Bánh khô mè Cẩm Lệ tất bật vào vụ Tết

ĐNO - Cứ vào mùa Tết, những lò bánh khô mè dọc bờ sông Cẩm Lệ (quận Cẩm Lệ) lại liên tục đỏ lửa để phục vụ nhu cầu thị trường.

Bánh khô mè còn có tên gọi là bánh “bảy lửa” vì công đoạn làm bánh phải trải qua ngọn lửa bảy lần. Cùng với bánh tráng cuốn thịt heo hai đầu da và chả bò, bánh khô mè Cẩm Lệ là đặc sản truyền thống của Đà Nẵng được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là đặc sản của Việt Nam.

Video: XUÂN SƠN

Nguyên liệu của bánh là hỗn hợp bột gạo - nếp, mè, đường. Người làm bánh sẽ pha bột gạo với bột nếp, sau đó cho bột vào khuôn để tạo hình, rồi hấp cách thủy, nướng trên than hoa. Tiếp đó, bánh được nhúng với một lớp đường mía non, lăn qua mè hoặc nếp rang.

Các cơ sở làm bánh khô mè tại quận Cẩm Lệ đang tất bật cho vụ Tết. Ảnh: XUÂN SƠN
Các cơ sở làm bánh khô mè tại quận Cẩm Lệ đang tất bật cho vụ Tết. Ảnh: XUÂN SƠN

Bánh được phủ nếp rang gọi là bánh khô nổ, bánh phủ mè gọi là bánh khô mè. Sản phẩm bánh đạt yêu cầu phải có ruột xốp giòn, thơm mùi mè và nếp rang, ngọt vị đặc trưng của mía non, lớp đường mía bên trong dẻo sánh có thể kéo được thành sợi khi bẻ bánh. Loại bánh này đặc biệt được sử dụng trên các mâm cúng gia tiên trong ngày giỗ, Tết và làm quà tặng.

Sau khi được tạo hình, hấp cách thủy và nướng trên than hoa, bánh được nhúng với một lớp đường mía non rồi lăn qua mè hoặc nếp rang. ẢNH: XUÂN SƠN
Sau khi được tạo hình, hấp cách thủy và nướng trên than hoa, bánh được nhúng với một lớp đường mía non rồi lăn qua mè hoặc nếp rang. ẢNH: XUÂN SƠN

Trên địa bàn quận Cẩm Lệ hiện nay, các cơ sở sản xuất bánh khô mè tập trung chủ yếu ở phường Khuê Trung và phường Hòa Thọ Đông. Trong đó, nổi tiếng nhất là bánh khô mè tại cơ sở của bà Huỳnh Thị Liễu (phường Khuê Trung), hay còn gọi là “Bánh khô mè Bà Liễu”.

Bên cạnh cơ sở tại đường An Hòa 12, bánh khô mè Bà Liễu còn một chi nhánh tại đường Ông Ích Đường. Em trai bà Liễu là ông Huỳnh Đức Khiển cũng mở một cơ sở sản xuất bánh khô mè tại phường Hòa Thọ Đông với tên gọi “Bánh khô mè Bà Liễu mẹ”. Bánh được sản xuất với nhiều mẫu mã, hình thức khác nhau, vị ngọt thanh nhẹ, chất lượng cao cùng giá cả dao động trong khoảng 20.000 đồng đến 50.000 đồng/gói nên rất được khách hàng ưa chuộng.

Bánh đạt yêu cầu phải có ruột xốp dòn, thơm mùi mè và nếp rang, ngọt vị ngọt đặc trưng của mía non, lớp đường mía bên trong dẻo sánh có thể kéo được thành sợi khi bẻ bánh. ẢNH: THU THẢO
Bánh đạt yêu cầu phải có ruột xốp dòn, thơm mùi mè và nếp rang, ngọt vị ngọt đặc trưng của mía non, lớp đường mía bên trong dẻo sánh có thể kéo được thành sợi khi bẻ bánh. ẢNH: THU THẢO
Vào mùa Tết, nhu cầu tiêu thụ bánh nhiều nên các cơ sở phải tăng cường sản xuất gấp 2 lần ngày thường. ẢNH: THU THẢO
Vào mùa Tết, nhu cầu tiêu thụ bánh nhiều nên các cơ sở phải tăng cường sản xuất gấp 2 lần ngày thường. ẢNH: THU THẢO

Chị Đặng Thị Bông, phụ trách cơ sở bánh khô mè Bà Liễu tại đường An Hòa 12, cho biết: “Bánh khô mè, khô nổ là bánh truyền thống. Tết đến, nhiều gia đình có nhu cầu mua nên bán rất chạy. Ngày thường cơ sở chỉ sản xuất 500 gói bánh/ngày nhưng vào dịp Tết có thể lên đến 1.000 gói bánh/ngày, 80% lượng bánh cung ứng trên địa bàn Đà Nẵng và Quảng Nam, còn lại ở các tỉnh, thành khác”.

Cũng như chị Bông, anh Huỳnh Đức Sol, phụ trách cơ sở bánh khô mè Bà Liễu mẹ, phấn khởi chia sẻ: “Tính riêng trong dịp Tết năm nay, cơ sở của mình sản xuất khoảng 30 tấn bánh. Vào mùa Tết, nhu cầu tiêu thụ bánh nhiều nên sản xuất gấp 2 lần ngày thường. Năm nay, số bánh bán ra gấp 1,5 lần so với năm ngoái”.

XUÂN SƠN – THU THẢO

;
.
.
.
.