Nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm

.

Được triển khai thí điểm tại chợ Hàn vào năm 2013, đến nay, mô hình chợ an toàn thực phẩm (ATTP) tiếp tục được nhân rộng đến các chợ trên địa bàn thành phố, góp phần làm thay đổi nhận thức về ATTP của tiểu thương và người tiêu dùng; khẳng định chỗ đứng trên thị trường của chợ truyền thống trong bối cảnh hội nhập kinh tế.

Gian hàng kinh doanh đồ ăn uống ở chợ Cồn luôn sạch, đẹp, hợp vệ sinh.
Gian hàng kinh doanh đồ ăn uống ở chợ Cồn luôn sạch, đẹp, hợp vệ sinh.

Đà Nẵng hiện có 70 chợ truyền thống với hơn 7.600 hộ chế biến, kinh doanh các nhóm ngành thực phẩm. Trong bối cảnh hội nhập, để cạnh tranh với hệ thống bán lẻ hiện đại như siêu thị, cửa hàng tự chọn, trung tâm thương mại… thì ATTP là vấn đề then chốt mà các chợ truyền thống phải thực hiện.

Năm 2013, chợ Hàn được chọn triển khai thí điểm mô hình này và trở thành chợ đầu tiên của thành phố được công nhận chợ đạt chuẩn ATTP.  Theo ông Nguyễn Hà Bắc, Phó Giám đốc Sở Công thương, mô hình chợ ATTP đã nhanh chóng được nhân rộng trên địa bàn thành phố và được các quận, huyện quan tâm, chú trọng xây dựng.

Đa số các chợ được địa phương ưu tiên bố trí quỹ đất, nguồn lực để cơi nới, sửa chữa cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp. Từ đó, góp phần nâng cao ý thức chấp hành quy định về bảo đảm ATTP của tiểu thương và người tiêu dùng.

Qua kiểm tra thực tế tại các chợ đăng ký xây dựng chợ ATTP ở các quận, huyện, Sở Công thương đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị UBND thành phố công nhận 15 chợ đạt chuẩn ATTP, gồm: các chợ Cẩm Lệ, chợ Mới Hòa Thuận, Phú Lộc, An Hải Đông, Túy Loan, Đống Đa, chợ Cồn, Quán Hộ, Thanh Khê 1, Khuê Mỹ, Bắc Mỹ An, Hòa Cường, Nguyễn Tri Phương, Phước Mỹ và Nại Hiên Đông.

Kết quả kiểm tra cũng cho thấy, việc xây dựng mô hình chợ bảo đảm ATTP đã và đang tạo nên sự chuyển biến tích cực tại các chợ cả về cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường, chất lượng thực phẩm, đặc biệt là ý thức của người kinh doanh và khách hàng.

Nhiều chợ đã trang bị bộ test nhanh để kiểm tra, phát hiện một số tiêu chí của thực phẩm. Ghi nhận của chúng tôi tại chợ Cồn, không gian chợ từ các quầy thực phẩm khô đến hàng cá, thủy hải sản... được vệ sinh sạch sẽ, không có tình trạng rác, nước thải ứ đọng hay mùi hôi. Gian hàng kinh doanh ăn uống, thực phẩm đều trang bị bàn inox, bảng hiệu, tủ kính, thùng rác... Nền, sàn chợ được lót gạch men sạch sẽ, khô ráo.

 Ông Nguyễn Xuân Tuấn, Phó BQL chợ Cồn cho biết, BQL chợ đã thành lập tổ ATTP để thường xuyên kiểm tra, giám sát và hướng dẫn người dân thực hiện tốt các nội dung bảo đảm vệ sinh ATTP. Chợ hiện có 720 hộ đăng ký kinh doanh các ngành hàng thực phẩm, 100% đã được tập huấn, xác nhận kiến thức về ATTP, được cấp Giấy chứng nhận và cam kết đảm bảo ATTP.

Chị Hồ Thiên Hương, chủ quán chè Cô Tâm tại chợ Cồn khẳng định: “ATTP là yếu tố quan trọng nhất để quán giữ được chữ tín và thu hút khách hàng trong suốt mấy chục năm qua. Ngoài chú ý an toàn trong các khâu lựa chọn, chế biến, bảo quản thực phẩm thì quán cũng trang bị thêm thùng rác và thường xuyên nhắc nhở khách hàng giữ vệ sinh chung, không xả giấy, rác bừa bãi”.

Là một người nội trợ, bà Trần Tô Vân, trú tại phường Thạch Thang, quận Hải Châu chia sẻ: “Tôi rất thích các món ăn vặt ở chợ Cồn vì ngon lại rẻ. Thời gian gần đây thấy chợ liên tục được chỉnh trang, không gian sạch đẹp hơn nên cảm thấy yên tâm về vấn đề vệ sinh ATTP”. 

Là địa bàn trọng điểm về du lịch, quận Sơn Trà đặc biệt coi trọng phát triển mô hình chợ truyền thống, trong đó vấn đề ATTP được đặt lên hàng đầu. Theo ông Phan Mạnh Hân, Phó trưởng BQL chợ quận Sơn Trà, mô hình chợ ATTP đã được đơn vị triển khai từ năm 2015.

Đến nay, chợ An Hải Đông đã đạt chuẩn, 2 chợ Phước Mỹ và Nại Hiên Đông đã hoàn thành các tiêu chí và đang được đề nghị công nhận. Ông Hân cho rằng: “Để hoàn thành các tiêu chí chợ đảm bảo ATTP thì sự tham gia, vào cuộc của người dân rất quan trọng. Từ đóng góp để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tham gia vệ sinh môi trường… đến nâng cao nhận thức bảo đảm ATTP”.

Để tập thói quen cho người dân ở chợ về ý thức vệ sinh môi trường, bảo đảm ATTP, QBL chợ quận Sơn Trà đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhắc nhở theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Đặc biệt, phát động thi đua giữa các chợ về  mô hình “chợ không rác” và phong trào “ngày chủ nhật xanh”.

Dù đạt được những kết quả tích cực nhưng việc xây dựng mô hình chợ ATTP hiện còn gặp nhiều khó khăn như: không kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm của các hộ kinh doanh tự phát, hàng hóa phong phú, đa dạng nên khó kiểm tra nguồn gốc…

Một bộ phận nhỏ các cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm chạy theo lợi nhuận, không bảo đảm vệ sinh, an toàn trong sản xuất, chế biến thực phẩm khi sử dụng các hóa chất độc hại, chế biến gần khu vực ô nhiễm, dụng cụ thô sơ, mất vệ sinh...

Để giải quyết được những khó khăn này, cần có sự phối hợp và nỗ lực chung của các ngành, địa phương. Trong đó, các cơ quan quản lý Nhà nước phải tăng cường giải pháp, cách làm hay để xây dựng thành công chợ ATTP, góp phần duy trì và tạo dựng hình ảnh đẹp của hệ thống chợ truyền thống trên địa bàn thành phố. Đây cũng là nội dung quan trọng để hướng tới thực hiện chương trình “Thành phố 4 an”, trong đó có nội dung về ATTP.

Bài và ảnh: BÍCH THỦY

;
.
.
.
.
.
.