Kinh tế

Những người mê... bay

08:02, 09/12/2017 (GMT+7)

Chỉ mất khoảng nửa tiếng chạy xe lên bán đảo Sơn Trà, qua đỉnh Bàn Cờ khoảng 200m là đến một khoảng đất trống. Từ nơi đây có thể ngắm bãi biển trong xanh hay nhìn về thành phố sôi động. Đây cũng chính là nơi để những người thích... bay thỏa sức với những trải nghiệm độc đáo trên không trung.

Những chiếc dù đầy màu sắc bay lượn trên bán đảo Sơn Trà. Từ độ cao này, người chơi thỏa sức ngắm cảnh đẹp của thành phố.
Những chiếc dù đầy màu sắc bay lượn trên bán đảo Sơn Trà. Từ độ cao này, người chơi thỏa sức ngắm cảnh đẹp của thành phố.

Cuối tuần, những người yêu thích môn thể thao dù lượn có mặt tại bãi bay trên đỉnh Sơn Trà. Anh Dương Hiển Hoàng, thành viên nhóm chơi dù lượn Đà Nẵng cho biết, đây là môn thể thao kén người chơi, nhóm Đà Nẵng có hơn 20 người nhưng chỉ khoảng 5-7 người “bay” thường xuyên.

Anh Hoàng chia sẻ, điểm bay tại bán đảo Sơn Trà rất đẹp và được những người yêu thích môn dù lượn đánh giá là một trong những điểm đẹp nhất trong cả nước vì có biển, có núi, có những bãi cát trải dài tít tắp…

Sau những ngày làm việc căng thẳng, được bay, thả hồn vào không trung với thiên nhiên hùng vĩ thì mọi mệt mỏi dường như tan biến. Tuy nhiên, các thành viên phải được huấn luyện cách sử dụng dù, các bài tập về độ cao, cất cánh, an toàn bay…, vì điều kiện đầu tiên để chơi môn thể thao này là phải tuyệt đối bảo đảm an toàn.

“Từ độ cao 600m, người chơi dù lượn có thể bay trong 15-20 phút hoặc lâu hơn tùy điều kiện thời tiết. Khi bay, bạn sẽ có góc nhìn hoàn toàn mới về thiên nhiên tươi đẹp, sẽ thấy khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà xanh mát, hòa cùng nắng và gió biển...”, anh Hoàng lý giải. Các thành viên nhóm chơi dù lượn cho rằng, nếu trở thành hoạt động thường xuyên phục vụ khách, dù lượn sẽ góp phần làm phong phú và đa dạng hơn sản phẩm của du lịch của thành phố.

Chị Nguyễn Thị Thu Trang (27 tuổi, đến từ Hải Phòng) háo hức với chuyến bay đôi cùng người hướng dẫn. Chị đã chuẩn bị máy quay để ghi lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp của Đà Nẵng từ trên cao. Trong lần bay đầu tiên, chị Trang không giấu được sự phấn khích khi nhảy từ trên đỉnh núi cao xuống.

Dù lượn là môn thể thao mạo hiểm, kén người chơi vì đòi hỏi nhiều kỹ năng, việc đầu tư một bộ dù lượn cũng không rẻ (bộ dù cũ từ 30-40 triệu đồng/bộ; bộ mới từ 60 đến hơn 100 triệu đồng/bộ) nhưng những ai đã chơi thì đều đam mê. Các thành viên của nhóm chơi dù lượn đến từ nhiều ngành nghề khác nhau như kỹ sư, kinh doanh bất động sản, dịch vụ du lịch…, nhưng họ luôn tranh thủ thời gian những ngày nghỉ cuối tuần để… bay.

Trải qua một thời gian tập luyện và chơi dù lượn, anh Nguyễn Văn Tiến Toàn, thành viên nhóm dù lượn Đà Nẵng chia sẻ, đây là môn thể thao mạo hiểm nên nếu thời tiết không tốt thì không nên chơi. Anh Toàn bày tỏ, những lúc đến với dù lượn chính là khoảng thư giãn thú vị nhất, mỗi lần cất cánh bay thành công là một lần chiến thắng được chính bản thân mình. “Cũng như các môn thể thao khác, môn dù lượn đòi hỏi người chơi phải thường xuyên tập luyện và học hỏi để làm chủ cánh dù, đạt đến độ bay nhất định, đồng thời phải học cách hạ cánh trúng đích (bãi biển Mân Thái) để không bị rơi xuống biển”, anh Toàn chia sẻ thêm.

Mới làm quen và bắt đầu chơi dù lượn, anh Trần Thành (33 tuổi, quê Quảng Trị) vẫn đang tập chạy đà để có được những chuyến cất cánh thành công. Nhiều khi chạy đà, cất cánh dù không lên được bị va vào bụi rậm hay rơi xuống rừng. Tuy nhiên, anh Thành không nản chí. Với người mới chơi dù lượn như anh, sợ nhất là bị rơi xuống biển vì dù lớn, rơi xuống nước sẽ nặng, rất khó để đưa dù lên bờ.

Những người chơi dù lượn thường nói vui rằng, khi bay ở độ cao nhất định, tất cả khoảng không gian rộng lớn như nhỏ lại, thu hết vào tầm mắt. Càng đi, càng bay lại càng khao khát được chinh phục những cung đường bay với những độ khó khác nhau bởi mỗi điểm bay đều chứa đựng những điều kỳ diệu.

Một trong những thuận lợi của điểm bay Sơn Trà là có thể chạy xe lên thẳng tới nơi cất cánh, mỗi lần bay, người chơi phải cõng theo chiếc ba-lô rất to, bên trong chứa một số đồ nghề, được thiết kế như chiếc ghế ngồi, người chơi có thể thoải mái bay lượn trong khoảng thời gian dài không bị mỏi.

Tuy nhiên, anh Dương Hiển Hoàng cũng cho hay, không phải ngày nào cũng có thể bay được vì dù lượn là môn thể thao mạo hiểm, để bảo tuyệt đối an toàn bay, người chơi phải tuân thủ theo những quy định về thời tiết, vận tốc gió…

Với mong muốn phát triển dù lượn là một môn thể thao tại Đà Nẵng, năm 2016, nhóm chơi dù lượn Đà Nẵng đã tổ chức thử nghiệm giải “Bay trên Tiên Sa” tại điểm bay bán đảo Sơn Trà, thu hút sự tham gia của nhiều phi công từ hai đầu đất nước cũng như một số người chơi dù lượn từ các nước khác. Cũng dự thi và bay ở nhiều giải trong nước và quốc tế, anh Dương Hiển Hoàng - thành viên nhóm chơi dù lượn Đà Nẵng - mong muốn tổ chức giải dù lượn quốc tế vào năm 2018 để những người yêu thích dù lượn trong nước và quốc tế có thể tham dự tại điểm bay Sơn Trà. Đây cũng là cách thu hút khách du lịch đến với Đà Nẵng, đặc biệt là khách nước ngoài.

Bài và ảnh: THU HÀ

.