Phương án nào cho nút giao thông phía tây cầu Rồng?

.

Nút giao thông phía tây cầu Rồng (đường Nguyễn Văn Linh – Trần Phú – đường 2 Tháng 9 – Bạch Đằng) là một trong những nút giao có lưu lượng xe tham gia lưu thông rất lớn, đặc biệt vào các giờ cao điểm thường xảy ra ùn tắc cục bộ.

Để giải quyết nạn ùn tắc giao thông tại đây, thành phố đã làm việc với các đơn vị tư vấn, xây dựng hoàn chỉnh 3 phương án thiết kế cải tạo nút giao thông này và đang được lấy ý kiến rộng rãi.

Nút giao thông phía tây cầu Rồng thường bị ùn tắc cục bộ trong giờ cao điểm.
Nút giao thông phía tây cầu Rồng thường bị ùn tắc cục bộ trong giờ cao điểm.

Theo đó, 3 đơn vị tư vấn đã đưa ra các phương án thiết kế đề xuất bao gồm: phương án 1 hầm chui 2 chiều dọc theo đường Bạch Đằng kết hợp đầu tư đường Hoàng Văn Thụ nối dài ra đường Bạch Đằng để tăng hiệu quả lưu thông với tổng kinh phí dự kiến từ 218 - 250 tỷ đồng; phương án 2 hầm chui song song (một theo hướng Bạch Đằng – 2 Tháng 9, một theo hướng Trần Phú - Trưng Nữ Vương) với tổng kinh phí dự kiến khoảng 276 tỷ đồng; và giao thông cùng mức di chuyển theo hình xuyến mở rộng và cải tạo cảnh quan trong lòng nút với kinh phí dự kiến cho giao thông khoảng 20 tỷ, phần giải tỏa hơn 1.077 tỷ đồng.

Thực tế, khảo sát vào giờ cao điểm cho thấy có rất nhiều loại phương tiện lưu thông, đặc biệt đông đúc trên các tuyến đường Nguyễn Văn Linh, Bạch Đằng, Trần Phú, Trưng Nữ Vương; các tuyến còn lại như đường Lê Đình Dương lại thưa thớt và nhánh đường sát Đài Truyền hình VTV8, nhánh đường sát chùa An Long hầu như không có xe qua lại.

Tuy nhiên, vì khoảng cách 2 nút dọc theo đường Nguyễn Văn Linh lại gần nhau (khoảng dưới 100m) đều có bố trí đèn tín hiệu, tập trung quá nhiều xe cộ nên các hướng khác tuy ít phương tiện nhưng lại rất nguy hiểm khi giao cắt...

Theo KTS. Trần Thị Nam Phương, chủ đề tài của phương án cải tạo giao đồng mức: “Tuy mới đưa vào sử dụng từ năm 2013, nhưng nút giao thông này đã nhiều lần phải điều chỉnh về tổ chức giao thông. Đến nay, tình hình giao thông vẫn hỗn loạn, khó kiểm soát, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cao, tình trạng kẹt xe trong giờ cao điểm thường xuyên xảy ra trong lúc sự gia tăng nhanh chóng các loại phương tiện giao thông xe máy, xe con ngày càng lớn…

Sắp tới, khi thành phố sẽ triển khai tuyến xe buýt nhanh BRT qua cầu Rồng và các khu dân cư mới dọc sông Hàn hình thành thì tình trạng hỗn loạn giao thông, kẹt xe sẽ xảy ra thường xuyên và nặng nề hơn rất nhiều lần nếu không có giải pháp cải tạo dứt điểm ngay từ bây giờ. Do đó, việc cải tạo nút giao thông này được cho là cần thiết phải triển khai trong thời gian sớm nhất vì đây là trục chính, tập trung nhiều phương tiện lưu thông, đặc biệt trong giờ cao điểm”.

Mặc dù có những lợi thế nhất định về giao thông, nhưng với mức đầu tư khác lớn gần 1.100 tỷ đồng, phương án giao đồng mức sẽ khó khả thi. Theo Phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT) Công an thành phố, số lượng xe ô-tô đăng ký năm 2016 là 62.000 chiếc ô-tô thì đến nay đã tăng lên là 68.000 ô-tô, dự báo đến năm 2020 sẽ lên đến 100.000 ô-tô.

Vì vậy, việc phân luồng giao thông đóng vai trò hết sức quan trọng. Lãnh đạo Phòng CSGT cũng đề xuất phương án hạn chế xe du lịch 45 chỗ lưu thông vào đường Trần Phú và đường Phan Châu Trinh trong giờ cao điểm để giảm bớt ách tắc cục bộ tại nút giao thông này.

Đối với phương án thiết kế của Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình giao thông 5 (TECCO5), hiện tại, cụm nút giao được tổ chức giao thông bằng 2 cụm đèn điều khiển kết hợp, với chu kỳ đèn 72 giây vào giờ cao điểm (7 giờ - 8 giờ và 17 giờ - 18 giờ).

Tuy nhiên, vào giờ cao điểm (7 giờ - 8 giờ và 17 giờ - 18 giờ), cụm nút giao này luôn có hiện tượng ùn tắc xe và CSGT phải thường xuyên túc trực để bảo đảm giao thông. Chu kỳ đèn chưa phù hợp với lưu lượng xe trong nút do bị khống chế bởi chiều dài đoạn đường trước Bảo tàng Điêu khắc Chăm chỉ 55m nên trong thời gian đèn xanh, các phương tiện trên hàng chờ không thoát hết qua vạch stop, dẫn đến xe xếp hàng chờ rất dài trên các tuyến Nguyễn Văn Linh, Trần Phú. Với tốc độ tăng trưởng lưu lượng xe như hiện nay (khoảng 14,5%/năm), tình trạng ùn tắc giao thông trong nút sẽ diễn ra thường xuyên trong 1-2 năm tới.

Theo Chủ nhiệm thiết kế dự án Phạm Ngọc Vinh: “Với quan điểm thiết kế, hạn chế đến mức tối đa thay đổi cảnh quan khu vực, đặc biệt là khu vực Bảo tàng Điêu khắc Chăm và cầu Rồng; bảo đảm nâng cao năng lực phục vụ của nút giao trong khoảng trên 10 năm đến; bảo đảm tổ chức giao thông cho cả cụm nút giao (gồm 2 nút: Nguyễn Văn Linh - Trần Phú - Trưng Nữ Vương và Nguyễn Văn Linh - Bạch Đằng - đường 2 Tháng 9); không hình thành các điểm xung đột mới, tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc, tai nạn trong tương lai. Hạn chế tối đa công tác giải phóng mặt bằng, thu hẹp dòng chảy của sông Hàn; giá thành hợp lý…

Công ty đề ra 6 phương án gồm 2 phương án xây dựng 1 hầm chui cho hướng chuyển động từ đường 2 Tháng 9 đi đường Bạch Đằng và phương án gom 2 nút giao thành 1 nút giao. Bên cạnh đó là 3 phương án xây dựng 2 hầm chui.

Các phương án này cơ bản đều đáp ứng được yêu cầu các hướng chuyển động ít thay đổi so với hiện trạng, dễ dàng nhận biết khi tham gia giao thông. Khắc phục được tình trạng các nút tín hiệu đèn gần nhau nên giải quyết được tình trạng ùn tắc trước Bảo tàng Điêu khắc Chăm, giảm thiểu tai nạn trong khu vực nút, phù hợp với tổ chức khi có BRT (xe buýt nhanh) trong tương lai. Đồng thời kiến nghị chọn phương án bố trí 2 hầm với tổng chi phí khoảng 276,8 tỷ đồng vì có nhiều ưu điểm hơn các phương án còn lại.

Riêng đối với phương án thiết kế của Liên danh Công ty CP Tư vấn và đầu tư xây dựng ECC đưa ra, nút giao cùng mức không đáp ứng được năng lực thông hành giờ cao điểm với lưu lượng rất lớn như hiện nay và các năm sắp tới. Vì vậy, cần bổ sung ít nhất 1 vị trí giao cắt khác mức giữa các luồng giao thông chính theo hướng Đông - Tây (trục Nguyễn Văn Linh – cầu Rồng) và hướng Bắc – Nam (trục 2 Tháng 9 – Trần Phú – Bạch Đằng).

Trong đó, hướng trục đường Nguyễn Văn Linh do có độ dốc lên cầu lớn nên không bố trí được hầm theo hướng này. Như vậy, các phương án nghiên cứu sẽ được đề xuất dựa trên số lượng hầm chui và vị trí được lựa chọn xây dựng hầm. Theo KTS thực hiện thiết kế Lê Thanh Hải, có những phương án sau: Xây dựng 2 hầm đơn (1 hầm trên đường Trần Phú và 1 hầm trên đường Bạch Đằng), xây dựng 1 hầm 2 chiều trên đường Bạch Đằng với kinh phí từ 218-250 tỷ đồng tùy theo phương án hầm. Cùng với phương án thiết kế của TECCO5, đây cũng là phương án được đánh giá có khả thi và đang được đưa ra lấy ý kiến của các chuyên gia, tổ chức, cá nhân…

Tuy nhiên, trước mắt để giải quyết ách tắc giao thông trên trục giao thông này, thành phố nên giao Sở Giao thông vận tải phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu phân luồng lại, bao gồm cả phân luồng từ xa đối với các phương tiện giao thông tiếp cận vào khu vực trung tâm thành phố qua các trục đông - tây bao gồm từ sân bay ra, Lê Duẩn qua cầu Sông Hàn, qua cầu Trần Thị Lý và qua cầu Tiên Sơn; trong đó lưu ý các loại phương tiện như xe tải, xe du lịch cỡ lớn; kết hợp tổ chức hướng dẫn các phương tiện đậu đỗ, thu hẹp vỉa hè để giảm tải cho các nút này.

Đồng thời, đầu tư đường Hoàng Văn Thụ nối dài ra đường Bạch Đằng và nghiên cứu tổ chức lại giao thông tại nút Trần Phú - Nguyễn Văn Linh bằng cách pha đèn tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, giá long môn, phân luồng hướng lên cầu, hướng rẽ phù hợp, trong đó có tính đến phương án do đơn vị tư vấn đề xuất với tổng kinh phí dự kiến khoảng 5 tỷ đồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, các phương án hầm chui được đề xuất dù là 1 hay 2 hầm cũng đều phải hết sức cân nhắc yếu tố tổ chức cảnh quan tại khu vực này. Ông đề nghị phía tư vấn nên mời thêm các kiến trúc sư có kinh nghiệm về kiến trúc cảnh quan để tham gia góp ý.  

Lãnh đạo UBND thành phố thống nhất gia hạn cho các đơn vị thêm 3 tháng để tiếp tục nghiên cứu, lấy thêm ý kiến phản biện để hoàn thiện. Trên cơ sở đó, cuối tháng 11-2017, UBND thành phố sẽ nghe các đơn vị báo cáo lại để chốt phương án tổng thể của nút giao thông này, làm cơ sở báo cáo tại kỳ họp HĐND, dự kiến vào khoảng tháng 7-2018, để xin chủ trương bố trí nguồn vốn và kịp khởi công vào khoảng cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019. 

Theo Phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT) Công an thành phố, số lượng xe ô-tô đăng ký năm 2016 là 62.000 chiếc ô-tô thì đến nay đã tăng lên là 68.000 ô-tô, dự báo đến năm 2020 sẽ lên đến 100.000 ô-tô. Vì vậy, việc phân luồng giao thông đóng vai trò hết sức quan trọng. Lãnh đạo Phòng CSGT cũng đề xuất phương án hạn chế xe du lịch 45 chỗ lưu thông vào đường Trần Phú và đường Phan Châu Trinh trong giờ cao điểm để giảm bớt ách tắc cục bộ tại nút giao thông này.

Bài và ảnh: Phương Uyên

;
.
.
.
.
.