Kinh tế
Tàu cá thiếu lao động ra khơi
Mỗi chuyến ra khơi, chủ tàu phải chạy khắp nơi tìm kiếm lao động, có những tháng vì không tìm được lao động nên đành cho tàu nằm bờ. Đó là thực trạng thiếu lao động của những con tàu khai thác xa bờ hiện nay.
Dù chủ tàu “chia phần” nhiều cho lao động, nhưng cũng không thể giữ chân họ. |
Khó tìm lao động
Vừa trở về từ chuyến biển khu vực phía nam quần đảo Hoàng Sa để bán cá, ngư dân Ngô Văn Mai (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) - chủ tàu ĐNa 90764 lo lắng vì chuyến biển sắp tới không biết các thuyền viên còn theo mình nữa hay họ “nhảy” việc. Anh cho biết, 2 năm trở lại đây, trước mỗi chuyến ra khơi, anh đều phải đi tìm lao động, thậm chí năn nỉ những “bạn” thuyền tiếp tục đi với mình.
Theo anh Mai, do nhiều lao động đã bỏ biển lên bờ nên lao động biển rất thiếu. Hơn nữa, các lao động đi trên tàu thường “nhảy” việc vì họ luôn “đứng núi này trông núi nọ”. “Sau mỗi chuyến biển trở về, chúng tôi thường lo nơm nớp cho chuyến sau vì sợ không có lao động đi biển với mình. Nếu không tìm được lao động thì đành cho tàu ở nhà, khi nào có đủ lao động mới nổ máy cho tàu ra khơi”, anh Mai tâm sự.
Vì thiếu lao động nên tàu ĐNa 90709 của anh Lê Văn Thương (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) nằm bờ suốt một tháng qua. Trong một tháng ấy, anh Thương đã liên hệ nhiều nơi mới đủ lao động để cho tàu ra khơi vào tháng 8 (âm lịch), trong đó một nửa là lao động tại các tỉnh. Sáng 27-9 vừa qua, để chuẩn bị cho tàu ra khơi, ông Lê Văn Lễ (bố của anh Thương) phải sang phụ con trai khuân vác, sắp xếp một số vật dụng đưa lên tàu.
Anh Thương cho biết, mỗi chuyến ra khơi, anh “thưởng” cho mỗi thuyền viên 1,5 triệu đồng tiền dầu (theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ khai thác, nuôi trồng và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa, mỗi tàu cá đánh bắt xa bờ được hỗ trợ tiền dầu với 4 chuyến biển/năm, tùy theo công suất tàu; thấp nhất là 22 triệu đồng/chuyến, cao nhất 100 triệu đồng/chuyến). “Mỗi mùa biển, mỗi lao động còn được ứng trước của chủ tàu 10 triệu đồng để lo cuộc sống cho gia đình. Vậy nhưng, họ cũng đi theo tàu khác nếu tàu của mình không cho thu nhập cao trong chuyến vừa qua”, anh Thương nói.
Cần có chính sách thu hút lao động
Về nguyên nhân dẫn đến thực trạng thiếu lao động, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Đà Nẵng cho rằng, nghề biển là nghề rủi ro lớn, nhất là sau khi cơn bão Chanchu (2006) đi qua để lại hậu quả nghiêm trọng cho ngư dân Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung.
Vì vậy, nhiều người dân không theo nghiệp biển mà lên bờ. Bên cạnh đó, nhiều chủ tàu khi có điều kiện đã cho con học hành để kiếm nghề ổn định trên đất liền, khiến lao động trên biển ngày càng thiếu hụt, trong khi việc đào tạo nguồn nhân lực cho nghề biển còn hạn chế.
Thực trạng này không chỉ riêng Đà Nẵng mà nhiều nơi trong cả nước. Đây cũng là quan điểm của ông Đặng Công Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố. Theo ông Thắng, ngoài các nguyên nhân trên, các ngành nghề trên đất liền hiện cũng đã có những chi phối nhất định, khiến người lao động trên biển chuyển lên bờ ngày càng nhiều hơn.
Để giải quyết tình trạng này, ông Trần Văn Lĩnh cho rằng, cần hiện đại hóa nghề biển để nghề biển trở thành một ngành công nghiệp, có máy móc, thiết bị và con tàu hiện đại, ngư dân phải có trình độ. “Ở Hàn Quốc đánh bắt rất hiện đại, vậy mà họ còn thiếu lao động, phải thuê lao động ở Việt Nam. Do đó, chúng ta cần hiện đại hóa nghề biển. Ngoài ra, cần đào tạo nguồn nhân lực”, ông Lĩnh nói.
Trong khi đó, theo ông Đặng Công Thắng, thời gian qua, Hội Nông dân đã liên hệ với các chủ tàu để các chủ tàu kết nối với thuyền viên bằng cách hỗ trợ vốn, thăm hỏi, động viên gia đình các thuyền viên, chia lợi nhuận cao cho thuyền viên... Ông Thắng cũng cho rằng, chính quyền địa phương cũng cần có những chính sách phù hợp, hữu hiệu hơn nữa để hỗ trợ ngư dân nói chung, các thuyền viên nói riêng; trong đó phải luôn bảo đảm ổn định giá cả sản phẩm, không để xảy ra tình trạng được mùa thì mất giá…
Theo tìm hiểu của chúng tôi hiện nay, một số ngư dân trẻ, có trình độ đã thu hút được lao động gắn bó với mình. Điển hình như ngư dân Lê Văn Sang (phường Thuận Phước, quận Hải Châu), các lao động của anh luôn ổn định từ nhiều năm nay. Hay như các tàu của ngư dân Nguyễn Sương (phường Nại Hiên Đông), Trần Văn Mười (Mân Thái, quận Sơn Trà) luôn có lực lượng lao động trung thành. Được biết, các ngư dân này có những chính sách riêng như luôn quan tâm đến đội ngũ lao động; hỗ trợ khi lao động khó khăn; quan tâm đến gia đình của các lao động khi thuyền viên ra khơi…
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực tế thời gian qua, thành phố Đà Nẵng cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân để động viên họ vươn khơi bám biển, trong đó đặc biệt là hỗ trợ bảo hiểm thuyền viên. Bên cạnh đó, mở nhiều lớp đào tạo máy trưởng, thuyền viên, đào tạo về chuyển giao công nghệ. Đặc biệt, UBND thành phố đã có quyết định phê duyệt đề án “Phát triển ngành kinh tế biển thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Trong lộ trình này, sẽ nâng cấp Trường Cao đẳng Lương thực Đà Nẵng thành Trường Đại học Thủy sản Đà Nẵng để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ khai thác hải sản, nuôi trồng biển và chế biến thủy sản. Điều này mang lại hy vọng cho nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quá trình khai thác, đánh bắt hải sản của thành phố.
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ