Kinh tế

Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10

Doanh nhân trẻ và hành trình xây dựng thương hiệu

08:28, 13/10/2017 (GMT+7)

Trong hơn 40 năm,  từ ngày đất nước thống nhất (1975), Đà Nẵng đã có những doanh nghiệp (DN) khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, với các sản phẩm được người tiêu dùng tin dùng như: Bia Sông Hàn, Dệt may Hòa Thọ, Dệt may 29-3, Thủy sản Thuận Phước, Cao su Đà Nẵng… Nối tiếp các thế hệ đi trước, cộng đồng doanh nhân trẻ Đà Nẵng hiện nay luôn khát khao, miệt mài và nỗ lực xây dựng những thương hiệu có giá trị, tiếp tục góp phần ghi tên DN thành phố vào bản đồ cả nước và khu vực.

Thương hiệu không chỉ là hình ảnh, lợi ích của doanh nghiệp, mà còn thể hiện nội lực của địa phương, quốc gia. (Ảnh chụp tại Công ty CP Cao su Đà Nẵng)  Ảnh: KHÁNH HÒA
Thương hiệu không chỉ là hình ảnh, lợi ích của doanh nghiệp, mà còn thể hiện nội lực của địa phương, quốc gia. (Ảnh chụp tại Công ty CP Cao su Đà Nẵng) Ảnh: KHÁNH HÒA

Với 10 năm xây dựng và phát triển, hệ thống giáo dục Tiểu học và THCS Chất lượng cao Sky-Line đã tạo được chỗ đứng và lòng tin trong lĩnh vực giáo dục ở Đà Nẵng. Đằng sau sự thành công ấy là ý thức xây dựng thương hiệu của nữ doanh nhân Lê Thị Nam Phương (SN 1972), Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc hệ thống giáo dục Tiểu học và THCS Chất lượng cao Sky-Line.

Chị Nam Phương bày tỏ, nhiều người trong chúng ta trăn trở khi các thương hiệu Việt “chết yểu” hay bị thâu tóm... Nó khiến chúng ta không chỉ mất những ký ức đẹp, gắn bó với bao thế hệ từ những ngày đất nước còn gian khó, mà đâu đó thương hiệu quốc gia cũng bị tổn thương.

Xây dựng thương hiệu DN luôn là khát khao cháy bỏng, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, chỉ đường cho doanh nhân trong quá trình phát triển. Nó không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân, DN mà cao hơn, xa hơn đó còn là lòng tự tôn, tự hào về quê hương, dân tộc.

“Tôi muốn Đà Nẵng ngày càng có nhiều thương hiệu DN được ghi tên trên bản đồ cả nước và khu vực để mỗi khi nhắc đến, người ta biết ngay đó là DN của Đà Nẵng. Ngành nghề đang đeo đuổi cho phép tôi được đóng góp một chút công sức để chuẩn bị tâm thế cho các em học sinh - nguồn nhân lực mới, có năng lực, ý chí... Thành công của hội nhập phụ thuộc vào chính thế hệ công dân này. Tôi muốn khẳng định hơn, khắc sâu hơn giá trị con người miền Trung bằng những thành công thông qua giáo dục. Thương hiệu giáo dục miền Trung cũng sẽ đồng hành với hai đầu đất nước, sánh vai và cùng hội nhập thế giới”, chị Nam Phương nói.

Trong khi đó, với Công ty Tư vấn giải pháp CNTT Toàn Cầu Xanh, khởi nghiệp từ năm 2008 ở lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), số vốn chỉ vỏn vẹn 200 triệu đồng, qua gần 10 năm ổn định và phát triển, công ty đã khẳng định được vị trí của mình trong cộng đồng DN CNTT trên địa bàn thành phố. Doanh thu năm 2017 dự kiến cán mốc 2 triệu USD. Đây cũng là một trong những DN hiếm hoi của thành phố tham gia nhiều dự án lớn ở các trung tâm CNTT trên thế giới như Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản…

Nhiều doanh nhân trẻ Đà Nẵng ý thức rất rõ và kiên trì mục tiêu xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp mình trên thương trường trong và ngoài nước. (Ảnh chụp tại Công ty Tư vấn giải pháp CNTT Toàn Cầu Xanh).
Nhiều doanh nhân trẻ Đà Nẵng ý thức rất rõ và kiên trì mục tiêu xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp mình trên thương trường trong và ngoài nước. (Ảnh chụp tại Công ty Tư vấn giải pháp CNTT Toàn Cầu Xanh).

Anh Lê Trí Hải (SN 1976), Giám đốc Công ty Tư vấn giải pháp CNTT Toàn Cầu Xanh, rất năng động và có ý thức rõ ràng trong việc xây dựng thương hiệu DN. Anh Hải cho rằng, thương hiệu phải là sự tổng hòa giữa quy mô, hiệu quả hoạt động của DN, chất lượng của sản phẩm với uy tín, bản lĩnh và niềm tin mà người chủ DN gầy dựng trong lòng người lao động, đồng nghiệp, bạn hàng cũng như trên thương trường.

Bởi lẽ, những phần thuộc về vật chất như máy móc, trang thiết bị hay trụ sở DN…, các đơn vị đi sau có thể bắt chước được nhưng về phẩm chất, cá tính của người lãnh đạo thì mãi mãi là sự riêng biệt. Anh Hải nhìn nhận:

“Trong môi trường kinh doanh hiện đại và hội nhập hiện nay, thương hiệu của người lãnh đạo có khi có giá trị hơn cả thương hiệu của DN. Nó có thể như một loại “kháng thể” giúp DN vượt qua khó khăn, bởi thực tế người đứng đầu DN trực tiếp tham gia tất cả hoạt động giao dịch với đối tác, nhà đầu tư, chính quyền… Họ đại diện hình ảnh cho DN. Khi doanh nhân tạo được chỗ đứng và thương hiệu của bản thân trên thương trường, họ nắm chắc một tỷ lệ lớn của sự thành công. Bản thân tôi khi ra nước ngoài công tác cũng tự hào nói mình đại diện một DN của Đà Nẵng - Việt Nam”.

Đồng quan điểm của anh Lê Trí Hải, chị Trần Thị Kim Sơn (SN 1982), Giám đốc Công ty Dịch vụ và du lịch Biển Ngọc, 1 trong 100 gương mặt khởi nghiệp xuất sắc toàn quốc năm 2017 bày tỏ, bản thân chị luôn ý thức xây dựng thương hiệu DN phải từ chất lượng sản phẩm, sự khác biệt và tầm nhìn của người đứng đầu. Khởi nghiệp ở lĩnh vực làm đại lý vé máy bay, doanh nghiệp tiến dần vào lĩnh vực kinh doanh các tour, tuyến cho khách trong và ngoài nước.

Thời điểm đó, Đà Nẵng đã có những đơn vị tên tuổi ở lĩnh vực này, nếu theo bước chân của họ thì không thể cạnh tranh được. Từ đó, chị Sơn chọn hướng đi khác, khá mới mẻ, đó là tập trung đẩy mạnh phân khúc đưa khách từ nước ngoài về Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung, ở các thị trường có đường bay thẳng từ Đà Nẵng như Đài Loan, Nhật Bản, Singapore, Malaysia…, thay vì tổ chức tour đi nước ngoài.

Anh Phan Hải, Tổng Giám đốc Công ty Giày BQ, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng cho rằng, xây dựng thương hiệu là mục tiêu sống còn của DN nếu muốn vươn ra biển lớn, nhưng sự phát triển cũng như các sản phẩm của DN phải phục vụ mục tiêu cốt lõi là thúc đẩy phát triển xã hội, trong đó con người là yếu tố trung tâm và được đặt lên hàng đầu.

Theo anh Hải, giải pháp tốt nhất để giải quyết hài hòa giữa quyền lợi, lợi ích của DN với sự phát triển bền vững của thành phố là cả hai bên đều hỗ trợ nhau vì sự phát triển chung; phải tạo được sự đồng thuận giữa chính quyền - DN và người dân. Ở chiều ngược lại, thành phố cần tạo điều kiện tối đa cho sự phát triển của cộng đồng DN; tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh; thực hiện các chính sách, đề án hỗ trợ DN phát triển bền vững; hỗ trợ DN đổi mới công nghệ; xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo thuận lợi về nhiều mặt; hạn chế tối đa chi phí không chính thức; cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cán bộ, công chức, hết mình vì DN.

"Thương hiệu của người lãnh đạo có khi có giá trị hơn cả thương hiệu của doanh nghiệp. Nó có thể như một loại “kháng thể” giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, bởi thực tế, người đứng đầu doanh nghiệp trực tiếp tham gia tất cả hoạt động giao dịch với đối tác, nhà đầu tư, chính quyền… Họ đại diện hình ảnh cho doanh nghiệp”

Anh Lê Trí Hải, Giám đốc Công ty Tư vấn giải pháp CNTT Toàn Cầu Xanh

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

.