Kinh tế

Phục hồi sản xuất sau lũ

08:04, 20/11/2017 (GMT+7)

Những ngày này, nhiều diện tích các vùng rau trên địa bàn Đà Nẵng bị thiệt hại nặng do lũ lụt vừa qua đã được làm đất, gieo trồng và phục hồi màu xanh, bất chấp diễn biến phức tạp của thời tiết. Cùng với đó, mùa hoa Tết cũng được chuẩn bị chu đáo.

Người trồng hoa tập trung chăm sóc sau mưa lũ để hoa sinh trưởng tốt, nở đúng dịp Tết.
Người trồng hoa tập trung chăm sóc sau mưa lũ để hoa sinh trưởng tốt, nở đúng dịp Tết.

Mặc dù nhiều diện tích trồng hoa bị ngập lũ, lụt, nhưng ngoài thiệt hại hoàn toàn khoảng 7.000 gốc hoa hướng dương, tỷ lệ hoa cúc mới trồng trong chậu thiệt hại chỉ từ 5-20% do dập lá, sâu bệnh... Trong khi đó, các loại hoa khác như ly, vạn thọ, thược dược, mắt nai đến cuối tháng 11 này mới xuống giống. Vì thế, mùa hoa Tết sau lũ không bị ảnh hưởng nhiều.

Ông Lý Dạng, đại diện tổ hợp tác hoa, cây cảnh Dương Sơn (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) cho biết, trận lũ lớn vừa qua làm ngập và thiệt hại toàn bộ diện tích hoa hướng dương từ cây con, cây lớn, cây đã trổ bông. Tính cả tổ hợp tác, thiệt hại hoàn toàn 7.000 gốc hoa hướng dương. Còn hoa cúc trồng trong chậu thiệt hại không đáng kể, chủ yếu do bị dập, sâu bệnh… Các loại hoa khác như: ly, vạn thọ, thược dược còn khoảng nửa tháng mới xuống giống.

Khắc phục khó khăn về thời tiết, chuẩn bị xuống giống

Xã Hòa Liên và xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang) cũng là địa bàn bị ngập lụt nặng nề vừa qua. Tuy nhiên, theo người dân, số hoa cúc đã gieo trồng bị thiệt hại khoảng 20%. “Năm nay, tôi chỉ trồng 500 chậu hoa cúc. Đợt lũ lụt vừa qua chỉ bị thiệt hại khoảng 20%. Hiện nay, đã nhổ bỏ các cây bị dập lá và cây bệnh, đang chăm sóc cho cây hoa cúc sinh trưởng tốt và chuẩn bị xuống giống hoa ly”, ông Nguyễn Trung (thôn Vân Dương 1, xã Hòa Liên) nói.

Còn ông Nguyễn Ngọc Vinh, đại diện tổ hợp tác hoa Nhơn Thọ (xã Hòa Phước) cho hay, mặc dù diện tích trồng hoa bị ngập lũ nhưng chỉ thiệt hại khoảng 20% số hoa cúc trồng trong chậu và trồng trên đất. Hoa lan cắt cành và lan rừng cũng bị thiệt hại, nhưng không đáng kể. Cũng may mắn là do không trồng hoa hướng dương (vì trái vụ) nên không gặp thiệt hại như ở địa phương khác. Các loại hoa khác như: ly ly, vạn thọ, mắt nai, chuông… đang chuẩn bị xuống giống. Từ nay đến Tết, bà con sẽ khắc phục khó khăn về thời tiết, tập trung gieo trồng, chăm sóc, bảo đảm hoa phục vụ Tết.  

Tại khu vực tổ 25, phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ), mặc dù không bị ngập lũ lụt, nhưng do mưa to và kéo dài nhiều ngày nên có khoảng 15-20% số hoa cúc trồng trong chậu bị thiệt hại. “Tôi vừa cho 30.000 cây hoa cúc đại đóa và kim cương vào 2.000 chậu thì trời mưa to suốt mấy ngày. Tuy nhiên, do đã dự liệu thời tiết từ trước nên tôi trồng dày, sau mưa lũ thấy cây nào hư hại thì nhổ bớt ra khỏi chậu. Hiện tôi tập trung chăm sóc, thắp sáng đèn điện vào ban đêm để hoa cúc lớn, nở đúng dịp Tết Nguyên đán”, ông Tưởng Thế Chinh (tổ 25, phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) nói.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Hòa Vang, đợt mưa lũ vừa qua chủ yếu gây thiệt hại cho các diện tích trồng rau màu, chỉ khoảng từ 5 - 15% số chậu hoa cúc ở các xã Hòa Liên, Hòa Châu, Hòa Phước… bị dập, hư hại.

Trong khi đó, tỷ lệ hoa cúc trồng trên mặt đất bị ảnh hưởng mưa lũ khoảng 5,5ha, cây bị hư hại từ 20 - 50%, chủ yếu ở Gò Giảng (xã Hòa Phong), Dương Sơn (xã Hòa Châu), Nam Sơn (xã Hòa Tiến), Nhơn Thọ (xã Hòa Phước)… “Do mưa lũ trúng vào thời điểm người dân đã cho hoa cúc vào chậu nên không có hư hại đáng kể. Sau mưa lũ, người trồng hoa thực hiện dồn chậu hoặc trồng bổ sung các cây bị hư hại và chăm sóc cho cây phát triển tốt để bảo đảm nở hoa đúng dịp Tết”, ông Nguyễn Văn Lý, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang cho biết.

Sau khi chăm sóc vồng rau muống gieo trước lũ thành công, người trồng rau tiếp tục làm đất để gieo trồng cải và xà lách. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Sau khi chăm sóc vồng rau muống gieo trước lũ thành công, người trồng rau tiếp tục làm đất để gieo trồng cải và xà lách. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Chờ hoa cúc Đà Nẵng khoe sắc

Những năm trước đây, người nông dân trồng hoa cúc trên địa bàn thành phố phải mua giống hoa cúc từ Đà Lạt hoặc Hà Nội về trồng và gặp không ít thiệt hại, phập phồng trổ hoa không đúng dịp Tết. Năm nay, nhiều người trồng hoa được trồng các giống hoa cúc từ nuôi cấy mô, giâm tại chỗ.

Đầu tháng 8-2017, Sở Khoa học và Công nghệ và Phòng Kinh tế quận Cẩm Lệ triển khai thực hiện mô hình ứng dụng, chuyển giao mô hình nhân giống một số loại cúc từ cây nuôi cấy mô trên địa bàn quận với tổng kinh phí thực hiện gần 170 triệu đồng (trong đó, nông dân đóng góp kinh phí hơn 82 triệu đồng).

Sau khi có nuôi cấy mô được giống, Phòng Kinh tế quận Cẩm Lệ đã bàn giao cây giống hoa cúc pha lê cho các hộ dân trồng hoa thuộc phường Hòa Thọ Tây và phường Hòa Phát. “Sau một thời gian nhân giống, đến nay, các hộ nông dân đã cho vào chậu gần 100.000 cây hoa cúc. Do được gieo trồng ở nơi cao ráo và có các biện pháp kỹ thuật bảo vệ nên không bị ảnh hưởng do đợt mưa, lũ vừa qua. Cây giống giao cho hộ nông dân trồng rất đẹp và đang sinh trưởng bình thường, các hộ trồng hoa tuân thủ đúng các biện pháp kỹ thuật để bảo đảm phục vụ Tết Nguyên đán. Trước thành công ban đầu của mô hình, giống hoa cúc được nuôi cấy mô còn xuất ngược lên Đà Lạt để trồng”, bà Hứa Thị Thùy Phương, Phó phòng Kinh tế quận Cẩm Lệ cho hay.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), Chi cục đã có bảng hướng dẫn một số biện pháp kỹ thuật để giúp các địa phương và người nông dân chăm sóc, phục hồi cây hoa sau lũ. “Do ảnh hưởng của mưa lớn và kéo dài đã ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây, dập cây và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho một số bệnh phát sinh gây hại trên cây hóa; vì vậy, cần vệ sinh và tiến hành xử lý đồng ruộng. Ngoài ra, còn có các đối tượng như: bệnh đốm lá, gỉ sắ, gầy rệp…, gây hại rải rác cho cây hoa nên cần chú ý theo dõi để xử lý hiệu quả”, ông Phạm Hồng Vân, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật lưu ý.

Những ngày này, nhiều diện tích các vùng rau trên địa bàn Đà Nẵng bị thiệt hại nặng do lũ lụt vừa qua đã được làm đất, gieo trồng và phục hồi màu xanh, bất chấp diễn biến phức tạp của thời tiết.

Mặc dù vùng rau La Hường (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) đang trong thời gian san ủi, cải tạo mặt bằng và phân chia lại đất trồng, nhưng nhiều nông dân do nóng lòng vì đã 10 ngày trắng tay nên tranh thủ trời nắng ấm tiến hành khôi phục các vạt rau muống, mồng tơi, khoai lang… và làm đất, gieo cải, tầng ô, xà lách… Những vạt rau phục hồi được sau khi bị ngâm lũ thì một vài ngày nữa có thể thu hoạch.

Còn những vạt rau mới gieo hạt thì khoảng 1 tháng nữa mới thu hoạch. “Cả 3 sào rau (1.500m2) thiệt hại hoàn toàn khi bị ngâm trong nước lũ 3 ngày, nên gia đình tôi tranh thủ trời nắng ấm làm đất, gieo ít vồng cải, tần ô, xà lách… Khoảng 25 ngày nữa sẽ có rau bán”, ông Lê Tránh (tổ 29, phường Hòa Thọ Đông) nói.

Sau một tuần phục hồi, một người trồng rau ở thôn Phú Hòa 1 (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) đã cắt được mỗi ngày 30 bó rau muống và cải.  Ảnh: NAM TRÂN
Sau một tuần phục hồi, một người trồng rau ở thôn Phú Hòa 1 (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) đã cắt được mỗi ngày 30 bó rau muống và cải. Ảnh: NAM TRÂN

Còn ông Lê Duy Nam (tổ 33, phường Hòa Thọ Đông) cho hay: “Cả 7 sào trồng bồ ngọt, bầu, bí đao… bị thiệt hại nặng, chỉ khôi phục được một vạt rau muống do ở vị trí cao của vùng rau La Hường và chỉ bị ngập lũ 1 ngày. Vài ngày nữa là thu hoạch được vạt rau muống. Gia đình tôi cũng đã tranh thủ làm đất được 4 sào để tỉa hạt cải, xà lách… Nếu không bị ngập lũ nữa thì khoảng sau 25 ngày bắt đầu thu hoạch”.

Ở các làng rau của huyện Hòa Vang như Túy Loan Tây (xã Hòa Phong), Cẩm Nê (xã Hòa Tiến), Yến Nê (xã Hòa Tiến), Phú Sơn 3 (xã Hòa Khương)…, nhiều nông dân tranh thủ khôi phục các vạt rau còn có thể gượng được như mồng tơi, rau muống, khoai lang, khổ qua, bí đao… và làm đất, trồng các loại rau ăn lá ngắn ngày như rau cải, xà lách…

Song, thời gian này vẫn đang trong mùa mưa bão, thời tiết diễn biến phức tạp nên các địa phương không khuyến khích người nông dân trồng rau màu vụ đông. “Đợt mưa lũ vừa qua làm gia đình tôi bị thiệt hại gần 10 triệu đồng do cả 3 sào rau ở làng rau Túy Loan Tây bị ngâm trong lũ. Tôi đang tập trung khôi phục 1 sào rau khoai lang, rau muống, mồng tơi và làm đất, trồng một số loại rau vụ đông khác để nhanh có rau bán, hy vọng bán được giá để bù đắp một phần thiệt hại”, bà Đặng Thị Đào (thôn Túy Loan Tây 2, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) cho biết.

Ông Nguyễn Văn Lý, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Hòa Vang cho hay: “Do tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp nên huyện đang tập trung khắc phục hậu quã lũ lụt, tích cực chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân sắp đến. Trước những thiệt hại và khó khăn lớn của người trồng rau, chúng tôi đang nghiên cứu đề xuất hỗ trợ giống rau và hỗ trợ khắc phục bồi lấp đất đá có khối lượng lớn”.

Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), trong nhiều năm qua, rau vụ đông luôn gặp khó khăn, nhất là điều kiện thời tiết bất lợi, bão lụt thường xuyên xảy ra. Ngay sau lũ, Chi cục đã hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật giúp các địa phương và người nông dân chăm sóc, phục hồi rau.

Theo đó, đối với diện tích rau bị dập nát hoàn toàn, tiến hành nhổ bỏ, vệ sinh đồng ruộng để trồng lại lứa mới; riêng đối với rau muống, bà con có thể chăm sóc để thu hoạch. Những diện tích rau bị ngập úng không có khả năng phục hồi, tiến hành thu dọn tàn dư, xới xáo đất và rải vôi với liều lượng 25kg/sào. Đối với diện tích rau bị ảnh hượng nhẹ, còn có khả năng phục hồi được thì đánh rãnh tháo nước và xới xáo bề mặt đất để thoáng khí, giúp bộ rễ nhanh phục hồi. Sau khi bề mặt đất thoát nước khô thoáng, tiến hành bón phân lân, phân tổng hợp DAP hoặc phun phân bón lá cho rau để giúp cây sớm phục hồi.

NAM TRÂN

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

.