Kinh tế
Việt Nam cam kết tham gia mạnh mẽ tiến trình hợp tác Á - Âu
Sáng 30-11, cuộc họp Hội đồng Thống đốc Quỹ Á - Âu lần thứ 37 chính thức khai mạc tại Đà Nẵng với sự tham dự của các Thống đốc đến từ 53 thành viên Diễn đàn Á - Âu (ASEM) và Quỹ Á - Âu (ASEF), gồm 21 quốc gia châu Á, 30 quốc gia châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) cùng Ban Thư ký ASEAN.
Các đại biểu trao đổi bên lề cuộc họp Hội đồng Thống đốc Quỹ Á - Âu. Ảnh: KHÁNH HÒA |
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng Thống đốc ASEF, bà Eva Biaudet, cảm ơn và đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo của chủ nhà Việt Nam. Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Thống đốc của Việt Nam tại ASEF nhấn mạnh:
Việt Nam luôn là thành viên năng động và có trách nhiệm trong ASEM; đồng thời, nêu rõ trước chuyển biến nhanh chóng của cục diện với nhiều thách thức đang nổi lên đối với các khu vực và hợp tác đa phương, ASEM đứng trước thời khắc chuyển đổi và ASEF càng có vai trò quan trọng trong nỗ lực nâng cao vị thế cũng như hình ảnh của ASEM. Việt Nam cam kết luôn coi trọng ASEM và ủng hộ vai trò quan trọng của ASEF trong nỗ lực tăng cường hiểu biết và hợp tác giữa nhân dân hai châu lục, thúc đẩy quan hệ đối tác Á - Âu.
Bên lề cuộc họp, chủ nhà Việt Nam phối hợp với ASEF tổ chức tọa đàm “Xây dựng tầm nhìn quan hệ Á - Âu toàn diện trong thế kỷ 21” vào chiều 30-11 với sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Văn Miên. Tọa đàm tập trung 3 nội dung chính: các xu thế lớn trong cục diện quốc tế và khu vực; những cơ hội và thách thức trong quá trình hợp tác ASEM ở thập niên tới; tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác Á - Âu toàn diện.
Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn khẳng định, vượt qua những rào cản và khác biệt, ASEM đã trở thành “gia đình” với 53 thành viên, cùng hợp tác và hỗ trợ nhau vì hòa bình, phát triển và thịnh vượng của 2 châu lục Á - Âu.
Trong cục diện hợp tác kinh tế ở nhiều khu vực đang chững lại, những thách thức của toàn cầu hóa, số hóa, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, an ninh mạng, chủ nghĩa khủng bố, bệnh dịch, thiên tai, an ninh nước và lương thực… đòi hỏi ASEM phải xây dựng cơ chế hoạt động toàn cầu, công bằng và hiệu quả hơn; tiếp tục đi đầu trong tiến trình vì hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng, thúc đẩy sự tuân thủ luật pháp quốc tế và các chuẩn mực chung...
KHÁNH HÒA