Hiệu quả ứng dụng công nghệ cao

.

Với sự quan tâm chỉ đạo của thành phố, huyện Hòa Vang đã tập trung nhiều nguồn lực, đầu tư kinh phí lớn cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao (CNC). Qua đó, nhiều chương trình dự án, mô hình sản xuất mang lại hiệu quả cao, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương ngày càng khởi sắc.

Nhờ ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao, sản phẩm rau sạch được trồng tại huyện Hòa Vang luôn được người dân thành phố tin dùng. TRONG ẢNH: Rau sạch Hòa Vang tham gia phiên chợ nông dân tại Đà Nẵng.
Nhờ ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao, sản phẩm rau sạch được trồng tại huyện Hòa Vang luôn được người dân thành phố tin dùng. TRONG ẢNH: Rau sạch Hòa Vang tham gia phiên chợ nông dân tại Đà Nẵng.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, đến nay, huyện đã quy hoạch được 7 vùng sản xuất CNC để kêu gọi đầu tư bao gồm: Khu nông nghiệp ứng dụng CNC tại thôn Trung Nghĩa (xã Hòa Ninh), khu nông nghiệp ứng dụng CNC tại thôn Đông Lâm và Đồng Lăng (xã Hòa Phú), vùng sản xuất rau an toàn thôn Năm (xã Hòa Khương), khu chăn nuôi tập trung Hòa Khương, vùng rau Nam Thành (xã Hòa Phong và xã Hòa Khương), vùng chăn nuôi tập trung tại thôn Lộc Mỹ (xã Hòa Bắc), vùng nuôi tôm Trường Định (xã Hòa Liên).

Để ứng dụng thành công kỹ thuật CNC, huyện đã đưa 68 lao động sang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp tại quận Yeongyang, Hàn Quốc; đồng thời mời các chuyên gia trồng trọt tại Đà Lạt trực tiếp hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật công nghệ sản xuất về nhà màng, hệ thống tưới tiết kiệm, thủy canh tại các xã Hòa Ninh, Hòa Phú. Ngoài ra, huyện phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình sản xuất lúa hữu cơ; mô hình dưa hấu, dưa kim cô nương; mô hình nếp đắng; mô hình tưới tiết kiệm nước trên cây thanh long; mô hình chăn nuôi gà đồi, gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học...

Từ 7 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC với tổng diện tích 440 ha, huyện đã hình thành các vùng chuyên canh rau, củ, quả, cá, tôm và con vật nuôi... Đến nay, nhiều giống cây trồng và con vật nuôi có giá trị đã bắt đầu đưa vào sản xuất và tạo hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ nông dân. Cụ thể như hộ anh Trần Dũng Quốc (xã Hòa Châu), sau khi được huyện hỗ trợ 141 triệu đồng để cải tạo mặt bằng, làm nhà lưới và hệ thống nhỏ giọt tiết kiệm, anh Quốc đã mạnh dạn đưa mô hình trồng hoa ứng dụng CNC vào sản xuất để phục vụ Tết Nguyên đán 2018 với trên 20.000 chậu hoa các loại, trong đó chủ yếu là dạ yến thảo, dừa  cạn, đồng tiền. Trong khi đó, anh Phạm Văn Hùng ở xã Hòa Phong mở rộng quy mô canh tác trên 6.000m2 với số tiền hỗ trợ 175 triệu đồng. Anh Phạm Văn Hùng cho biết, sau khi được huyện hỗ trợ, gia đình anh từng bước chủ động đưa các giống hoa mới vào thay thế dần các loại hoa truyền thống. Với 5.000 chậu hoa treo các loại, mỗi tháng gia đình thu về 70 triệu đồng, trong đó lãi ròng là 25 triệu đồng.

Cùng với các loại cây trên, mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất an toàn sinh học cũng được phát triển mạnh ở Hòa Vang. Trước đây, với phương thức truyền thống trong nuôi thủy sản nên nông dân không kiểm soát được dịch bệnh, làm ảnh hưởng đến môi trường nuôi, sản phẩm thiếu an toàn.

Từ năm 2016 đến nay, Trung tâm Khuyến ngư - nông - lâm Đà Nẵng đã xây dựng mô hình “Nuôi thủy sản nước ngọt theo hướng an toàn sinh học” và hiệu quả được người dân đánh giá khá cao. Qua 4 tháng triển khai, ao cá trên diện tích 2.000m2 của ông Lê Ích Dũng (xã Hòa Phong) với 4 đối tượng nuôi cấy ghép là các loại cá điêu hồng, mè, chép và basa được nuôi ứng dụng chế phẩm sinh học.

Nhờ vậy đã rút ngắn thời gian nuôi, hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Mô hình “Nuôi thủy sản nước ngọt theo hướng an toàn sinh học” ở xã Hòa Phong đã và đang góp phần thay đổi phương thức nuôi truyền thống sang nuôi theo hướng an toàn sinh học nhằm hướng tới sản phẩm sạch và phát triển thủy sản bền vững.

Dù đạt được nhiều kết quả, song khó khăn hiện nay của huyện là vẫn chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất để tạo liên kết trong tiêu thụ. Trong khi đó, 7 vùng ứng dụng CNC đã được phê duyệt quy hoạch để kêu gọi đầu tư nhưng chưa có quy hoạch chi tiết 1/500; thủ tục đất đai còn nhiều vướng mắc và chưa có đất sạch để doanh nghiệp sản xuất. Các hợp tác xã sau khi chuyển đổi theo luật định vẫn chưa thực sự chuyển biến về chất lượng hoạt động.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đặng Phú Hành, trong thời gian tới, huyện Hòa Vang sẽ đề xuất thành phố cho cơ chế được chủ động làm việc với các doanh nghiệp thực hiện các dự án có quy mô dưới 5 ha để tạo điều kiện cho các nhà đầu đầu tư sớm đi vào sản xuất; đồng thời đề nghị xây dựng cơ chế chính sách đặc thù, điều chỉnh các điều kiện để thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Bài và ảnh: GIA HUY

;
.
.
.
.
.