Kinh tế
Sẵn sàng nguồn hàng mùa mưa bão
Đà Nẵng là địa bàn ven biển nên công tác đối phó với các tình huống thiên tai luôn được thành phố lưu ý chủ động. Riêng đối với ngành Công thương, kế hoạch bảo đảm nguồn hàng lương thực - thực phẩm được triển khai sẵn sàng.
Lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát thị trường để ngăn đầu cơ tăng giá. |
Theo Sở Công thương, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn đã đăng ký tham gia dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Đến nay, 9 đơn vị đã cam kết cung ứng bảo đảm nguồn hàng với tổng giá trị hơn 56,2 tỷ đồng. Trong đó, các đơn vị phân phối lương thực, thực phẩm lớn như Công ty TNHH Mega Market Việt Nam (Siêu thị Metro), Công ty CP Dịch vụ Thương mại tổng hợp Vincommerce, Công ty Lương thực Đà Nẵng, Siêu thị BigC Đà Nẵng, Công ty TNHH MTV TMDV Siêu thị Co.opmart Đà Nẵng và Chi nhánh Vissan Đà Nẵng. Nguồn hàng phong phú, dồi dào gồm gần 141.000 thùng mì ăn liền; 195 tấn gạo, nếp các loại; 24.300 thùng nước đóng chai và 390 tấn các mặt hàng lương thực, thực phẩm khác. Đối với mặt hàng gạo, Công ty Lương thực Đà Nẵng đồng ý tham gia dự trữ 100 tấn gạo (trị giá 1,3 tỷ đồng).
“Kế hoạch này đã được các doanh nghiệp cân đối sản xuất, chủ động tìm và dự trữ nguồn hàng thiết yếu khi có thiên tai, lụt bão xảy ra. Mặc dù có những khó khăn nhất định nhưng để chung tay vào nhiệm vụ chống bão, chúng tôi động viên các đơn vị duy trì nguồn hàng thường xuyên, không để ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của nhân dân trên địa bàn thành phố”, ông Nguyễn Hà Bắc, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết.
Tuy nhiên, theo kiến nghị một số doanh nghiệp đang kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, việc phải tự chủ động nguồn vốn, kho dự trữ, kỹ thuật bảo quản, tăng lượng hàng so với bình thường... gặp khó khăn về kinh phí. Hơn nữa, sau mùa mưa bão, nếu số hàng dự trữ không tiêu thụ hết sẽ xuống cấp, hao hụt (do ẩm mốc, chuột, mối mọt…), gây tổn thất cho doanh nghiệp. Do đó, cần UBND thành phố hỗ trợ doanh nghiệp các chi phí kho bãi, vận chuyển trong thời gian dự trữ hàng hóa phục vụ mùa mưa bão.
Bà Lê Thị Hiền, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Đà Nẵng chia sẻ: “Gắn với hoạt động kinh doanh với bình ổn thị trường là nhiệm vụ quan trọng của đơn vị nên siêu thị sẵn sàng tham gia. Trong trường hợp thiên tai xảy ra, ngay khi có chỉ đạo của UBND thành phố và Sở Công thương về việc xuất hàng thiết yếu phục vụ nhân dân, chúng tôi sẽ cung cấp khẩn trương, kịp thời đủ với số lượng theo nhu cầu. Hiện nay, kho bãi của siêu thị bảo đảm dự trữ nguồn hàng liên tục lưu thông vào ra, nhất là thực phẩm hằng ngày giá cả sẽ ổn định trong thời điểm giá cả bên ngoài có biến động”.
Trước đó, Sở Công thương đã xây dựng các phương án đối phó với tình hình thiên tai; thường xuyên rà soát các phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ngành Công thương như: ô-tô, áo phao, ủng đi mưa, đèn pin, đèn bão, radio, máy fax…; cung cấp các số điện thoại di động, điện thoại cơ quan và điện thoại nhà riêng của các thành viên Ban Chỉ huy của ngành để kịp thời huy động lực lượng, tổ chức triển khai hiệu quả công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai. Nếu xảy ra bão hoặc bão mạnh (bão từ cấp 8 đến cấp 11) và lũ trên mức báo động 3, với số người trong vùng ảnh hưởng khoảng 120.000 người, Sở Công thương xây dựng kế hoạch dự trữ lương thực và nước uống đủ trong 3 ngày cho nhân dân trong vùng lũ, lụt, bị chia cắt.
Chi cục Quản lý thị trường thành phố cũng cho biết, lực lượng sẽ tăng cường kiểm tra, rà soát chặt chẽ tình hình thị trường, biến động giá cả, khâu cung ứng, lưu thông và việc thực hiện niêm yết giá, bán theo giá niêm yết các mặt hàng thiết yếu theo quy định. Đẩy mạnh tuyên truyền, loại trừ các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại khi có thiên tai, bão lụt. Xử lý kịp thời các trường hợp lợi dụng tình hình bão lũ để đầu cơ ép giá, găm hàng gây bất ổn thị trường, nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng khan hiếm hàng hóa do thiên tai bão lũ để tăng giá quá mức nhằm thu lợi bất chính.
Kế hoạch dự trữ nguồn hàng của các đơn vị Công ty Lương thực Đà Nẵng: 100 tấn gạo; HTX An Hải Đông: 300 thùng mì ăn liền, 20 tấn gạo, 200 thùng nước đóng chai, 10 tấn thực phẩm; Siêu thị Metro: 4.800 thùng mì, 60 tấn gạo, 2.000 thùng nước đóng chai, 20 tấn thực phẩm; Siêu thị BigC: 15.000 thùng mì, 5 tấn gạo, 10.000 thùng nước đóng chai; Siêu thị Co.opmart: 10.000 thùng mì ăn liền, 10 tấn gạo, 10.000 thùng nước đóng chai, 20 tấn thực phẩm; Công ty CP Dịch vụ Thương mại tổng hợp Vincommerce Đà Nẵng: 10.000 thùng mì ăn liền, 600 thùng nước đóng chai, 35 tấn thực phẩm; Công ty Vissan Đà Nẵng: 300 tấn thực phẩm; Công ty TNHH Đà Nẵng Mễ Cốc: 1.000 thùng mì ăn liền, 5 tấn thực phẩm; Công ty Xuất nhập khẩu Đà Nẵng: 100.000 thùng mì ăn liền, 1.500 thùng nước uống đóng chai. |
Bài và ảnh: DUYÊN ANH