Sớm giải bài toán ùn tắc giao thông

.

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của phương tiện tham gia giao thông, tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ vào giờ cao điểm ở các nút giao trên địa bàn thành phố ngày càng nghiêm trọng. Vì vậy, triển khai cải tạo các nút giao thông đang là bài toán cấp bách.

Nút giao cầu Rồng thường bị ùn tắc cục bộ.
Nút giao cầu Rồng thường bị ùn tắc cục bộ.

Bài 1:  Kẹt xe giờ cao điểm ở các nút giao thông

Thực tế cho thấy, Đà Nẵng hiện có nhiều nút giao xảy ra tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm, điển hình là nút giao phía tây cầu Rồng, nút cầu Trần Thị Lý (đường Duy Tân và đường 2 Tháng 9), nút phía tây cầu Tiên Sơn, nút Nguyễn Tri Phương - Nguyễn Hữu Thọ - Lê Đình Lý, nút Nguyễn Hữu Thọ - Lê Đại Hành, nút Hải Phòng - Hoàng Hoa Thám…

Điều này tạo ra nỗi lo đối với những người thường xuyên phải di chuyển hằng ngày tại những tuyến đường có nút giao.

Chị Trần Thị Oanh, cán bộ Sở Y tế (nhà ở quận Ngũ Hành Sơn) cho biết: “Mỗi lần lưu thông qua các nút giao này vào giờ cao điểm đối với tôi là việc cực kỳ nhọc nhằn. Tôi luôn cảm thấy áp lực chuyện đi đường khi quỹ thời gian khá eo hẹp”.

Anh Lê Tấn Phát (nhà ở đường Thăng Long, quận Cẩm Lệ) cũng chia sẻ: “Mỗi lần di chuyển trên trục đường 2 Tháng 9 về Trung tâm Hành chính thành phố làm việc, tôi luôn bị kẹt xe bởi phải đi qua đến 3 nút giao: nút giao phía tây cầu Tiên Sơn, nút giao đường Duy Tân - 2 Tháng 9 và nút giao phía tây cầu Rồng”.

Qua ghi nhận của chúng tôi, tại các nút giao thông nói trên đã quá tải với lưu lượng xe ngày càng tăng vào giờ cao điểm, đặc biệt từ 17-19 giờ. Đây là các nút giao với nhiều luồng xe giao cắt phức tạp gồm nhiều hướng vào và ra.

Cụ thể, nút giao phía tây cầu Rồng có đến 7 ngã giao với đường Nguyễn Văn Linh, cầu Rồng, đường 2 Tháng 9, đường Trần Phú, đường Bạch Đằng, đường Trưng Nữ Vương. Song song đó, nút giao đường Duy Tân với đường 2 Tháng 9, nút giao phía tây cầu Tiên Sơn có nhiều dòng xe từ các nhánh tập trung vào nút lớn tạo thành các điểm giao cắt phức tạp, hình thành những “điểm nóng” về giao thông.

Vào giờ thường vẫn có khá đông phương tiện di chuyển qua nút giao thông. Ảnh: THÀNH LÂN
Vào giờ thường vẫn có khá đông phương tiện di chuyển qua nút giao thông. Ảnh: THÀNH LÂN

Ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố nhìn nhận, sự phát triển vượt bậc về lưu lượng phương tiện thời gian qua khiến giao thông nội đô càng trở nên bức bách.

Nhiều nút giao đã quá tải, gây ùn tắc, đặc biệt là 3 nút giao phía tây cầu Rồng, phía tây cầu Tiên Sơn, nút giao đường Duy Tân với đường 2 Tháng 9. Do đó, thành phố đã có chủ trương cải tạo 3 nút giao này nhằm giảm tải áp lực giao thông, tránh xung đột, ùn ứ…

Theo ông Đinh Thế Vinh, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng, loại hình giao thông hiện tại của thành phố là hỗn hợp, không theo làn, tuyến cụ thể nào, đặc biệt các nút giao có sự đan xen rất phức tạp.

Vì vậy, để hướng đến một đô thị hiện đại, thành phố cần triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc sớm cải tạo các nút gây ùn tắc giao thông.

Trước đây, giai đoạn đầu khi vừa khánh thành cầu Rồng, nút giao phía tây cầu Rồng được tổ chức theo dạng hình xuyến tự điều chỉnh với các đảo xuyến, đảo dẫn hướng, phân luồng bằng đảo mềm lắp ghép để có thể thay đổi theo yêu cầu giao thông thực tế.

Thế nhưng, việc tổ chức theo hình thức tự điều khiển chỉ đáp ứng trong giai đoạn đầu, hình thức này đến nay không còn phù hợp. Do đó, Sở GTVT đã triển khai nhiều phương án điều chỉnh hình thức tổ chức giao thông.

Song, hiện tại, khi lưu lượng xe qua nút tăng cao, các phương án tổ chức giao thông trong nút tiếp tục có nhiều điểm chưa hợp lý và bộc lộ hạn chế.

Vì vậy, ngay từ bây giờ, cần thiết phải triển khai các giải pháp, phương án tổ chức giao thông mới nhằm bảo đảm mức độ đáp ứng lâu dài, phù hợp với tình hình tăng trưởng xe trong tương lai nhưng không làm phá vỡ quy hoạch chung của khu vực.

Theo Sở Giao thông vận tải, việc nghiên cứu, đầu tư cải tạo nút giao đường Duy Tân - 2 Tháng 9 và nút giao phía tây cầu Tiên Sơn vô cùng cấp thiết. Ban quản lý dự án các công trình giao thông Đà Nẵng cho hay, sắp tới sẽ có nhiều phương án được tính đến để làm cầu vượt, hầm chui, cải tạo nút giao nhằm đồng bộ hạ tầng giao thông hiện đại, nâng tầm đô thị thành phố.

TS. KTS Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị - HĐND thành phố cho biết, về nguyên tắc tổ chức giao thông, đối với các nút giao thông phức tạp (nhiều luồng giao cắt, lưu lượng phương tiện vào tuyến lớn, tiềm ẩn ùn tắc, tai nạn...) nếu không thể giải quyết bằng các biện pháp phân luồng, tự điều tiết giao thông (tạo đảo giao thông), biện pháp đèn tín hiệu giao thông... thì nhất định phải giải quyết bằng tổ chức nút giao thông khác mức.

Hiện tại, với gần 5.000 nút giao thông, rất khó giải quyết bài toán giao thông để khỏi ùn tắc. Vì vậy, cần xem xét, khảo sát và bổ sung ngay quỹ đất cho giao thông, nhất là giao thông tĩnh. Nếu trên mặt đường không đủ, phải tính toán hầm, nếu không, tương lai giao thông của Đà Nẵng cũng sẽ gặp khó như các thành phố lớn khác.

Bài và ảnh: THÀNH LÂN

;
.
.
.
.
.
.
.