"Đắt sô" việc thời vụ Tết

.

Dịp Tết cũng là lúc nhiều phụ nữ và sinh viên trên địa bàn thành phố tất bật với các hoạt động thời vụ…

Bên cạnh hoa tươi, hoa vải cũng là sự lựa chọn trang trí trong nhà dịp Tết của nhiều người.
Bên cạnh hoa tươi, hoa vải cũng là sự lựa chọn trang trí trong nhà dịp Tết của nhiều người.

Tăng thu nhập gia đình

Đến nhà chị Nguyễn Thị Hà (Chi hội trưởng Chi hội 5 Đông Xuân, phường An Khê, quận Thanh Khê), không khí làm bánh in cho mùa Tết khá rộn ràng. Chồng chị Hà đảm nhận khâu làm bột, in bánh, sấy bánh. Chị và một số nhân công phụ trách khâu bỏ bì, đóng gói…

Câu chuyện với chị cứ ngắt quãng vì khách đến đặt hàng liên tục. Nếu như ngày thường, chị bán được khoảng 3 triệu đồng/ngày thì dịp Tết con số này tăng lên gấp 10 lần. Theo nghề đã hơn 20 năm, ban đầu chị làm bánh in bột nếp hay huỳnh tinh, nhưng khi thị trường tràn ngập bánh kẹo ngoại, mẫu mã đẹp thì bánh thủ công làm ra không ai mua nên chị chuyển sang nghề làm bánh in phục vụ nhu cầu thờ cúng. Bây giờ con cái đã lớn, có việc làm ổn định, vợ chồng chị giảm bớt số lượng bán ra.

“Nói là vậy chứ mỗi dịp Tết, tôi lại được sống trong không khí của những ngày Tết cũ, rồi lại tất bật với công việc”, chị Hà chia sẻ.

Tương tự, tại cơ sở làm hoa voan của chị Trần Thị Thúy Quyên (Chi hội trưởng số 15, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê), nhiều loại hoa khoe sắc nhờ đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ này. Đến với lớp học hoa voan do Hội Liên hiệp Phụ nữ quận tổ chức vào năm 2012, chị Thúy Quyên nhanh chóng phát huy sự khéo tay của mình.

Dịp Tết, đơn đặt hàng khá nhiều, không chỉ ở Đà Nẵng mà các tỉnh lân cận, chị làm không kịp giao cho khách. Không chỉ tự học hỏi, trau dồi kiến thức cũng như tay nghề, chị Quyên còn nhận dạy làm hoa và cắm hoa. “Chính họ lại là người hỗ trợ mình trong dịp Tết này khi nhu cầu cần từ 7-10 người, mang lại thu nhập khoảng 3 triệu đồng/người/tháng”, chị Quyên phấn khởi nói.

Dịp Tết cũng là cơ hội kiếm thêm thu nhập của nhiều phụ nữ với những nghề thời vụ như làm mứt gừng, mứt dừa. Chị Nguyễn Thị Loan (phường An Khê, quận Thanh Khê) ngày thường bán bánh chuối chiên, nước mía, nhưng đến gần Tết lại chuyển sang làm mứt. Chị Loan cho biết chỉ làm trong vòng 20 ngày với tổng số mứt gừng bán ra gần 100 ký, mỗi ký 100.000 đồng.

Nhận lương cao và được học hỏi kinh nghiệm

Kết thúc đợt thi học kỳ 1, nhiều bạn trẻ tranh thủ tìm việc làm thêm trong dịp Tết vì những ngày này lương thường cao gấp 2, thậm chí gấp 3 - 4 lần so với ngày thường. Vì thế, nhiều  sinh viên (SV) không ngần ngại ở lại thành phố làm thêm và đón Tết xa nhà.

Nguyễn Thị Mỹ Giang, SV năm 2 Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) chia sẻ: “Những ngày giáp Tết, công việc tuy vất vả nhưng lương cao hơn. Bình thường một ngày lương khoảng hơn 100.000 đồng, cận Tết thì lương từ 200.000 – 300.000 đồng/ngày nên em tranh thủ làm đến 30 Tết mới về”.

Giống như Giang, Nguyễn Thị Kim Oanh, SV năm 4 Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) chọn việc phụ bán quần áo để có tiền tự mua vé xe về quê, trang trải học phí, đồng thời tích lũy kinh nghiệm cho công việc sau này.

Oanh cho hay: “Quê em ở Nghệ An, việc về quê tốn nhiều chi phí, em tính ở lại Tết nhưng thương bố mẹ sức yếu nên tranh thủ làm đến 28 tháng Chạp rồi bắt xe về với gia đình”. Còn Trần Công Thắng, SV năm 2 Trường Cao đẳng Giao thông vận tải 2 lại chọn đón một cái Tết xa nhà, em thổ lộ: “Cuộc sống gia đình em ở quê còn nhiều khó khăn. Trong khi ra Tết trăm thứ phải lo nên em chọn đón Tết xa nhà và tranh thủ làm thêm. Buồn một chút nhưng đỡ đần cho gia đình rất nhiều nên em cũng phải cố gắng”.

Chủ quán mì Quảng Bà Mua cho biết, những ngày Tết quán đông khách nên thường tuyển thêm nhân viên, trong đó chủ yếu là SV vì các em rất nhanh nhẹn, siêng năng. “Những ngày Tết, tiền công trả gấp vài lần so với ngày thường, ngoài ra còn tiền thưởng và lì xì nữa.

Có như vậy mới động viên được các em ở lại để giúp đỡ quán”, chủ quán này chia sẻ. Còn ở lò bánh của nhà chị Nguyễn Thị Hà, những ngày này, ngoài phụ nữ địa phương, còn có một số SV được nhận vào làm thêm. Với mỗi buổi đóng gói, mỗi SV kiếm thêm từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng và được hỗ trợ tiền xe về Tết.

Anh Huy, chủ một quán cà-phê trên đường Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu) cho biết, đến thời điểm này anh đã tuyển được 5 SV ở lại làm thêm. Anh cho biết: “Những nhân viên làm thường xuyên cho quán thì thường nghỉ Tết sớm.

Nhiều người được động viên lắm cũng chỉ ráng đến 25 hay 26 tháng Chạp. Trong khi đó, khoảng thời gian trước, trong và sau Tết quán thường đông khách, đặc biệt sáng mồng 1 và mồng 2. Do đó, chúng tôi phải chuẩn bị nhân lực ngay từ bây giờ”.

Bên cạnh các SV tìm việc làm thêm trước, trong và sau Tết, nhiều SV cũng tự kinh doanh các mặt hàng Tết như hoa tươi, bánh mứt, bao lì xì, vật dụng trang trí ngày Tết. Công việc này có thể mang lại thu nhập khá cao so với mức sống của SV. Thu Thảo, SV Trường Đại học Sư phạm cho biết, những ngày gần Tết, em kết hợp bán bao lì xì, hoa tươi, nhờ vậy có thể thu về vài triệu đồng/ngày.

Bài và ảnh: HÀ THU - THU THẢO

;
.
.
.
.
.
.