Kinh tế

Từ ý tưởng thực tế đến ước mơ khởi nghiệp

08:03, 09/12/2017 (GMT+7)

Từ những cuộc thi trong phạm vi thành phố, các sản phẩm của sinh viên, thanh niên cho thấy những ý tưởng rất thực tế và đầy tiềm năng để khởi nghiệp. Quan trọng hơn, qua những hoạt động đó, các bạn trẻ có cơ hội chia sẻ và học hỏi ý tưởng cho hành trình lập thân, lập nghiệp phía trước.

Sinh viên khoa Sinh - Môi trường, Trường Đại học Sư phạm giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp ứng dụng công nghệ sinh học.
Sinh viên khoa Sinh - Môi trường, Trường Đại học Sư phạm giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp ứng dụng công nghệ sinh học.

Mang ý tưởng từ đồ án tốt nghiệp về sản xuất chế phẩm nano bạc bằng phương pháp sinh học ứng dụng trong bảo vệ thực vật, Nguyễn Phúc Quân và Nguyễn Tấn Phát (sinh viên khoa Sinh - Môi trường, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng) đã vượt qua 20 ý tưởng xuất sắc khác để giành giải nhất cuộc thi “Ươm mầm ý tưởng” (cuộc thi do Thành Đoàn Đà Nẵng phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Vườn ươm doanh nghiệp tổ chức vào tháng 11-2017).

Phúc Quân cho biết, trong lĩnh vực trồng trọt, thuốc bảo vệ thực vật có vai trò rất quan trọng giữ vững năng suất, chất lượng cây trồng, bảo đảm an ninh lương thực. Tuy nhiên, bà con nông dân do thiếu kiến thức về các loại hoạt chất trong thuốc bảo vệ thực vật dẫn tới tình trạng sử dụng thuốc thiếu hiệu quả, làm tăng chi phí sản xuất và nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và môi trường.

Trước thực tế đó, nhóm Quân hướng đến tạo một chế phẩm bảo vệ thực vật có giá thành phù hợp và không ảnh hưởng đến chất lượng nông sản và sức khỏe người sử dụng cũng như môi trường. Quân và Phát cho biết, nhóm đang thử nghiệm chế phẩm trên cây cà chua để phòng bệnh héo xanh và phòng chống nhiễm nấm mốc khi nuôi trồng các loại nấm, nếu thành công sẽ hướng đến việc thương mại hóa sản phẩm.

Cũng đến từ khoa Sinh - Môi trường, Trường Đại học Sư phạm, đề tài “Sản xuất nấm linh chi trên gỗ cây tràm” của nhóm sinh viên Phạm Thị Bích Duyên, Lê Văn Kiêm, Ngô Thị Hồng Vân, Phan Thị Huyền Trang xuất sắc đoạt giải nhì cuộc thi này.

Bích Duyên, nhóm trưởng cho biết, linh chi là loại nấm có giá trị dinh dưỡng cao, có tác dụng thanh lọc độc tố, kích thích khả năng bài tiết của cơ thể, đặc biệt là khả năng chống oxy hóa, kéo dài tuổi thọ, vì vậy việc nuôi trồng và tiêu thụ nấm linh chi đang ngày càng tăng mạnh. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc phát triển nấm dược liệu còn khá chậm so với các nước trong khu vực, do trình độ công nghệ ở quy mô nhỏ lẻ, nhiều hạn chế về nhà xưởng, trang thiết bị...

Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu sản xuất nấm linh chi đang cạn kiệt nên việc tìm một nguồn nguyên liệu mới thay thế là rất cần thiết. Vì vậy, nhóm đã thực hiện việc nghiên cứu và trồng nấm linh chi trên gỗ cây tràm. Với đề tài này, nhóm mong muốn giải quyết được sự thiếu hụt nguồn nguyên liệu, rút ngắn thời gian nuôi trồng và nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Xác định hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm trong tất cả các cấp bộ Đoàn, thời gian qua, Thành Đoàn Đà Nẵng đã tổ chức rất nhiều cuộc thi tạo điều kiện cho thanh niên, sinh viên trao đổi, học hỏi các mô hình, sản phẩm sáng tạo. Anh Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng nhìn nhận, từ các cuộc thi, sinh viên, thanh niên được trao đổi với các doanh nhân thành đạt và học hỏi kinh nghiệm để tìm kiếm cơ hội đầu ra cho sản phẩm của mình.

Anh Nguyễn Đức Nam Trung, Phó Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng bày tỏ, cần có một cơ chế, công cụ giúp thanh niên đổi mới sáng tạo bền vững. Song song với các cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của thành phố, tại Vườn ươm doanh nghiệp cũng đang có các chương trình ươm tạo khởi nghiệp để các bạn trẻ có ý tưởng hoặc muốn tìm hiểu về khởi nghiệp có thể đến tham khảo và có thể tìm được người đồng hành trên con đường khởi nghiệp sáng tạo.

Bài và ảnh: THANH TÌNH

.