Từ năm 2015 đến nay, UBND quận Ngũ Hành Sơn phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội thành phố triển khai xây dựng Đề án mở rộng làng nghề truyền thống điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước (gọi tắt là làng nghề đá Non nước).
Trong đó, tập trung giải quyết những vướng mắc về bố trí mặt bằng sản xuất, hệ thống xử lý nước thải, quy hoạch khu thương mại dịch vụ làm nơi trưng bày, tham quan và mua sắm các sản phẩm đá mỹ nghệ…
Thợ gia công đá mỹ nghệ tại làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, quận Ngũ Hành Sơn.Ảnh: KHÁNH HÒA |
Thực hiện chủ trương di dời các cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ ra khỏi khu dân cư, năm 2015, gia đình bà Phạm Thị Hải, chủ cơ sở sản xuất đã mỹ nghệ Sơn Hải được bố trí 1 lô đất có diện tích 100m2 nằm trên đường Nguyễn Duy Trinh, phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn).
Sau 3 năm dời về đây, công việc sản xuất - kinh doanh của gia đình bà Hải không mấy thuận lợi do diện tích đất bố trí bất hợp lý, khiến việc trưng bày, vận chuyển các sản phẩm đá gặp nhiều khó khăn.
Bà Hải cho biết: “Gia đình tôi gắn bó với nghề đá mỹ nghệ hơn 30 năm nay. Ban đầu, có 3 cơ sở với diện tích gần 600m2, bao gồm nhà xưởng và cửa hàng trưng bày, mua bán sản phẩm với gần 10 lao động, bảo đảm thông suốt giữa sản xuất kết hợp tiêu thụ.
Nhưng từ khi di dời vào vị trí này, cơ sở sản xuất của tôi hầu như không thể hoạt động vì diện tích quá nhỏ hẹp, thợ không chịu làm do bụi và vụn đá mù mịt. Họ nghỉ việc dần, nay chỉ còn 3 người. Nhiều lần tôi phải tìm các khu đất trống để làm tạm nhưng cũng không thể kéo dài tình trạng này”.
Nhiều hộ dân sản xuất - kinh doanh nghề đá mỹ nghệ Non nước tại phường Hòa Hải cũng bày tỏ bức xúc khi việc bố trí phân lô không hợp với thực tiễn trong giai đoạn 1, đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của họ.
“Với diện tích phân lô như hiện nay (5m x 20m) chỉ phù hợp với các dự án tái định cư xây dựng nhà ở. Còn người kinh doanh nghề đá như chúng tôi, cần nhất là lô đất có bề ngang rộng từ 7,5m - 10m, bề sâu 10m – 15m là được”, một hộ dân trong làng nghề cho hay.
Thực tế này cũng phản ánh đúng với kết quả khảo sát của Viên Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội thành phố Đà Nẵng, khi 73,6% ý kiến phản hồi từ các cơ sở sản xuất - kinh doanh nghề đá mỹ nghệ Non nước ở quận Ngũ Hành Sơn đều liên quan đến sự bất hợp lý trong công tác quy hoạch, bố trí diện tích sau di dời.
Các lô đất phân bổ có diện tích bề ngang quá nhỏ (5m), gây khó khăn trong quá trình tổ chức sản xuất cũng như vận chuyển đá, nguyên vật liệu, các bức tượng, nhất là loại có kích cỡ lớn. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng nhiều hộ dân lấn chiếm vỉa hè làm nơi chế tác, gia công sản phẩm.
Bên cạnh đó, hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường, nước thải trong khu làng nghề này hầu như chưa có; người dân chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ chính quyền địa phương dù trước đó đã được cam kết trong các cuộc vận động. Thậm chí, các khoản phí, thuế đất, thuế thu nhập cá nhân phải nộp nhiều hơn so với trước khi di dời.
Diện tích phân lô bất hợp lý khiến nhiều cơ sở sản xuất trong làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước phải lấn chiếm vỉa hè để gia công sản phẩm. |
Theo ông Võ Đức Huy, Trưởng Ban quản lý Làng nghề đá mỹ nghệ Non nước, giai đoạn 1 (từ năm 2008-2016) đã hoàn tất cơ sở hạ tầng và thực hiện bố trí, sắp xếp mặt bằng theo quy hoạch cho 384 cơ sở với tổng diện tích 35ha.
Việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện giai đoạn 2 của làng đá mỹ nghệ Non Nước là cần thiết nhằm hoàn thiện công tác quy hoạch, giải quyết dứt điểm công tác di dời, phân bố mặt bằng cho hơn 150 cơ sở sản xuất vẫn nằm trong khu dân cư và những vướng mắc rút ra từ giai đoạn 1.
Hiện nay, đề án chi tiết về quy hoạch xây dựng mở rộng làng nghề truyền thống điêu khắc đá mỹ nghệ Non nước Ngũ Hành Sơn giai đoạn 2 đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 do UBND quận Ngũ Hành Sơn phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội thực hiện đã cơ bản hoàn thiện.
Theo đó, sẽ mở rộng diện tích làng nghề về hướng đông nam của phường Hòa Hải với việc bố trí khoảng 125 lô đất cho các hộ sản xuất hiện còn đóng trong khu dân cư với diện tích 7,7m x 15m.
Dự toán mức đầu tư cơ sở hạ tầng ở giai đoạn 2 từ khoảng 40-50 tỷ đồng (chưa kể chi phí giải tỏa, đền bù) từ nguồn ngân sách thành phố và nguồn vốn khuyến công của Bộ Công thương hỗ trợ cho việc gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống ở các địa phương.
“Trong giai đoạn 2 này, sẽ tiến hành điều chỉnh lại diện tích vỉa hè phía trước và đường nội bộ phía sau các xưởng sản xuất lên 4m để xe có thể vào thu gom bột và đá dăm.
Đồng thời, quy hoạch một khu thương mại dịch vụ có diện tích 3.000m2 làm nơi trưng bày các sản phẩm điêu khắc đá mỹ nghệ cũng như làm điểm đến tham quan, mua sắm cho khách du lịch” ông Huỳnh Cự, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết.
Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước hiện có 20 doanh nghiệp và 500 cơ sở sản xuất kinh doanh lớn, nhỏ đang hoạt động với 105.000 sản phẩm các loại. Giá trị sản xuất hằng năm đạt khoảng 200 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho hơn 4.500 lao động/năm. |
Bài và ảnh: Khánh Hòa