Phục tráng cây vú sữa Hòa Liên

.

Từ lâu, trái vú sữa Hòa Liên (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) được nhiều người biết đến với vị ngọt thanh, mát và được thị trường ưa chuộng. Do đó, Trung tâm Khuyến ngư - nông - lâm thành phố tiến hành phục tráng (các biện pháp nâng cao giá trị cây, trái) loại cây này để trở thành một sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương.

Nhiều vườn nhà ở xã Hòa Liên trồng cây vú sữa.
Nhiều vườn nhà ở xã Hòa Liên trồng cây vú sữa.

Đến các thôn Quan Nam 4, Tân Ninh, Hiền Phước (xã Hòa Liên), hầu như nhà nào cũng trồng vài cây vú sữa nếp và vú sữa tím trong vườn nhà. Cứ độ tháng Chạp, dịp Tết, hoặc rằm tháng Giêng…, nhà nhà cùng hái trái để cúng ông bà và đem biếu, bán. Mùa vú sữa chín thường kéo dài 2-3 tháng, từ tháng 12 âm lịch đến tháng 2 năm sau.

Ông Trần Văn Mai (thôn Tân Ninh) cho biết: “Người dân ở đây đi qua nhà hàng xóm chơi hoặc qua thôn khác, ăn trái vú sữa thấy vị ngọt thanh và khác so với nhà mình thì đem hạt về trồng. Nhà nào cũng ăn trái vú sữa từ khắp mọi nơi, nhưng lại gieo hạt trồng cây chính gốc của Hòa Liên.

Trái vú sữa ở đây được đóng thùng đi Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ… và xuất cả sang Mỹ. Nhà trồng ít cây thì mỗi vụ bán trái được vài triệu đồng, nhà trồng nhiều thu từ 50-60 triệu đồng. Tiếc là cách đây 10 năm, do giải tỏa di dời để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng và 2 nhà máy thép, nhiều vườn cây vú sữa bị chặt phá, san lấp mặt bằng nên bây giờ không đủ cung cấp cho thị trường”.

Đến nhà ông Võ Dị (thôn Tân Ninh), chúng tôi thấy ông đang hái trái vú sữa trên cây đã trồng được hơn 20 năm để đãi khách. Theo quan sát, trái vú sữa được bổ nhỏ ra “cơm” dày đến sát vỏ, vị ngọt, không chát. “Trong vườn tôi có 25 cây vú sữa có tuổi đời từ 5-20 năm.

Năm vừa rồi mưa quá nhiều nên trái non bị rụng và thối. Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, nhà tôi bán được 17 triệu đồng tiền trái (giá từ 40.000 - 50.000 đồng/kg), trong khi mọi năm bán được từ 40-50 triệu đồng. Tuy nhiên, vừa qua, với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến ngư - nông - lâm thành phố, cây cho nhiều trái hơn, ngon hơn và có giá trị kinh tế cao hơn nhờ đã có nhãn hiệu”, ông Dị nói.

Dưới sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, ông Dị đã thực hiện các biện pháp dọn vệ sinh, chăm sóc, bón phân NPK, học hỏi cách thực hiện chiết cành để nhân giống, tập trung dinh dưỡng vào các cành tươi đầy lá và sai trái…

Theo Trung tâm Khuyến ngư - nông - lâm thành phố, để trái vú sữa Hòa Liên và tiến đến xây dựng sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của xã Hòa Liên, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 2 năm 2016-2017, đơn vị đã xây dựng mô hình và thực hiện phục tráng cây vú sữa.

Đến nay, trung tâm đã tiến hành điều tra 469 cây vú sữa ở 70 nhà dân tại 3 thôn Tân Ninh, Hiền Phước và Quan Nam 4; hỗ trợ 20 hộ chăm sóc 220 cây vú sữa, gắn bảng theo dõi 100 cây, hiện có khoảng 1,5ha cây vú sữa ở 9 hộ được trồng mới.

Qua đó, trung tâm cũng đánh giá chất lượng quả, mẫu mã quả để nhân giống bằng hình thức chiết cành và nhân giống bằng hạt; đồng thời hỗ trợ các hộ dân xây dựng nhãn mác, bao gói để tiêu thụ sản phẩm. Về lâu dài, để bảo tồn nguồn giống, nâng cao năng suất, chất lượng tạo ra sản phẩm đặc trưng của địa phương, trung tâm sẽ tổ chức đánh giá, tuyển chọn cây vú sữa đầu dòng để tiến hành nhân giống.

Ông Ngô Thành Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Liên cho biết, vú sữa là một trong những loại cây trồng và sản phẩm đang được xã đẩy mạnh xây dựng thành sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Trái vú sữa Hòa Liên không chỉ thơm ngon, mà còn là sản phẩm sạch, an toàn thực phẩm và đây cũng là loại nông sản chất lượng cao đang thu hút nhiều hộ nông dân tham gia trồng.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.
.