Kinh tế
Sản xuất công nghiệp tăng tốc
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2017. Để bảo đảm kế hoạch, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Đà Nẵng đẩy mạnh các giải pháp đầu tư máy móc, thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, linh hoạt tìm kiếm thị trường...
Sản xuất tại Nhà máy lốp xe máy, Công ty CP Cao su Đà Nẵng. Ảnh: DUYÊN ANH |
Theo Sở Công thương, 9 tháng đầu năm nay, hoạt động sản xuất công nghiệp vẫn duy trì mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm ngoái. Một số ngành sản xuất chủ lực của Đà Nẵng vẫn có đà tăng trưởng tốt như: sản xuất đồ uống không cồn tăng 20,1%, sản xuất sắt thép tăng 16,5%, sản xuất thiết bị điện tăng 15,4%, linh kiện điện tử tăng 13,5%, máy móc thiết bị tăng 13,3%, dụng cụ thể thao và đồ chơi trẻ em tăng 12,1%... Với sự chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, Sở Công thương đã phối hợp với các ngành, chính quyền các cấp tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, góp phần giúp DN đạt nhiều kết quả khả quan.
Những tín hiệu vui
Lãnh đạo Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu cho biết: “Từ đầu năm đến nay, hoạt động sản xuất của DN vẫn phát triển tốt. Tuy nhiên, trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, sự cạnh tranh giữa các DN sản xuất trong nước cùng một lĩnh vực ngày càng trở nên gay gắt. Đối với ngành giấy và bao bì có khoảng 50% DN đã phải “từ giã cuộc chơi” vì không chịu được sức ép trước sự cạnh tranh gay gắt của các DN nước ngoài đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực này. Riêng Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu đã có sự thay đổi kịp thời về công nghệ sản xuất nên đủ sức cạnh tranh với các DN nước ngoài trong lĩnh vực này. Dự kiến doanh thu năm nay của công ty đạt khoảng 230 tỷ đồng”.
Đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt cùng loại sản phẩm từ Trung Quốc, Công ty CP Cao su Đà Nẵng đã có những định hướng cụ thể, đầu năm tập trung xuất khẩu 70% tổng sản lượng hàng sản xuất, còn 30% phục vụ thị trường trong nước, từ tháng 9 chuyển hướng ưu tiên 70% cho thị trường nội địa. Công ty thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường để có sự chủ động trong sản xuất và kinh doanh. Công ty cũng đang gấp rút hoàn thiện dây chuyền sản xuất lốp xe máy và dự kiến doanh thu trên 4.000 tỷ đồng.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực đối với nhiều DN trong nước, các DN nước ngoài mới hoạt động cũng đạt những kết quả đáng mừng. Ông Dai Niwa, Giám đốc Công ty TNHH Niwa Foundy bày tỏ: “DN chúng tôi mới đi vào hoạt động từ nửa cuối năm 2016 ở lĩnh vực sản xuất linh kiện, bộ phận thủy lực. 3 tháng đầu năm 2017, công ty sản xuất được 30 tấn sản phẩm, nhưng 3 tháng tiếp theo doanh thu đã tăng gấp 4 lần với 120 tấn sản phẩm. Đây là ngành mới tại Việt Nam và đòi hỏi máy móc công nghệ cao nên chúng tôi cũng không ngừng đầu tư. Hiện năng lực sản xuất của công ty mới đạt 20% và sản lượng sẽ còn tăng mạnh trong thời gian sắp tới do công ty đang dần đi vào hoạt động ổn định. Kết quả sản xuất, kinh doanh hiện tại đã đạt yêu cầu khiến chúng tôi hài lòng”.
Nỗ lực giải quyết khó khăn
Bên cạnh những ngành có tốc độ tăng trưởng cao, từ đầu năm đến nay, một số ngành sản xuất công nghiệp có mức tăng chậm, thậm chí sản xuất tiếp tục sụt giảm do thị trường tiêu thụ kém. Ông Hà Ngọc Thống, Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu chia sẻ: “Nếu như những năm trước đây, cứ kiếm được 100 đồng doanh thu thì mang về 3-4 đồng lợi nhuận cho DN, nhưng bây giờ chỉ còn lợi nhuận từ 1-2 đồng. Lý do là các đơn hàng đã ký từ đầu năm hoặc giữa năm khi giá xăng dầu chưa tăng, nhưng đến thời điểm này giá xăng dầu tăng liên tục khiến lợi nhuận của DN giảm. Muốn DN đứng vững, trước hết phải nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành. Từ nay đến cuối năm, DN cũng đã ký hợp đồng cung cấp sản phẩm giấy bao bì cho nhiều đối tác, nhưng năm nay lợi nhuận chắc chắn sẽ giảm hơn rất nhiều”.
Mong muốn sớm hoàn thành kế hoạch năm nhưng nhiều DN đang vấp phải khó khăn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều DN có kế hoạch đầu tư trang thiết bị máy móc mới để đáp ứng yêu cầu sản xuất ngày càng cao. Trong khi đó, không ít DN trong các khu công nghiệp hiện nay thiếu hụt lao động do chính sách bảo hiểm xã hội có sự thay đổi. Chẳng hạn như, Công ty CP Cao su Đà Nẵng từ đầu năm 2017 đến nay có 127 công nhân xin nghỉ việc dù mức lương ổn định 5-7 triệu đồng/tháng. Công ty Niwa Foundy đang gặp vướng mắc nhỏ về vấn đề điện, nước. Phía công ty cho rằng, với các loại máy móc hiện đại, việc vận hành phải được bảo đảm có điện 100%, xảy ra sự cố mất điện đột ngột sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của máy móc. Ngoài ra, công ty còn gặp khó khăn về nhân lực, do khu công nghệ cao ở xa, kỷ luật của công nhân còn yếu...
Về những vướng mắc của các DN, Sở Công thương cho hay, vừa qua sở đã nắm bắt tình hình tại 30 DN công nghiệp trên địa bàn thành phố. Qua đó đã tổng hợp 10 kiến nghị của 6 DN, chuyển thông tin đến các sở, ngành liên quan để trả lời cụ thể; đồng thời kiến nghị UBND thành phố tìm hướng tháo gỡ trong thời gian tới.
Bài và ảnh: DUYÊN ANH