Khẳng định thương hiệu hàng Việt

.

Trước xu thế hội nhập và sức ép cạnh tranh khốc liệt với hàng ngoại nhập, hàng giả, hàng nhái... nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã mạnh dạn cải tiến công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh, nhằm khẳng định chỗ đứng trên thị trường bảo vệ giá trị cốt lõi của hàng Việt.

Nhiều doanh nghiệp thành phố vẫn đau đáu với khát vọng xây dựng thương hiệu mang đậm bản sắc, giá trị của người Việt. (Ảnh chụp tại Công ty TNHH Giày BQ).
Nhiều doanh nghiệp thành phố vẫn đau đáu với khát vọng xây dựng thương hiệu mang đậm bản sắc, giá trị của người Việt. (Ảnh chụp tại Công ty TNHH Giày BQ).

Hơn 10 năm hình thành và phát triển, từ một doanh nghiệp (DN) nhỏ, Công ty TNHH Giày BQ đã dần khẳng định vị trí thương hiệu Việt chất lượng trong ngành thời trang. Với hệ thống 12 cửa hàng chuyên doanh và 150 đại lý trải dài ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, Công ty BQ là một trong 4 doanh nghiệp đầu tiên của Đà Nẵng được vinh danh với giải thưởng “Doanh nghiệp thương hiệu Việt tiêu biểu năm 2017”.

Chia sẻ về hành trình gian nan, ông Phan Hải, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giày BQ cho biết, thời điểm ban đầu xây dựng thương hiệu, DN gặp rất nhiều khó khăn vì sức ép cạnh tranh, công nghệ sản xuất chưa phát triển, lòng tin của người tiêu dùng đối với hàng Việt Nam còn thấp.

Trước tình hình đó, công ty mạnh dạn đầu tư công nghệ, nắm bắt tâm lý người tiêu dùng, tích cực nghiên cứu và học hỏi từ các thương hiệu lớn trên thế giới. Nhờ việc cải tiến về mẫu mã, chất lượng, các dòng sản phẩm cao cấp của BQ đã tiệm cận được với hàng ngoại nhập chất lượng cao từ các nước châu Âu, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc… Để bảo vệ thương hiệu, công ty đã đăng ký sở hữu độc quyền trên từng sản phẩm.

“Thực tế hiện nay, thị trường tràn lan hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trong khi đó một số người kinh doanh “lừa” khách hàng bằng cách làm giả hoặc cắt dán nhãn mác của các thương hiệu lớn gắn vào sản phẩm của mình.

Ngoài ra, xu thế kinh doanh qua Internet hay các trang mạng cá nhân (facebook) cũng góp phần tạo nên một môi trường kinh doanh không lành mạnh, khiến những doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng mất lòng tin”, ông Hải bày tỏ.

Với gần 25 năm hoạt động, Trung tâm sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung (CPCEMEC) – Chi nhánh Tổng Công ty Điện lực miền Trung là một trong những đơn vị đi đầu cả nước ở lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất công-tơ điện tử, các giải pháp tự động hóa hệ thống đo đếm điện năng, thiết bị IoT, hệ thống điện mặt trời…

Những năm gần đây, đơn vị nghiên cứu và phát triển, bổ sung vào dòng sản phẩm, dịch vụ hệ thống trạm sạc nhanh cho xe điện và hệ thống điện mặt trời áp mái. CPCEMEC cũng hoàn thành lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái cho nhiều DN và hộ gia đình tại miền Trung - Tây Nguyên, định hướng mở rộng trên toàn quốc vào thời gian tiếp theo.

Ông Thái Thành Nam, Phó Giám đốc CPCEMEC chia sẻ: “Chúng tôi luôn tin tưởng, người Việt Nam hoàn toàn có thể làm được bất cứ sản phẩm, dịch vụ tiên tiến với chất lượng tương đương hàng ngoại nhập, giá cả phù hợp. Đến năm 2030, CPCEMEC phấn đấu vươn ra tầm khu vực, trở thành nhà cung cấp giải pháp năng lượng mặt trời áp mái số một tại Việt Nam.

Sản phẩm xâm nhập được vào phân khúc thị trường cung cấp các giải pháp dịch vụ trong ngành công nghiệp gia công điện tử, cung cấp dịch vụ thử nghiệm, hiệu chỉnh, kiểm định thiết bị điện tử...”.

Thời gian qua, nhiều DN của Đà Nẵng đã khẳng định được thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng, uy tín, có vị thế vững chắc trên thị trường. Không chỉ cạnh tranh được với các đơn vị trong nước mà còn vươn tầm xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới. Có thể kể đến các sản phẩm của Tổng Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ, Công ty CP Dệt-may 29-3, Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC)…

Ông Trương Phước Ánh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, thương hiệu vẫn là “khâu yếu” của DN Việt Nam. Hiện Đà Nẵng chưa có nhiều thương hiệu lớn, mang tầm quốc gia, chưa nói đến khu vực.

Rõ ràng, DN nội địa đang gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng và khẳng định thương hiệu bởi những hạn chế về nguồn lực tài chính, cơ chế, môi trường kinh doanh công bằng và minh bạch. Một số vụ việc về gian lận sở hữu trí tuệ, xâm phạm thương hiệu bị phát hiện đã gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh thương hiệu của hàng Việt, cũng như làm giảm sút lòng tin của người tiêu dùng.  

Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Dệt may 29-3.
Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Dệt may 29-3.

Để hỗ trợ DN xây dựng và phát triển thương hiệu Việt, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thực hiện có hiệu quả Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn giai đoạn 2015- 2020; phối hợp với các quận, huyện tổ chức tuyên truyền, vận động các DN triển khai, nhân rộng các điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” theo phát động của Bộ Công thương.

Đặc biệt, các cơ quan liên quan thực hiện rà soát, cập nhật và công bố danh sách các DN trên địa bàn thành phố có các sản phẩm trong danh mục các hàng hóa trong nước, đã sản xuất được theo yêu cầu của Bộ Công thương trên các trang thông tin điện tử nhằm giúp người tiêu dùng trong nước nhận diện dễ dàng.

Theo ông Trần Việt Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần thay đổi nhận thức, hình thành thói quen sử dụng hàng Việt trong cộng đồng dân cư trên địa bàn thành phố. Tại hầu hết các siêu thị lớn như Co.opMart, Big C, Intimex…, tỷ lệ hàng Việt Nam thuộc các nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu như các hàng may mặc, công nghiệp chế biến, thực phẩm... được bày bán chiếm tỷ lệ từ 80 - 90% (trong đó có những thương hiệu của Đà Nẵng như hàng may mặc của Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Công ty CP Dệt may 29-3...).

Cộng đồng DN cũng ý thức hơn về vai trò, trách nhiệm đối với người tiêu dùng; chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng, cải tiến kỹ thuật để giảm giá thành, quảng bá thương hiệu, sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến mở rộng thị trường nội địa...

Hoàng Linh

;
.
.
.
.
.
.