Kinh tế

Làm giàu từ nghề may thảm chân

10:21, 27/10/2017 (GMT+7)

Từ một phụ nữ đơn thân, không có nghề nghiệp ổn định, nuôi hai con nhỏ với vô vàn khó khăn, nhưng bằng nghị lực cùng sự dám nghĩ, dám làm, chị Nguyễn Thị Liễu, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thảm chân Xuân Phát (thôn Hòa Khương, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) không chỉ thoát nghèo, làm giàu bằng nghề sản xuất thảm chân, mà còn tạo việc làm và thu nhập từ 2,5 - 5,5 triệu đồng/tháng cho 11 lao động.

Từ một cơ sở sản xuất nhỏ ban đầu, Hợp tác xã Thảm chân Xuân Phát của chị Nguyễn Thị Liễu (phải) hiện gây dựng được chỗ đứng trên thị trường, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 11 lao động nữ.
Từ một cơ sở sản xuất nhỏ ban đầu, Hợp tác xã Thảm chân Xuân Phát của chị Nguyễn Thị Liễu (phải) hiện gây dựng được chỗ đứng trên thị trường, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 11 lao động nữ.

Chị Nguyễn Thị Liễu chia sẻ, chị đến với nghề may thảm chân từ năm 2007 trong một lần tình cờ được người bạn giới thiệu và hướng dẫn cách làm. Với số tiền vài triệu đồng tích cóp và vay mượn, chị đầu tư mua 2 máy may công nghiệp cùng vài cân vải vụn do các xí nghiệp may mặc trên địa bàn thành phố thải ra. Sản phẩm đầu tiên chỉ đơn giản là các đoạn vải nhỏ, nhiều màu sắc may nối với nhau thành những tấm thảm chân hình tròn hoặc vuông, sau đó đem bỏ mối cho tiểu thương ở các chợ Túy Loan, Cẩm Lệ. “Ban đầu, người ta chê xấu, sợ không có khách mua nên chẳng muốn cho tôi gửi hàng bán. Về sau thấy bán chạy, họ đặt hàng cho tôi làm. Thời gian đầu, tôi cố gắng may bất kể ngày đêm, nhưng vì làm một mình nên một ngày chỉ may được khoảng 30 tấm thảm, với thu nhập khoảng 200.000 - 300.000 đồng/ngày”, chị Liễu cho hay.

Cứ như vậy, từ cơ sở chuyên may thảm chân nhỏ lẻ, tự phát, qua 6 năm hoạt động, xưởng sản xuất của chị Liễu đã mở rộng quy mô, hình thành nên HTX Thảm chân Xuân Phát với 11 lao động là những phụ nữ trong thôn, gia công thường xuyên với mức lương dao động từ 2,5 - 5,5 triệu đồng/tháng. Chị Liễu cũng tự bỏ vốn để trang bị 11 máy may công nghiệp (mỗi máy khoảng 5 triệu đồng) cho nhân viên.

Đơn hằng ngày càng nhiều, để đáp ứng được yêu cầu của thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng, chị Liễu mở rộng nhập nguồn nguyên liệu là vải vụn với chất liệu thun 3 chiều, nỉ mỏng, đủ màu sắc từ TP. Hồ Chí Minh. Trung bình 2 tháng HTX Xuân Phát nhập một lô hàng 2-3 tấn vải vụn loại này với giá khoảng 6,5 triệu đồng/tấn. Công suất của HTX được nâng lên 300-400 tấm thảm/ngày. Hiện nay, chị Liễu tập trung làm các đơn hàng lớn với số lượng hàng ngàn tấm thảm, cung cấp cho ở các chợ trên địa bàn quận Thanh Khê, huyện Hòa Vang. Chị Liễu cho biết, để cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, chị và đội ngũ nhân viên phải không ngừng đổi mới mẫu mã, hình thức và điều chỉnh mức giá hợp lý. Giá bỏ sỉ thảm chân của HTX Xuân Phát dao động từ 12.000 - 100.000 đồng tùy đơn hàng và yêu cầu của khách mua. Đồng thời, chị còn lập trang mạng cá nhân, trang web riêng của HTX để quảng cáo sản phẩm.

Tham gia cơ sở sản xuất thảm chân của chị Liễu ngay từ những ngày đầu tiên, chị Hà Lê Thúy Vân (42 tuổi, ở thôn Hòa Khương) chia sẻ: “Ngày trước, ai gọi gì tôi làm nấy, thu nhập không ổn định. Từ ngày làm việc tại HTX đến nay, tôi có lương hằng tháng gần 6 triệu đồng, mấy tháng gần Tết, nhận nhiều hàng thì mức lương có khi 7-8 triệu đồng”.

Từ xuất phát điểm với nhiều khó khăn, chị Liễu thấu hiểu hoàn cảnh của phụ nữ trong thôn mong muốn có việc làm và thu nhập ổn định, bảo đảm thời gian vừa lo nội trợ, vừa đưa đón con cái đi học nên chị càng quyết tâm phát triển cơ sở sản xuất nhằm giúp chị em thoát nghèo, chủ động hơn trong cuộc sống. Bản thân chị Liễu, từ một phụ nữ đơn thân nuôi hai con nhỏ, nay trở thành người làm chủ, hai con của chị được học hành đầy đủ; cháu đầu đang du học ở Mỹ, cháu thứ hai có việc làm ổn định.

Bài và ảnh: HOÀNG LINH

.