Để chống thất thu thuế, năm 2018, ngành thuế và các địa phương xác định tập trung vào những lĩnh vực có rủi ro cao với số thuế thất thu lớn như nhà hàng, khách sạn, bất động sản (BĐS)…, thay vì dàn trải.
Đồng thời, tiếp tục triển khai mạnh các giải pháp như lắp đặt hệ thống POS và khuyến khích người dân hạn chế thanh toán bằng tiền mặt, lắp đặt máy tính tiền gắn kết giữa cơ quan thuế và hộ kinh doanh lớn.
Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt được xem là một trong những giải pháp nhằm hạn chế thất thu thuế. |
Tại cuộc họp tổng kết công tác thuế năm 2017 diễn ra vào cuối tháng 1 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Miên nhấn mạnh, ngành thuế cùng các địa phương phải nắm rõ thông tin về 582 doanh nghiệp (DN) cần thanh tra, kiểm tra, nhất là những đơn vị trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, BĐS, vận tải tư nhân và cần nghiên cứu, niêm yết giá BĐS sát với giá thị trường.
Thành phố có kinh phí hỗ trợ công tác này ngay từ đầu năm và tập trung vào các lĩnh vực, ngành nghề, những đơn vị tiềm ẩn nguy cơ thất thu lớn, thay vì dàn trải, đặc biệt tập trung vào hoạt động giao dịch BĐS, nhà hàng, khách sạn…
Theo ông Nguyễn Đình Ân, Cục trưởng Cục Thuế Đà Nẵng, đối với việc chống thất thu thuế trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, ngành thuế đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ; trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền hỗ trợ người bán, người mua nắm bắt những vấn đề liên quan đến sử dụng hóa đơn khi mua, bán hàng hóa, dịch vụ nhằm hình thành thói quen lấy hóa đơn khi mua, bán hàng hóa, dịch vụ.
Ở khía cạnh khác, ông Ngô Việt Tiến, quyền Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Hải Châu cho rằng, về lâu dài, cần tăng cường và khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt; đồng thời triển khai áp dụng hóa đơn điện tử có xác thực và có lộ trình khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể khi đủ điều kiện phải chuyển sang mô hình DN; cần tuyên truyền cho người dân có ý thức trung thực, tự hào trong thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.
Chi cục Thuế quận Hải Châu đã nghiên cứu và đang triển khai đề án “Chống thất thu thuế trên địa bàn quận Hải Châu đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; trong đó, mục tiêu cụ thể trong năm 2018 là phấn đấu kết quả chống thất thu đạt 64,2 tỷ đồng, tập trung vào lĩnh vực dịch vụ, nhà hàng, ăn uống.
Riêng đối với quận Sơn Trà, địa phương có số thu từ hoạt động kinh doanh nhà hàng, khách sạn và giao dịch BĐS chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu thu ngân sách Nhà nước, công tác chống thất thu thuế càng đóng vai trò quan trọng nhằm tăng số thu, hoàn thành dự toán giao trong năm 2018 với 625 tỷ đồng. Lãnh đạo quận Sơn Trà yêu cầu sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị trên địa bàn quận nhằm triển khai hiệu quả công tác chống thất thu thuế, tập trung ở các lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, ăn uống…
Lãnh đạo quận giao các đơn vị như Phòng Quản lý đô thị, Công an quận, Đội quản lý thị trường, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận… cung cấp kịp thời cho Chi cục Thuế quận thông tin về DN nợ thuế, hộ, hồ sơ đăng ký kinh doanh, hợp đồng thi công công trình, DN sử dụng hóa đơn bất hợp pháp… nhằm hỗ trợ cơ quan thuế trong công tác chống thất thu thuế.
Riêng đối với các hộ kinh doanh (chủ yếu là nhà hàng, cơ sở ăn uống), phải thường xuyên rà soát để kịp thời đưa vào bộ quản lý thu thuế đối với hộ mới ra kinh doanh và các hộ chưa quản lý thu, tránh trường hợp bỏ sót hộ. Đồng thời, thực hiện khảo sát tình hình hoạt động kinh doanh để điều chỉnh doanh thu, số thuế phải nộp phù hợp thực tế, bảo đảm công bằng giữa các hộ và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh…
Ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, năm 2018, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đề án “Phát triển thanh toán qua POS tại các trung tâm mua sắm du lịch”, qua đó góp phần hạn chế thất thu thuế. Phân tích từ Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Đà Nẵng cũng cho thấy, hiện nay, tỷ lệ thanh toán qua thẻ tại các cửa hàng kinh doanh tại chợ thấp nhất, còn doanh số thanh toán thẻ cao nhất là tại các cửa hàng kinh doanh đá mỹ nghệ và các nhà hàng phục vụ khách du lịch.
Việc lắp đặt máy POS tại các trung tâm mua sắm, du lịch trên địa bàn thành phố cơ bản đáp ứng tốt việc thanh toán thẻ, đã có nhiều điểm chấp nhận phục vụ nhu cầu của người dân, khách du lịch khi mua sắm. Không chỉ tại các trung tâm thương mại, dịch vụ lớn, nhiều cơ sở kinh doanh tư nhân hiện cũng chấp nhận thanh toán qua thẻ.
Hạn chế sử dụng tiền mặt cũng là chủ trương của thành phố nhằm góp phần chống thất thu thuế. Ông Nguyễn Văn Phụng, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, Sở này đã phân bổ ngân sách và phối hợp với Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Đà Nẵng triển khai đề án “Phát triển thanh toán qua POS tại các trung tâm mua sắm du lịch”. Đây không chỉ là giải pháp góp phần chống thất thu thuế mà còn phù hợp với xu thế phát triển chung khi ngành du lịch, dịch vụ của thành phố ngày càng phát triển, lượng khách đến tham quan, mua sắm tăng cao.
Bài và ảnh: HOÀNG LINH