Cần nghiên cứu kỹ đối tượng đánh thuế

.

Xung quanh việc Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế tài sản nhà ở với ngưỡng chịu thuế là 700 triệu đồng và ô-tô giá trên 1,5 tỷ đồng tại dự thảo xây dựng Dự án Luật Thuế tài sản, nhiều người dân tỏ ra lo lắng vì như vậy, mỗi năm các hộ gia đình phải mất thêm một khoản tiền không nhỏ. Trong khi hiện nay, thu nhập của đại bộ phận người dân còn thấp và đang phải thực hiện nhiều nghĩa vụ thuế liên quan đến đất đai. Báo Đà Nẵng ghi nhận những ý kiến chung quanh đề xuất này.

Việc Bộ Tài chính đề xuất thu thuế tài sản nhà ở đã gây nhiều lo lắng trong nhân dân.
Việc Bộ Tài chính đề xuất thu thuế tài sản nhà ở đã gây nhiều lo lắng trong nhân dân.

Luật sư Lê Cao (Công ty Luật hợp danh FDVN): Quản lý chặt đối tượng đầu cơ đất thay vì áp thuế với dân

Thực tế, việc đánh thuế tài sản với nhà ở đã được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện. Tuy nhiên, ở các nước trên thế giới, việc đánh thuế tài sản rất đồng bộ; đất và nhà thuộc sở hữu của người dân. Ở Việt Nam, đất thuộc sở hữu toàn dân, vậy đánh thuế như thế nào với đất, như thế nào với nhà thì cần cân nhắc kỹ.

Thực tế, mức thu nhập của người dân (nhất là bộ phận cán bộ, công chức, người lao động) ở nước ta còn thấp. Nếu chỉ làm công ăn lương thì phải mất rất nhiều thời gian, công sức mới tích cóp được tiền mua đất, xây nhà ở và họ đã thực hiện nghĩa vụ thuế hằng năm qua việc nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, cũng bắt đầu tăng từ năm 2017.

Nếu tiếp tục áp dụng sắc thuế này sẽ khiến thu nhập của người dân bị ảnh hưởng, gây thêm sức ép và kéo theo những hệ lụy.

Theo quan điểm của tôi, Bộ Tài chính cần xem xét, nghiên cứu siết chặt quản lý và đánh thuế vào bộ phận những nhà đầu cơ, người kinh doanh bất động sản. Bởi lẽ, thời gian qua nhiều địa phương diễn ra hiện tượng bong bóng bất động sản, thổi giá đất lên cao.

Trong khi, với hiện tượng này, đất đai không có giá trị trong việc phục vụ nhu cầu an sinh, sinh lợi cho Nhà nước, địa phương mà chủ yếu là “món hàng” để các nhà đầu cơ mua đi bán lại và thu lời.

Tôi cho rằng, mục đích của Bộ Tài chính khi đề xuất sắc thuế này nhằm quản lý và đem đất đai trở về giá trị thực của nó, bảo vệ quyền “an cư lạc nghiệp” chính đáng của người dân. Chính vì vậy, cần tìm hiểu và nghiên cứu kỹ, nắm rõ các đối tượng nào cần áp thuế thay vì cào bằng.

Ông Nguyễn Xuân (tổ 3 phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn): Cần tính toán hợp lý

Dự thảo Luật Thuế tài sản quy định đánh thuế nhà có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên là chưa hợp lý, cần xem xét lại có nên thu sắc thuế này hay không; hoặc nếu thu thì nên tính toán lại mức khởi điểm vì trên thực tế, ngưỡng 700 triệu đồng là mức giá trị nhà ở của đại bộ phận người dân. Tại sao không đánh thuế vào những đối tượng có thu nhập cao, có giá trị nhà ở lớn?

Bà Lê Thị Sương (tổ 4 phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn): Nên đánh thuế tài sản với ô-tô từ 2 tỷ đồng trở lên

Trường hợp đánh thuế tài sản ở mức giá ô-tô trên 1 tỷ đồng về lý thuyết, thu thuế sẽ thu được nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu thu thuế tài sản xe trên 1 tỷ đồng, thì đối tượng tác động rất lớn, điều này chắc chắn sẽ gặp sự phản ứng từ phía người tiêu dùng, do hiện nay phần lớn các xe giá trị trung bình được sản xuất và nhập khẩu ở Việt Nam đều nằm trong tầm giá này. Theo tôi, nên đánh thuế tài sản với xe từ 2 tỷ đồng trở lên.

Ông Nguyễn Hữu Nhật (nhà đầu tư bất động sản tại Đà Nẵng): Cần kích thích phát triển kinh tế, quản lý thu - chi ngân sách hợp lý

Theo tôi, bản chất của việc thu thuế là để xây dựng đất nước cũng như bảo vệ quyền và nghĩa vụ chính đáng của nhân dân. Chính vì vậy, phải giải quyết hài hòa giữa áp thuế với bảo đảm cuộc sống mưu sinh của người dân.

Trên thực tế, nhiều người phải tích góp, thậm chí vay mượn mới mua được ngôi nhà làm tài sản cho cả cuộc đời. Trong khi thu nhập không tăng lên bao nhiêu giờ lại đánh thêm một loại thuế mới thì người dân sẽ khó đồng tình, ủng hộ.

Thiết nghĩ, thay vì tăng thuế, Nhà nước nên đưa ra các giải pháp hiệu quả nhằm kích thích phát triển kinh tế. Đặc biệt, cần siết chặt công tác quản lý chi ngân sách, tránh để tình trạng có những vụ việc gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng cho Nhà nước như thời gian qua.

Chính phủ chưa xem xét đề xuất dự án Luật Thuế tài sản

Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản 3543/VPCP-PL truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tài sản. Ngày 13-4-2018, Bộ Tài chính tổ chức họp báo và có công văn gửi các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương, đồng thời gửi đăng trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài chính và Cổng Thông tin điện tử Chính phủ xin ý kiến về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tài sản, trong đó dự kiến thu thuế tài sản đối với đất ở, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp và nhà ở...

Việc Bộ Tài chính gửi xin ý kiến rộng rãi về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tài sản là thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong giai đoạn nghiên cứu, đề xuất chính sách để đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, chưa phải là xây dựng dự án Luật. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa xem xét, cho ý kiến đối với đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tài sản của Bộ Tài chính, vì theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh chỉ được Chính phủ xem xét, cho ý kiến sau khi đã lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và được Bộ Tư pháp thẩm định.

Hiện nay, dư luận xã hội đang có nhiều ý kiến khác nhau về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tài sản. Để các cơ quan, tổ chức và nhân dân hiểu rõ quy trình theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật như trên và đóng góp tích cực vào đề nghị xây dựng dự án luật, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính công khai quy trình nói trên; đồng thời phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trong quá trình đề xuất chính sách, xây dựng các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật nói chung, dự án luật này nói riêng, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, đánh giá tác động của từng chính sách trong đề nghị xây dựng luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ về sự cần thiết xây dựng dự án Luật Thuế tài sản và dự kiến các nội dung chính sách để Chính phủ xem xét, quyết định.

CHINHPHU.VN

Thành Lân – Hoàng Linh (ghi)
 

;
.
.
.
.
.
.