Kinh tế
Sử dụng hiệu quả vốn ODA
Nhiều năm qua, nguồn vốn ODA đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Nhiều chương trình, công trình, dự án đã hoàn thành, đi vào khai thác, phục vụ đời sống của người dân.
Hệ thống thoát nước trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn - một trong những công trình có sử dụng vốn vay ODA. |
Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), từ năm 1999 đến nay, Đà Nẵng tiếp nhận 31 dự án ODA với tổng vốn 564 triệu USD, trong đó vốn ODA chiếm 75%; tập trung chủ yếu vào lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng (CSHT) như cải tạo hệ thống cấp nước, thoát nước và giao thông, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông, cung cấp trang thiết bị y tế kỹ thuật cao... Đến nay, tổng giải ngân vốn ODA và vốn đối ứng của các dự án đạt trên 530 tỷ đồng.
Giám đốc Sở KH-ĐT Trần Văn Sơn cho biết, các dự án đầu tư sử dụng vốn ODA ở Đà Nẵng chiếm khoảng 80% tổng vốn đầu tư, tập trung chủ yếu các lĩnh vực xây dựng và phát triển CSHT, góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển đô thị. Thành phố có 5 dự án đang trong giai đoạn xúc tiến chính thức đề nghị Bộ KH-ĐT xem xét và vận động các nhà tài trợ gồm: dự án cải thiện môi trường nước Đà Nẵng; dự án hạn mức tín dụng của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD); dự án cảng Liên Chiểu, dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị Đà Nẵng; dự án cải thiện hạ tầng giao thông thành phố Đà Nẵng.
Thực tế cho thấy, nhiều công trình, dự án đã được đưa vào sử dụng và phát huy tác dụng kinh tế. Các dự án ODA đã và đang góp phần không nhỏ trong việc thay đổi bộ mặt đô thị thành phố thông qua việc cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường tại các khu vực ô nhiễm, thoát nước thải, nước mưa; cung cấp các dịch vụ CSHT cho cộng đồng dân nghèo với việc nâng cấp hàng loạt khu thu nhập thấp; xây dựng cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Khuê Đông, đường Nguyễn Tri Phương nối dài, đường vành đai phía nam, hầm chui nút giao thông Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương…; cung cấp thiết bị hiện đại phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư cho Đà Nẵng và khu vực miền Trung-Tây Nguyên; cải tạo mạng lưới cấp nước, xây dựng Nhà máy Nước Hòa Liên... Cụ thể, các dự án đã phát huy hiệu quả như: dự án phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ; dự án đầu tư mở rộng hệ thống cấp nước Đà Nẵng giai đoạn 2012-2018 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); dự án Trung tâm khu vực miền Trung về y học hạt nhân và xạ trị tại Bệnh viện Đà Nẵng do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ; dự án thoát nước vệ sinh môi trường; dự án đầu tư CSHT ưu tiên.
Bên cạnh đó, phải kể đến những tác động tích cực của dự án hạn mức tín dụng của AFD dành cho Quỹ đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng; dự án tăng cường tác động của cải cách hành chính thành phố Đà Nẵng do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tài trợ. Đặc biệt, với 2 dự án sử dụng ODA là cảng Tiên Sa, dự án hầm đường bộ Hải Vân kết nối vùng và quốc tế, cùng các dự án hạ tầng khác đã góp phần tăng số doanh nghiệp của Đà Nẵng...
Tại hội nghị thu hút đầu tư vào lĩnh vực phát triển CSHT Đà Nẵng hồi tháng 10 vừa qua, đại diện Bộ KH-ĐT đánh giá Đà Nẵng sử dụng vốn ODA hiệu quả; bảo đảm bố trí đầy đủ, kịp thời vốn đối ứng, đáp ứng tiến độ giải ngân các dự án ODA theo yêu cầu của nhà tài trợ. Mặt khác, Đà Nẵng thực hiện tốt công tác giải tỏa đền bù, giải phóng mặt bằng; đồng thời, tập trung mọi nguồn lực để giải quyết dứt điểm từng dự án để sớm phát huy tác dụng.
Thực tế, thành phố đã cân nhắc thận trọng, dự án nào thực sự cần thiết và phát huy hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội thì triển khai ngay. Dự án nào không thể đáp ứng được nhu cầu về vốn thì mới vay nước ngoài và đã vay là tập trung mọi nguồn lực để thực hiện không chậm tiến độ, đội vốn không đáng kể. Đây là điểm mạnh trong việc sử dụng vốn ODA của Đà Nẵng.
Bài và ảnh: THÀNH LÂN