Kinh tế
Nông dân làm du lịch
Gần 2 năm nay, người dân vùng rau phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn quen thuộc với hình ảnh những du khách nước ngoài gánh nước, cuốc đất, trồng rau... Đó là những trải nghiệm thú vị trong tour du lịch nông nghiệp do bà Nguyễn Thị Công, hội viên nông dân phường Mỹ An kết nối với một công ty du lịch tổ chức.
Du khách thích thú chụp hình lưu niệm cùng người nông dân tại vườn rau thuộc phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn. |
Không khó để chúng tôi tìm gặp bà Công tại vườn rau trên đường Hàm Tử khi bà đang hướng dẫn khách du lịch làm đất, trồng rau sạch. Kể lại thời điểm bắt đầu “bén duyên” với việc làm tour du lịch nông nghiệp, bà Công cho hay, đó là một sự tình cờ. Lúc ấy, trong lúc bà đang chăm sóc vườn rau của mình ở đường Chương Dương thì có 3 du khách nước ngoài đến hỏi và ngỏ ý được tìm hiểu và chụp hình lưu niệm.
Với vốn tiếng Anh sẵn có, bà Công nhiệt tình hướng dẫn và chụp hình chung với họ. Bẵng một thời gian, đến cuối năm 2015, khi bà và một số hộ khác đang lui cui thu hoạch rau thì có một cô gái cầm trên tay tấm ảnh bà chụp cùng 3 người khách du lịch đến hỏi thăm.
“Nhìn hình, tôi nhận ra ngay mình trong đó. Lúc đó tôi cũng rất sợ không biết chuyện gì, nhưng khi nghe cô gái giới thiệu là làm bên công ty du lịch muốn gặp và hợp tác làm ăn. Từ đó, tôi bắt đầu với công việc thú vị này...”, bà Công cho hay.
Theo bà Công, 2 năm qua, bà không nhớ mình tiếp bao nhiêu khách. Điều lạ là khách chỉ thích đến với vườn rau của bà vì với mỗi người khách bà đều rất hồ hởi, xem như người thân trong gia đình. Bà kể, có đôi vợ chồng người Mỹ mặc dù đã lớn tuổi nhưng muốn được trải nghiệm tất cả các hoạt động của một người nông dân, từ gieo trồng từng luống rau, cuốc đất, gánh gàu tưới nước...
Nhìn hình ảnh một người đàn ông Mỹ cao to vụng về làm nông dân với vẻ thích thú khiến bà vui lây. Khi chào tạm biệt, nghe bà nói 25 ngày sau là đám xà lách ông bà vừa gieo trồng có thể thu hoạch, nếu có dịp đến Đà Nẵng lần nữa hãy ghé thu hoạch nhé, bỗng dưng hai vợ chồng quay lại ôm chặt lấy bà, cùng lời hứa sẽ trở lại thăm bà cùng với những người bạn khác.
Một điểm cộng cho sự thu hút của bà Công là ngoài sự thân thiện, mến khách, chính là vốn tiếng Anh giao tiếp tốt. Bà kể, mỗi lần khách đến tham quan, lúc nào cũng có 2, 3 phiên dịch viên đi theo, nhưng khi đến vườn rau của bà thì phiên dịch chỉ “ở không” bởi bà giao tiếp với khách là chính, cách chia sẻ hài hước, ai cũng thích thú cười ngả nghiêng.
Để minh chứng cho điều này, bà Công cho chúng tôi xem tin nhắn của anh Jay, khách du lịch Mỹ được bà lưu cẩn thận trong điện thoại - dịch sang tiếng Việt: “Tôi rất ngạc nhiên vì khả năng của những người nông dân ở đây. Họ tiếp đón rất nhiệt tình và chuyên nghiệp khiến tôi cảm thấy mình trở nên rất đặc biệt. Chắc chắn tôi và gia đình sẽ quay trở lại một ngày không xa”.
Mỗi tháng bà Công tiếp từ 10 đến 15 đoàn khách du lịch đến tham quan, mỗi đoàn từ 5-7 người, chủ yếu là khách Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc... tiền công tiếp mỗi khách 50.000 đồng. Tuy nhiên, hiện nay, do mảnh đất bà Công mượn tạm trồng rau ở đường Chương Dương, hiện chủ đầu tư lấy lại để triển khai dự án, vì vậy bà không còn làm rau nữa.
Nhưng với tâm huyết và mong muốn định hình tour du lịch nông nghiệp trải nghiệm ở ngay chính vườn rau của những người nông dân trên địa bàn phường, bà Công vẫn tiếp tục gắn bó với công việc. Theo đó, bà Công nhận đoàn và hướng dẫn hộ bà Nguyễn Thị Út, hộ nông dân trồng rau ở đường Hàm Tử đón khách.
Bà Công chia sẻ, làm du lịch không khó, chỉ cần người nông dân thân thiện, nhiệt tình; đặc biệt, cần học cách giao tiếp từ ánh mắt nụ cười đến phong thái, ăn mặc gọn gàng, để khách đến đây có ấn tượng tốt về quê hương, đất nước mình.
Nếu mô hình này được nhân rộng ở các vườn rau trên địa bàn thành phố thì không những giúp người nông dân tăng thêm thu nhập, mà còn góp phần quảng bá hình ảnh thành phố Đà Nẵng, Việt Nam thân thiện, mến khách.
Tuy nhiên, hiện nay người nông dân chỉ coi du lịch nông nghiệp như một hoạt động mang lại thu nhập phụ cho gia đình trong thời gian nhàn rỗi, còn hoạt động chính của họ vẫn là sản xuất nông nghiệp. Do vậy, việc định hướng cho người dân cách thức, phương pháp làm du lịch chuyên nghiệp, cũng như trang bị cho họ những kiến thức nền tảng về du lịch, về nghề hướng dẫn viên du lịch là điều cần thiết.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Mỹ An cho biết, hiện nay phường có 70 hộ trồng rau, nhưng đất sản xuất đều nhờ đất của dự án nên có thể lấy lại bất cứ lúc nào. Do vậy, mặc dù kết hợp làm du lịch là mô hình hay nhưng người nông dân bất an và không mấy mặn mà. |
Bài và ảnh: NHƯ Ý