Kinh tế
13 Bộ ngồi lại gỡ rào cản cho doanh nghiệp
Thực hiện yêu cầu của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng 12 bộ ngành liên quan tiến hành rà soát để thực hiện mục tiêu loại bỏ ít nhất 50% số mặt hàng trong danh mục hàng hóa nhóm 2 thuộc diện phải kiểm tra nhà nước trước khi thông quan.
Khai mạc ngày hôm nay 11/10 tại Vĩnh Phúc, Hội thảo về nội dung nói trên sẽ diễn ra đến hết ngày 13/10 với sự tham gia của đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ và 12 Bộ, ngành liên quan, các hiệp hội, chuyên gia.
Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra thực tế việc kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Hải Phòng. |
Ngày 9/8/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số số 75/NQ-CP, trong đó giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát và loại bỏ ít nhất 50% số mặt hàng trong danh mục hàng hóa nhóm 2 thuộc diện phải kiểm tra nhà nước trước khi thông quan của 12 bộ chuyên ngành.
Cũng trong Nghị quyết này, Chính phủ giao các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế rà soát, cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành với mục tiêu giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 30 - 35% hiện nay xuống 15%.
Trong tháng 8/2017, Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về tăng cường thực hiện các nhiệm vụ cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhóm 2.
Hàng hóa nhóm 2 là các sản phẩm, hàng hoá có khả năng gây mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.. Tuy nhiên hiện danh mục các sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 được các bộ ngành quy định quá rộng, nhiều mặt hàng không thực sự có nguy cơ gây mất an toàn.
Hiện Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cũng hết sức quan tâm tới lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu. Vừa qua, Tổ công tác đã kiểm tra tại cảng Hải Phòng, Bộ Công Thương, Bộ Y tế và dự kiến sẽ tiếp tục kiểm tra nhiều Bộ khác như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ về vấn đề này.
Triển khai nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Khoa học và Công nghệ, trực tiếp là Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) phối hợp với Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo "Rà soát hàng hóa nhóm 2 và các văn bản quy phạm pháp luật về thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu" của các Bộ, quản lý ngành, lĩnh vực không phù hợp với Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật, Luật An toàn thực phẩm.
Sau lễ khai mạc, ngày họp đầu tiên hôm nay (11/10) sẽ bắt đầu với báo cáo tổng quan chung về tình hình danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ liên quan của đại diện Tổng cục TTCĐLCL. Tiếp đó, các Bộ: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ trình bày báo cáo tình hình rà soát danh mục sản phẩm hàng hóa nhóm 2 và các văn bản quy phạm pháp luật.
Vào ngày 12/10, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ báo cáo tình hình rà soát.
Trong ngày cuối cùng của Hội thảo ngày 13/10, các đại biểu sẽ nghe trình bày báo cáo tình hình rà soát của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đặc biệt, trong mỗi ngày họp, sau phần trình bày của các Bộ, ngành liên quan về tình hình rà soát sẽ là phần thảo luận mở rộng có ý kiến của tất cả các Bộ, ngành khác có liên quan, các tham luận, đóng góp từ Hiệp hội, chuyên gia.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Nguyễn Hoàng Linh cho rằng trong thời gian vừa qua Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành để tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp.
Tránh chồng chéo kiểm tra
Nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, giảm thời gian thông quan hàng hóa theo tinh thần Nghị quyết 19, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh cho rằng, thời gian tới cần rà soát để tránh chồng chéo cùng một mặt hàng phải thực hiện nhiều biện pháp quản lý khác nhau.
Rà soát, làm rõ danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan (tiền kiểm) theo hướng ít nhất có thể, chuyển mạnh sang hậu kiểm; quy định rõ các biện pháp quản lý trong các quy chuẩn Việt Nam để giúp doanh nghiệp, cơ quan kiểm tra, cơ quan hải quan trong quá trình thực hiện.
Đồng thời rà soát, chỉnh sửa các văn bản quy phạm pháp luật quy định về chứng nhận hợp quy, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa không phù hợp với Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật An toàn thực phẩm.
Được biết, triển khai Nghị quyết 19, thời gian qua Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả của công tác kiểm tra chuyên ngành đối với các sản phẩm hàng hóa nhóm 2.
Cụ thể là sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 27 năm 2012 quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm của Bộ; ban hành thông tư 02 năm 2017 có hiệu lực từ ngày 15/5 trên cơ sở sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư 28 năm 2012 quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, tinh thần chung Thông tư này đã căn bản giải quyết những bất cập của Thông tư 28, tức là toàn bộ quy định công bố hợp chuẩn hợp quy chủ yếu chuyển qua hậu kiểm. Như vậy, khi triển khai trong thực tế, đảm bảo 80% sản phẩm, hàng hóa nhóm II sẽ được thông quan trong vòng 1 ngày.
Theo Chinhphu.vn