Đỏ mắt tìm nhân sự phần mềm

.

Xác định công nghiệp phần mềm là một mũi nhọn thu hút đầu vào lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), nhưng hiện nay nhân lực trong lĩnh vực này ở Đà Nẵng vẫn còn thiếu và yếu.

Nhân lực công nghệ thông tin cần chủ động tiếp cận công nghệ mới, nâng cao kỹ năng ngoại ngữ mới có thể đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Nhân lực công nghệ thông tin cần chủ động tiếp cận công nghệ mới, nâng cao kỹ năng ngoại ngữ mới có thể đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), trong số hơn 700 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong ngành CNTT tại Đà Nẵng, khoảng 43% DN thuộc lĩnh vực phần mềm, thu hút 9.500 nhân sự.

Đà Nẵng có nguồn nhân lực CNTT trẻ, trình độ chuyên môn khá, cần cù, chịu khó. Bên cạnh đó, chi phí lao động tương đối rẻ là một trong những lợi thế cạnh tranh so với Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các thành phố khác trong khu vực Đông Nam Á.

Thiếu nhân lực có trình độ và kinh nghiệm

Tuy nhiên, như tình trạng chung của cả nước, nguồn nhân lực CNTT của Đà Nẵng đang vừa thừa, vừa thiếu. Theo khảo sát của Sở TT&TT, thành phố hiện thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực CNTT có trình độ chuyên môn sâu và kinh nghiệm làm việc trong các lĩnh vực ưu tiên như: sản xuất ứng dụng di động, ứng dụng phục vụ chính quyền điện tử, an toàn - an ninh thông tin…

Bên cạnh đó, nhiều sinh viên CNTT ra trường chưa đáp ứng tốt yêu cầu của DN về khả năng sáng tạo, kỹ năng mềm, ngoại ngữ, điều đó tự làm giảm cơ hội cạnh tranh việc làm của chính mình và năng lực thu hút đầu tư trong lĩnh vực sản xuất phần mềm của thành phố.

Có mặt tại Đà Nẵng từ năm 2014, Neolab Việt Nam là công ty có vốn 100% của DN Nhật Bản, chuyên cung cấp các sản phẩm và giải pháp CNTT như ứng dụng trên thiết bị di động, trang web, nghiên cứu những công nghệ mới.

Ông Tsukasa Teramoto, Tổng Giám đốc Công ty Neolab cho biết, trong vòng 2-3 năm trở lại đây, số DN CNTT tại Đà Nẵng ngày càng gia tăng về số lượng và quy mô, trong khi nguồn nhân lực địa phương chưa đáp ứng kịp yêu cầu. Đặc biệt, các DN CNTT mới mở văn phòng ở thành phố gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nhân lực giỏi.

Là một trong những nhà đầu tư quan tâm vấn đề này, ông Till Gartner, Giám đốc Công ty TNHH MTV MGM Technology Partners nhìn nhận: “Cộng đồng CNTT tại Đà Nẵng hiện vẫn còn nhỏ, trẻ và không có nhiều kỹ sư kinh nghiệm như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh. Tôi nhận thấy ngày càng có nhiều DN CNTT nước ngoài đến đầu tư ở Đà Nẵng, nhưng các kỹ sư địa phương từ trước đến nay chưa có nhiều cơ hội tiếp xúc với khách hàng nước ngoài nên vẫn gặp nhiều khó khăn trong công việc”.

Hiện Đà Nẵng có 38 cơ sở đào tạo (đại học, cao đẳng, trung cấp, trung tâm đào tạo nghề…) trong lĩnh vực CNTT với hơn 2.000 sinh viên tốt nghiệp mỗi năm. Nguồn nhân lực CNTT tại Đà Nẵng còn được cung cấp từ các cơ sở đào tạo ở khu vực và cả nước như: Trường Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, ĐH Huế, Trường ĐH Vinh, Trường ĐH Quy Nhơn, Trường ĐH Đà Lạt…

Số lượng nhân lực cung cấp từ các cơ sở đào tạo này mỗi năm gần 200 người. Ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc Công ty TNHH Phần mềm FPT (FSoft) Đà Nẵng nhận xét: “Nếu tính về mặt con số, Đà Nẵng không thiếu nghiêm trọng nhân lực CNTT. Tuy nhiên, các DN phần mềm thường có tiêu chuẩn lựa chọn nhân lực khắt khe hơn về cả chuyên môn lẫn ngoại ngữ”.

Dựa trên kinh nghiệm hoạt động của chi nhánh FSoft tại thị trường Philippines, ông Phương cho hay, trình độ chuyên môn của kỹ sư CNTT Đà Nẵng vượt xa Philippines nhưng có điểm yếu là thiếu trình độ tiếng Anh nên rất dễ bị cạnh tranh.

Rào cản lớn: ngoại ngữ

Thực tế, trình độ ngoại ngữ của sinh viên CNTT tại Đà Nẵng vẫn là rào cản. TS. Đặng Việt Hùng, Trưởng khoa CNTT, Trường ĐH Duy Tân cho rằng, nhiều sinh viên vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của ngoại ngữ.

Chuẩn đầu ra tiếng Anh của ngành này tại trường là tối thiểu 450 điểm TOEIC nhưng các em vẫn có tư tưởng học để thi, thay vì học để áp dụng trong công việc sau này. Trường ĐH Duy Tân đang triển khai chương trình tuyển giảng viên người nước ngoài; đồng thời, tiến tới dùng tiếng Anh để giảng dạy một số học phần, bắt buộc sinh viên phải thay đổi tư duy về việc học ngoại ngữ.

PGS.TS Nguyễn Thanh Bình, Trưởng khoa CNTT, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) nhận định: “Nhiều sinh viên có nền tảng ngoại ngữ ở bậc phổ thông rất yếu. Lên đến ĐH, các em chỉ tập trung các môn chuyên ngành. Thậm chí, nhà trường liên kết với DN để mở lớp dạy ngoại ngữ miễn phí nhưng không nhiều sinh viên mặn mà học”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tuấn Phương cho biết, tại Fsoft Đà Nẵng, một số nhân viên được công ty tài trợ chi phí để học ngoại ngữ trong 1 năm. Chỉ cần một nhân viên có trình độ tiếng Nhật mức N2 thì có thể mang lại việc làm cho hơn 10 nhân viên khác.

Bên cạnh đó, các DN CNTT đã tích cực hỗ trợ nhà trường trong việc nâng cấp chương trình đào tạo sao cho sát với thực tế nhu cầu DN. TS. Đặng Việt Hùng nói thêm, cuối năm 2017, Trường ĐH Duy Tân phối hợp với Công ty TNHH MTV Tin học và Xuất nhập khẩu B.A.P tổ chức hội thảo về blockchain (công nghệ chuỗi khối) cho các sinh viên. Sắp tới, nhà trường sẽ có thêm các hội thảo về dữ liệu lớn, khoa học dữ liệu…

Các sinh viên cũng có cơ hội rèn luyện kỹ năng lập trình di động - một trong những chuyên môn đang được nhiều DN săn đón - thông qua việc tham gia trại hè lập trình kéo dài 2 tháng do Công ty TNHH Gameloft tổ chức.

Ông Vy Văn Việt, Giám đốc Trung tâm Tin học iViettech thông tin: Trong thời gian tới, iViettech sẽ cử các chuyên gia sang đào tạo cho sinh viên Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) các nội dung kỹ thuật. “Thực tế, công nghệ phát triển rất nhanh, nhu cầu của DN cũng thay đổi. Chương trình dạy của nhà trường rất khó theo kịp. Quan trọng là cần dạy cho các em kiến thức nền tảng, cốt lõi và tinh thần tự khám phá, tự tiếp cận công nghệ mới”, ông Việt nói.

Cuối năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo các ngành CNTT trình độ đại học. Theo đó, các sinh viên đang học đại học hết năm thứ 1, 2, 3 các ngành khác nếu có nguyện vọng có thể được chuyển sang học các ngành CNTT trong cùng cơ sở đào tạo hoặc chuyển sang các cơ sở đào tạo khác có đào tạo các ngành CNTT.

Ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc Công ty TNHH Phần mềm FPT (FSoft) Đà Nẵng bày tỏ hy vọng cơ chế này sẽ giúp Đà Nẵng giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực CNTT trong tương lai. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng rất mong chính quyền thành phố có những biện pháp triệt để, bởi nếu chỉ để từng doanh nghiệp tự tìm giải pháp thì sẽ không đồng bộ, không đạt hiệu quả cao.

Bài và ảnh: KHANG NINH

;
.
.
.
.
.
.