Năng lượng tái tạo

.

Việc sử dụng năng lượng hiệu quả, đặc biệt là năng lượng tái tạo (NLTT), sẽ nâng cao chất lượng không khí cho người dân, hạn chế sự phụ thuộc vào nhập khẩu cũng như tạo ra phát triển xanh. Với số giờ nắng trung bình 177 giờ/tháng và cường độ bức xạ trung bình 4,89 kWh/m2/ngày, thành phố Đà Nẵng xếp thứ 5 trong số 16 tỉnh, thành có tiềm năng phát triển năng lượng mặt trời. Với định hướng “Thành phố Xanh”, Đà Nẵng cần xác định việc phát triển NLTT là trọng tâm và ưu tiên thực hiện trong giai đoạn hiện nay.

Hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời ở Công ty Mabuchi Motor Đà Nẵng cấp nước nóng cho bếp ăn 3.000 suất/ngày. (Ảnh do SolarBK cung cấp)
Hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời ở Công ty Mabuchi Motor Đà Nẵng cấp nước nóng cho bếp ăn 3.000 suất/ngày. (Ảnh do SolarBK cung cấp)

Năng lượng tái tạo, từ nghiên cứu đến thực tế

Đà Nẵng đang là nơi thu hút nhiều dự án đầu tư liên quan đến điện, nước nóng mặt trời. Có dự án thành công, và có những dự án đang ứng dụng thí điểm. Và có dự án chưa được như mong muốn, như 300 sản phẩm bếp sử dụng năng lượng mặt trời (do PGS.TS Hoàng Dương Hùng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng thực hiện) tại 2 khu vực Bình Kỳ và Bá Tùng, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, nay  phần lớn đã trở thành phế liệu.

Bên cạnh thị trường nước nóng mặt trời cho dân dụng khá phát triển tại Đà Nẵng thì hàng loạt tổ chức, khách sạn, resort đã triển khai hệ thống máy nước nóng năng lượng mặt trời, với tính tiết kiệm và tiện lợi do hệ thống mang lại.

Trong đó, có những dự án quy mô trên dưới 10.000 lít/ngày như nhà ở dành cho cán bộ, chiến sĩ hải quân, khách sạn Brilliant, khách sạn Melia, Resort Furama, Naman Retreat, v.v… Các dự án điện mặt trời nhìn chung là thành công.

Ví dụ, dự án trang bị các tấm pin năng lượng mặt trời cho các tàu đánh bắt xa bờ do Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và tư vấn chuyển giao công nghệ thành phố Đà Nẵng (Sở KH&CN) thực hiện thí điểm, cho thấy tiềm năng của việc này trong việc cấp điện cho các thiết bị như máy định vị, tầm ngư và điện sinh hoạt,… cho các tàu trong mọi hoàn cảnh mà không phụ thuộc vào máy phát điện chạy dầu.

Đề tài “Xe xích lô chạy bằng năng lượng mặt trời” do nhóm sinh viên Phạm Hồng Trường, Nguyễn Thành Minh, Lê Hoàng (Trường ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng) nghiên cứu, chạy thử nghiệm và dự kiến được ứng dụng thí điểm tại Đà Nẵng bước đầu có những kết quả khích lệ. Đây cũng là một hướng phát triển cho các xe chạy điện chở du khách tham quan hiện nay có thể nghiên cứu áp dụng.

Trong khi các dự án đầu tư quy mô lớn đang còn vướng các thủ tục giấy tờ và những khó khăn về mặt phân bổ quỹ đất, vốn, nhân sự, nhiều dự án điện mặt trời trên mái đã được triển khai thực hiện thành công và đem về những hiệu quả tích cực cho các doanh nghiệp, tổ chức.

Tháng 3-2017, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh làm việc với đoàn công tác Ngân hàng Thế giới (WB) về việc triển khai chương trình “Năng lượng mặt trời trên mái nhà tại Đà Nẵng”. WB đề xuất hỗ trợ kỹ thuật để triển khai chương trình năng lượng mặt trời trên khoảng 150 mái nhà.

Các dự án điện mặt trời trên mái đã được triển khai điển hình như ĐH Bách Khoa Đà Nẵng (tổng công suất hệ thống lắp đặt là 49,6 kWp), CocoBay Đà Nẵng (tổng công suất hai giai đoạn lên tới 1,5 MWp) và Vincom Ngô Quyền Đà Nẵng (226,6 kWp), v.v… đã trở thành những đơn vị tiên phong, có sức lan tỏa mạnh mẽ đến phong trào sử dụng năng lượng sạch tại thành phố Đà Nẵng.

Thành công trong việc xây dựng nhận thức sử dụng nguồn NLTT cần kể đến vai trò quan trọng của mô hình ESCO (Energy Service Company-Công ty Dịch vụ năng lượng), một giải pháp tài chính dành cho các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng điện năng lượng mặt trời với hình thức thanh toán linh hoạt. Khi đáp ứng được một số tiêu chí, doanh nghiệp sẽ được đầu tư toàn bộ hệ thống (lắp đặt, vận hành, cơ sở hạ tầng và quản lý rủi ro), không mất chi phí đầu tư ban đầu, được sở hữu hệ thống điện mặt trời sau thời gian kết thúc hợp đồng.

Đối tượng tiếp cận chủ yếu của mô hình này là các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập có lượng tiêu thụ điện năng mỗi năm tương đối lớn. Hiện nay, trên thị trường chỉ có mỗi Công ty CP Solar ESCO (thuộc Tập đoàn SolarBK Holdings) triển khai thành công mô hình ESCO.

Ngoài các dự án điện mặt trời trên mái, Đà Nẵng cũng thực hiện nhiều chính sách khuyến khích, kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng nhà máy điện mặt trời quy mô lớn. Một số dự án đã được cấp phép thực hiện, nhưng vẫn chưa triển khai được.

Xét một cách khách quan, doanh nghiệp địa phương chưa thể theo kịp với trình độ thực hiện các dự án Solar Farm (Trang trại điện năng lượng mặt trời) của thế giới. Điều này đặt ra lo ngại trong rủi ro vận hành hệ thống, cần có thời gian nhất định để các nhà đầu tư nước ngoài hợp tác đào tạo, chuyển giao công nghệ trong khi quy định về thời gian đầu tư trong chính sách lại có giới hạn.

Lần gần đây nhất, tháng 10-2017, UBND thành phố Đà Nẵng cũng phê duyệt cho chủ đầu tư SolarBK thực hiện dự án Solar Farm, công suất 4,4 MWp được thực hiện tại khu vực bãi rác Khánh Sơn (cũ), thôn Khánh Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.

Dự án này được xem là giải pháp giải quyết các vấn đề tồn tại hiện nay. Đây là dự án Solar Farm thí điểm đầu tiên tại Việt Nam, được triển khai hoàn toàn bởi đội ngũ kỹ sư người Việt. Dự án được xây dựng thành đề tài nghiên cứu khoa học, giúp đào tạo đội ngũ nhân sự địa phương một cách bài bản, có kiến thức nền tảng.

Đây chính là cơ sở để Việt Nam dần chủ động nguồn cung nhân sự chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Dự án có quy mô tương đối vừa phải so với chuẩn Solar Farm nói chung. Việc đấu nối các dự án dưới 5Mb tương đối đơn giản hơn, phù hợp với năng lực hiện tại và khả năng kiểm soát rủi ro của người Việt.

Cần giải pháp toàn diện

Với định hướng “Thành phố Xanh”, Đà Nẵng cần xác định việc phát triển NLTT là trọng tâm và ưu tiên thực hiện trong giai đoạn hiện nay. Hơn nữa, việc triển khai cũng cần được đẩy mạnh sâu và rộng hơn so với các tỉnh, thành khác, giữ vững vị thế thương hiệu “Xanh” mà Đà Nẵng đã xây dựng suốt bao năm qua.

Hiện nay, các cơ chế, chính sách cho việc phát triển NLTT đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ về cơ chế, chính sách tài chính đối với dự án đầu tư theo cơ chế phát triển sạch; cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam; cơ chế hỗ trợ phát triển dự án điện sinh khối tại Việt Nam; cơ chế hỗ trợ phát triển dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam.

Ngoài ra, để phát triển NLTT cần hợp tác với các quỹ đầu tư, WB hay các tổ chức về năng lượng sạch quốc tế là các mục tiêu chiến lược mang tính dài hạn, cần có lộ trình thực hiện. Hơn nữa, quỹ đất của Đà Nẵng dùng để phát triển các dự án NLTT cũng hạn chế hơn nhiều so với các tỉnh, thành khác.

Chính vì thế, nhân rộng mô hình điện, nước nóng mặt trời trên mái được xem là giải pháp hiệu quả giúp Đà Nẵng đẩy nhanh tỷ trọng sử dụng năng lượng sạch so với các tỉnh, thành khác. Theo đó, Đà Nẵng nên khuyến khích thêm nhiều doanh nghiệp năng lượng sạch tham gia đầu tư, hợp tác trên tỉnh, thành, đặc biệt là các doanh nghiệp làm về ESCO; tổ chức các hội nghị đầu tư kết nối các tổ chức, doanh nghiệp trên tỉnh, thành với các doanh nghiệp làm về năng lượng sạch; phổ biến mô hình ESCO rộng rãi hơn đến các đơn vị tham gia hoạt động kinh doanh trên tỉnh, thành, tham gia trao đổi trong các hội thảo, tọa đàm về năng lượng sạch, năng lượng nói chung; đưa ra nhiều chính sách khuyến khích các doanh nghiệp năng lượng sạch hợp tác, đầu tư tại Đà Nẵng, cũng như các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng năng lượng sạch, tiến tới mở trường, ngành học về NLTT, chủ động nguồn cung nhân sự địa phương.

Năng lượng tái tạo (NLTT) là các dạng năng lượng có thời gian hình thành ngắn, trữ lượng gần như vô hạn và không phụ thuộc vào việc chúng ta sử dụng nó hay không. Nguồn gốc NLTT chủ yếu đến từ mặt trời (ngoại trừ năng lượng thủy triều, địa nhiệt) như: năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng nước, năng lượng sinh khối, năng lượng sóng,...

Nguyên tắc cơ bản của việc sử dụng NLTT là tách một phần năng lượng từ các quy trình diễn biến liên tục trong môi trường và đưa vào trong các ứng dụng kỹ thuật. Hiện nay, NLTT đang dần thay thế các nguồn nhiên liệu truyền thống trong 4 lĩnh vực gồm: phát điện, đun nước nóng, nhiên liệu và hệ thống điện độc lập nông thôn.

PGS. TS Trần Thanh Sơn


* GVC -Trưởng bộ môn Thiết bị năng lượng, Phó trưởng Khoa Công nghệ Nhiệt-Điện lạnh, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng.

;
.
.
.
.
.
.