạo, biết dũng cảm gánh chịu tai họa về vật chất và tinh thần khi làm ăn thua lỗ. Vậy thì chúng ta - những người hỗ trợ cho họ - cũng phải có tinh thần đó. Có suy nghĩ, có tính toán rồi thì phải dám làm, dám chịu”.
Có lẽ cũng nhờ tính “không sợ cái lạ, cái mới, dám làm, dám chịu” mà chỉ trong thời gian ngắn Đà Nẵng đã đủ sức ghi tên mình vào bản đồ khởi nghiệp của quốc gia và khu vực. Nhìn lại thời điểm trước 2015, trên địa bàn thành phố gần như không tồn tại bất kỳ hệ sinh thái khởi nghiệp nào, chỉ có một số câu lạc bộ khởi nghiệp nhỏ ít người biết và một vài cuộc thi về ý tưởng kinh doanh trong nội bộ các trường đại học, cao đẳng. Thế nhưng, chỉ sau năm 2016 - năm được Chính phủ chọn làm năm “Quốc gia khởi nghiệp”, nền khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng đã hoàn toàn đổi sắc. Bắt đầu từ năm 2015, Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng được thành lập và trở thành mô hình đầu tiên tại Việt Nam có thể phát huy tối đa vai trò của chính quyền trong định hướng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, sáng tạo.
Đầu năm 2016, Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng - vườn ươm đầu tiên theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) của cả nước ra đời. Như được cho vào guồng, bánh xe khởi nghiệp của thành phố bắt đầu quay, từ những bước chậm mà chắc cho đến những vòng quay nhanh ấn tượng. Trong hơn một năm sau đó, nhiều tổ chức ươm tạo công, tư xuất hiện, kéo theo các chương trình ươm tạo và tăng tốc, thu hút đáng kể các dự án khởi nghiệp tại Đà Nẵng và các địa phương lân cận. Nhiều dự án đoạt giải cao trong các cuộc thi khởi nghiệp trong nước và quốc tế (như AntBuddy, Minh Hong, S&E), một số khác cũng thành công trong việc kêu gọi vốn đầu tư (như Zody, Hekate). Tháng 7-2016, Đà Nẵng lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Triển lãm khởi nghiệp quốc tế - Startup Fair với gần 1.000 người tham dự, trong đó có cả những quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần, nhà khởi nghiệp thành công, cố vấn khởi nghiệp trong và ngoài nước.
Giữa năm 2017, khách khởi nghiệp đến Đà Nẵng dự Hội nghị và triển lãm khởi nghiệp lần thứ hai, thấy thú vị với tên gọi mới SURF. Thú vị hơn nữa là tên gọi này lại được Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh giải thích ngay tại buổi khai mạc sự kiện: “SURF là “lướt sóng”, là lướt ngọn sóng khởi nghiệp. Đây là ý chí, tham vọng về việc chính quyền thành phố cùng cả cộng đồng sẽ chinh phục con sóng khởi nghiệp, vượt lên những thử thách để nắm bắt cơ hội, tạo động lực vững chắc, tiến tới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Cũng trong dịp này, Đà Nẵng ra mắt Công ty CP Đầu tư Cá Chuồn - mạng lưới nhà đầu tư thiên thần đầu tiên tại thành phố. Những người sáng lập chia sẻ: “Cá Chuồn ra đời để tự nhận trách nhiệm hỗ trợ những dự án khởi nghiệp không lung linh sắc màu; thêm sức, thêm lửa và thêm niềm tin cho những ai muốn theo đuổi giấc mơ của mình, thay vì bị người khác thuê để theo đuổi giấc mơ của họ”.
Từng bước, từng bước một, Đà Nẵng đang gầy dựng cho mình một hệ sinh thái khởi nghiệp vững chắc và mang đậm tính… Đà Nẵng. Chính quyền, doanh nghiệp, nhà trường, người khởi nghiệp, nhà đầu tư… khi vào hệ sinh thái sẽ như cây một rừng, cây to che chở gió mưa cho cây nhỏ, cây nhỏ lại đâm rễ chằng chịt, giữ đất cho cây to khỏi ngã trong mùa mưa bão. Đi sau nhưng không vì vậy mà đi vội vàng, mù quáng, Đà Nẵng đang tìm cách tận dụng những lợi thế của riêng mình để xây dựng một “trung tâm khởi nghiệp bên bờ biển” mà tại đó, người ta có thể vừa bàn chuyện khởi nghiệp, vừa tận hưởng nét đẹp thiên nhiên đã ban tặng thành phố.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh từng khẳng định: “Đà Nẵng xác định khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội tại thành phố”. “Xác định” là để hiện thực hóa, đầu năm 2017, UBND thành phố ban hành Đề án “Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030”. Theo đó, hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng sẽ phát triển dựa trên 5 trụ cột lớn: văn hóa khởi nghiệp; chính sách hỗ trợ; hạ tầng; đào tạo, tư vấn; liên kết và hợp tác. Đà Nẵng một lần nữa tiên phong trong việc biến cái “trên giấy” thành cái cụ thể. |
"SURF là “lướt sóng”, là lướt ngọn sóng khởi nghiệp. Đây là ý chí, tham vọng về việc chính quyền thành phố cùng cả cộng đồng sẽ chinh phục con sóng khởi nghiệp, vượt lên những thử thách để nắm bắt cơ hội, tạo động lực vững chắc, tiến tới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh lý giải về tên gọi SURF (Hội nghị và triển lãm khởi nghiệp). |
KHANG NINH