Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng

.

Trước thềm Gặp mặt mùa Xuân 2018, chiều 24-1, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa gặp mặt đại diện các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp (DN), doanh nhân trên địa bàn thành phố nhằm kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh cũng như kiến nghị, hiến kế của DN liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, hỗ trợ hiệu quả cộng đồng DN trong thời gian tới.

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa khẳng định lãnh đạo thành phố rất quan tâm đến việc phát triển văn hóa. Ảnh: TIỂU YẾN
Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa khẳng định lãnh đạo thành phố rất quan tâm đến việc phát triển văn hóa. Ảnh: TIỂU YẾN

Tại buổi gặp mặt, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cho biết, thành phố rất quan tâm các dự án như lối xuống biển tại khu vực cuối đường Hồ Xuân Hương và một số khu vực khác trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn; dự án Quảng trường Trung tâm thành phố; quy hoạch tại cảng Sông Thu cũ; liên quan đến rà soát các dự án đầu tư xây dựng khu vực bán đảo Sơn Trà; dự án Công viên Đại Dương; khu đô thị quốc tế Đa Phước; dự án nhà hàng và bến thuyền tại khu vực phía nam cảng Sông Hàn...

Cũng theo Bí thư Trương Quang Nghĩa, có 2 việc lớn Đà Nẵng phải làm thời gian tới là công tác quy hoạch cán bộ và quy hoạch, định hướng phát triển đô thị.

“Hiện nay, Đà Nẵng đang tập trung phát triển khu vực phía tây thành phố. Toàn huyện Hòa Vang có diện tích gấp 5 lần khu vực nội thành nhưng chỉ cung ứng khoảng 20% nhu cầu nông sản. Do đó, thành phố rất cần những đóng góp, hiến kế của cộng đồng DN trong vấn đề quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới”, Bí thư Thành ủy nói.

Đại diện lãnh đạo các Hội, Hiệp hội cho rằng, hiện nay, vấn đề cạnh tranh bình đẳng, minh bạch nguồn lực đất đai ở Đà Nẵng vẫn ở mức thấp. Đặc biệt, sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ về thu hồi, cấp đổi lại sổ chứng nhận quyền sử dụng đất, khắc phục sai phạm gây thất thu ngân sách Nhà nước hơn 3.400 tỷ đồng khiến nhiều DN rơi vào khó khăn.

Đối với hỗ trợ DN, cần xây dựng hệ sinh thái DN, bố trí mặt bằng quy mô nhỏ cho các DN nhỏ và vừa, thúc đẩy các hoạt động mua bán và sáp nhập các DN trên thị trường, tái cấu trúc DN để DN tăng khả năng hội nhập.

Bà Phạm Thị Minh Trang, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân thành phố Đà Nẵng đặt câu hỏi, tại sao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Đà Nẵng cao nhưng DN Đà Nẵng vẫn than khó, du lịch phát triển nhưng nguồn thu từ du lịch vẫn thấp? Cùng với đó, bà Trang hy vọng lãnh đạo thành phố quan tâm cụ thể đến cộng đồng DN nữ, lợi ích lao động nữ như có những thiết chế văn hóa, không gian vui chơi, giải trí tại các khu công nghiệp.

Ông Trần Phước Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu miền Trung cho rằng, thủ tục đầu tư ở Đà Nẵng còn kéo dài khiến nhiều công trình phải thi công vào mùa mưa, gây khó khăn cho việc hoàn thành dự án theo kế hoạch. Việc phê duyệt hồ sơ thầu cho các dự án Đà Nẵng, có những dự án chưa giải tỏa đền bù xong vẫn cho triển khai, dẫn đến một số dự án đã triển khai nhưng lại vướng giải tỏa, đền bù khiến công trình “treo” ngoài ý muốn.

Ông Phạm Kim Sơn, Chủ tịch Hội Phần mềm thành phố Đà Nẵng mong muốn thành phố sẽ quan tâm cụ thể đến cộng đồng DN phần mềm, dựa vào xu hướng, tốc độ phát triển hiện nay. Chỉ trong năm 2017, riêng các DN phần mềm đã đóng góp 70 triệu USD doanh thu cho thành phố. Do đó, theo ông Sơn, bên cạnh du lịch, Đà Nẵng cần xây dựng ngành Công nghệ thông tin thành lợi thế cạnh tranh của thành phố.

Kết thúc buổi gặp mặt, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa ghi nhận những ý kiến, đóng góp của đại diện các Hội, Hiệp hội DN thành phố Đà Nẵng, với mong muốn thành phố ngày càng phát triển hơn. Đồng thời, ông cho biết, quan điểm phát triển thời gian tới của Đà Nẵng sẽ là phát triển văn hóa, dựa vào nền tảng văn hóa - xã hội vốn có của vùng đất này.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.
.