Kinh tế
Bát nháo chuyện kinh doanh đất nền ven sông Cổ Cò
Sau khi chính quyền thành phố Đà Nẵng chỉ đạo chấn chỉnh hoạt động giao dịch kinh doanh bất động sản (BĐS) về những dự án thiếu tính pháp lý, hiện nay hoạt động kinh doanh BĐS rộ lên với những dự án ven sông Cổ Cò. Với cách tiếp thị dự án mập mờ câu chữ rằng “dự án đất nam Đà Nẵng” nhưng thực chất ở tít mù trong địa bàn tỉnh Quảng Nam. Những chiếc “bánh vẽ” dự án tung ra thị trường nhưng bao trùm ven bờ sông Cổ Cò là những khu đất “đồng không mông quạnh”.
Khung cảnh hiu quạnh ở nhiều dự án bất động sản ven sông Cổ Cò và Khu đô thị Điện Nam - Điện Ngọc. |
Hiện có gần 20 công ty, sàn giao dịch BĐS tham gia đầu tư và phân phối các sản phẩm BĐS đất nền khu vực ven sông Cổ Cò và vùng phụ cận thuộc địa bàn Khu đô thị Điện Nam - Điện Ngọc. Phần lớn các đơn vị này có trụ sở tại Đà Nẵng và Đà Nẵng cũng là nơi được làm địa điểm trung chuyển bán hàng.
Từ đây, một khái niệm định vị cho các dự án BĐS dù nằm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nhưng được gắn tên “nam Đà Nẵng”. Từ định vị “nam Đà Nẵng” để gia tăng giá trị đất nền và sau đó được các chủ đầu tư, sàn giao dịch, nhân viên môi giới “vẽ rồng, vẽ phượng” rồi tung ra thị trường.
Trong số các chủ đầu tư, đơn vị phân phối sản phẩm BĐS có những đơn vị có uy tín, bảo đảm tính pháp lý cùng những cam kết với khách hàng trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, cũng có nhiều chủ đầu tư, đơn vị phân phối dự án hoạt động theo kiểu bán hàng đa cấp làm rối loạn thị trường và bán hàng không thực chất với giá trị thực của dự án.
Các chủ dự án, đơn vị phân phối các dự án BĐS đất nền ven sông Cổ Cò không bỏ qua các mỹ từ cho dự án của mình như “Kim cương”, “Đất vàng” và sử dụng ngôn ngữ nước ngoài như “sống đẳng cấp”, “đô thị kiểu mẫu”, “phong cách châu Âu”… để làm mới, khoe mã dự án, làm bóng bẩy cho sản phẩm của mình.
Nhiều dự án được quảng cáo hoành tráng ngoài sức tưởng tượng, thậm chí là hoang tưởng như sở hữu “công viên hoa anh đào” tận Nhật Bản trong khi khí hậu tại khu vực đang triển khai dự án (tỉnh Quảng Nam) nắng nóng thì cháy da, bãi lầy ven sông và những nổng cát trắng. Tiếp thị BĐS khu vực này cũng ăn theo các dự án có quy mô đầu tư lớn và có cơ sở hạ tầng hoàn thiện để thơm lây như là “sát bên cạnh dự án Cocobay”, “bên cạnh Khu đô thị FPT”, “gần Làng Đại học Đà Nẵng”… nhưng thực tế vị trí dự án lại nằm cách khá xa các địa điểm mà họ bán hàng.
Cùng với việc quảng cáo quá đà, việc mồi chài khách hàng cũng lắm mưu, nhiều kế. Anh Q.T. ở Đà Nẵng cho biết, gia đình anh liên tục bị các nhân viên môi giới BĐS quấy rầy trong một tình huống “dở cười, dở khóc”. Việc là cơ quan anh có đặt mua tiệc buffet ngoài trời tại sân Golf Montgomerie Links từ một đơn vị tổ chức sự kiện.
Đến nơi thì đơn vị tổ chức ghép chung với nhiều cơ quan, đơn vị khác. Một bữa tiệc chung chạ rất kém vui nhưng mọi người đều cố làm hài lòng nhau. Trong bữa tiệc, đơn vị tổ chức sự kiện buffet yêu cầu mọi người cung cấp thông tin cá nhân như tên, số điện thoại, địa chỉ để tham gia trò chơi có thưởng. Điều bất ngờ từ thông tin cá nhân này đã trở thành đối tượng để các nhân viên giao dịch BĐS liên lạc, quấy rầy suốt một thời gian dài.
Thêm chiêu thức bán hàng khác là công ty kinh doanh BĐS mua các quảng cáo trên một số tờ báo để giới thiệu dự án. Tiếp đó, các nhân viên môi giới BĐS đặt rao các lô đất nền để chào bán ra thị trường. Việc xé lẻ đất dự án ra chào bán từng nền đăng dày đặt trên báo làm thị trường BĐS tại dự án đang lên cơn sốt để kích thích người mua.
Nhiều dự án có quy mô nhỏ cỡ 1ha nhưng được giới thiệu là những khu đô thị với các khu nhà mặt phố, biệt thự, đất ở chia lô. Thế nhưng, trên thực địa dự án, đó chẳng khác gì một khu dân cư tương đương tổ dân phố ở khu vực vùng ven thành phố Đà Nẵng.
Các chủ dự án, đơn vị phân phối BĐS tổ chức một mạng lưới bán hàng khá đông đảo nhân viên môi giới. Số lượng nhân viên môi giới BĐS đang hoạt động tại địa bàn Điện Nam - Điện Ngọc lên đến hàng ngàn người. Khi bắt đầu công bố dự án mới, các sàn giao dịch sẽ tổ chức sự kiện, mời hàng trăm khách hàng đến giới thiệu dự án rồi công bố thông tin mình sẽ phân phối độc quyền dự án này, đồng thời tung ra lượng sản phẩm rất hạn chế, công bố lượng giao dịch thành công lên đến hơn 90% - thậm chí 100% để tạo sự khan hiếm trên thị trường, kích thích người mua giao dịch cho những lần bán tiếp theo dù giá lần bán thứ hai bao giờ cũng cao hơn lần 1 do “vị trí đắc địa”, “duy nhất”, “cuối cùng”…
Chiêu thổi giá theo kiểu bán hàng “đa cấp” cũng đã xuất hiện. Cụ thể, sau khi chủ đầu tư ra BĐS đất nền, họ không bán trực tiếp mà giao cho một đại lý cấp 1 thường là các sàn giao dịch để công bố phân phối độc quyền. Từ đại lý cấp 1 bán cho hàng loạt đại lý cấp 2 với hình thức bán theo khu, từ đại lý cấp 2 sẽ bán cho đại lý cấp 3 với hình thức bán theo phân khu, theo lốc đất nền... Cứ thế, đất được bán qua nhiều trung gian mới đến tay khách hàng. Vì đất được bán qua nhiều trung gian nên giá bị đẩy lên cao, nhiều lô giá đội lên 3 - 4 lần so với mức giá chủ đầu tư đưa ra ban đầu.
Hiện nay tại khu vực Điện Nam, Điện Ngọc - ven sông Cổ Cò có trên dưới 85 dự án BĐS chào bán ra thị trường nhưng số lượng các dự án hoàn chỉnh về pháp lý thì chỉ đếm trên đầu ngón tay, người mua nếu không tìm hiểu kỹ về dự án rất dễ rước vạ vào thân.
Với tình trạng “tranh tối, tranh sáng” về những dự án đất nền núp danh “phía nam Đà Nẵng”, anh Quang Tam - nhà môi giới BĐS hoạt động lâu năm tại Đà Nẵng nói thêm, để tránh “sập bẫy”, người mua cần lưu ý nên lựa chọn sản phẩm của những công ty BĐS uy tín, tài chính vững mạnh, có thương hiệu để tránh những rủi ro không đáng có có thể xảy ra trong quá trình đầu tư.
Bởi theo anh Tam, trong vài năm trở lại đây, không ít dự án tại khu vực này bị UBND tỉnh Quảng Nam ra quyết định thu hồi do chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết, yếu về năng lực tài chính. “Trong số đó có thể kể đến hàng loạt trường hợp như dự án khu đô thị số 6 của Công ty TNHH Chí Thành, Dự án Khu dân cư Điện Nam Trung tại xã Điện Nam Trung (huyện Điện Bàn) thuộc khu Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc…”, anh Tam dẫn chứng.
Thực tế tại hiện trường, nhiều dự án BĐS ven sông Cổ Cò, khu đô thị Điện Nam - Điện Ngọc vẫn hiu quạnh, nhiều nơi làm bãi thả chăn nuôi gia súc. Không gian ven sông Cổ Cò vẫn nham nhở đôi bờ.
Bài và ảnh: Triệu Tùng