Sớm giải bài toán ùn tắc giao thông

Bài 2: Cải tạo các nút giao thông như thế nào?

.

Giữa tháng 10-2017, UBND thành phố chỉ đạo Sở Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu lựa chọn phương án tối ưu, cải tạo nút giao thông phía tây cầu Rồng, nút giao đường Duy Tân và đường 2 Tháng 9, nút giao phía tây cầu Tiên Sơn.

Theo đó, UBND thành phố đã nghe các đơn vị báo cáo, đề xuất các phương án cải tạo, trong đó có 2 phương án đề cập khả năng làm hầm chui.

Nút giao phía tây cầu Rồng luôn quá tải giờ cao điểm.
Nút giao phía tây cầu Rồng luôn quá tải giờ cao điểm.

Đây cũng là cơ sở để các cơ quan chức năng của thành phố báo cáo tại kỳ họp HĐND thành phố, dự kiến diễn ra vào khoảng tháng 7-2018, đồng thời để xin chủ trương bố trí nguồn vốn và kịp khởi công vào khoảng cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019.

Theo Sở GTVT, việc tìm phương án cho nút giao thông phía tây cầu Rồng là hết sức cần thiết và phải triển khai sớm. Do đó, cuối năm 2017, các đơn vị tư vấn đã đề xuất 3 phương án thiết kế đối với nút giao thông này.

Cụ thể, phương án 1: hầm chui 2 chiều dọc theo đường Bạch Đằng kết hợp đầu tư đường Hoàng Văn Thụ nối dài ra đường Bạch Đằng để tăng hiệu quả lưu thông với tổng kinh phí dự kiến từ 218-250 tỷ đồng; phương án 2: hầm chui song song (một theo hướng Bạch Đằng - 2 Tháng 9, một theo hướng Trần Phú - Trưng Nữ Vương) với tổng kinh phí dự kiến khoảng 276 tỷ đồng; giao thông cùng mức di chuyển theo hình xuyến mở rộng và cải tạo cảnh quan trong lòng nút với kinh phí dự kiến cho giao thông khoảng 20 tỷ đồng, phần giải tỏa hơn 1.077 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đây cũng là khu vực cảnh quan kiến trúc đóng vai trò rất quan trọng vì là trục giao thông chính từ sân bay quốc tế Đà Nẵng đi ra, bên cạnh có còn có Bảo tàng Điêu khắc Chăm, cầu Rồng, Công viên APEC và cảnh quan mặt nước sông Hàn, nên phải hết sức cân nhắc trước khi triển khai.

Sở GTVT đang tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, các nhà hoạch định và phổ biến trên trang mạng xã hội facebook, các trang web chuyên ngành; tổng hợp để trình UBND xem xét, quyết định. Ông Phạm Ngọc Vinh, Chủ nhiệm thiết kế dự án - Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình giao thông 5 (TECCO5) cho biết, công ty đề ra 6 phương án gồm: 2 phương án xây dựng 1 hầm chui cho hướng chuyển động từ đường 2 Tháng 9 đi đường Bạch Đằng và phương án gom 2 nút giao thành 1 nút giao; bên cạnh đó là 3 phương án xây dựng 2 hầm chui.

Đại diện Liên doanh Công ty CP Tư vấn và đầu tư xây dựng ECC cho rằng, cần bổ sung ít nhất 1 vị trí giao cắt khác mức giữa các luồng giao thông chính theo hướng đông - tây (trục Nguyễn Văn Linh - cầu Rồng) và hướng bắc - nam (trục 2 Tháng 9 - Trần Phú - Bạch Đằng).

Ông Võ Văn Toàn, Giám đốc Công ty CP Đầu tư - Tư vấn kỹ thuật xây dựng Kỹ Việt góp ý: “Theo tôi, việc cải tạo nút giao này nên áp dụng theo phương pháp hầm chui sẽ giúp giảm thiểu chi phí giải tỏa đền bù, đồng thời không phá vỡ cảnh quan chung hiện có. Cần tính toán cụ thể cách làm, không để như trường hợp nút giao hầm chui Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương mới được đưa vào sử dụng thì bị sự cố tràn nước. Còn nút giao hầm chui phía tây cầu Sông Hàn thì phải chặn lối đi lên cầu giờ cao điểm từ hướng Trần Phú về và cấm ô-tô trong một số khung giờ”.  

Về phương án cải tạo nút giao thông Duy Tân với đường 2 Tháng 9, đến nay đã có 8 ý kiến cá nhân và các tổ chức tham gia. Trong đó, có 3 ý kiến thống nhất làm cầu vượt đường 2 Tháng 9 và hầm chui hướng đường Duy Tân; 3 ý kiến không thống nhất phương án này với lý do hầm kín và hầm hở quá dài, kinh phí lớn, trong khi lưu lượng theo hướng Duy Tân nhỏ; ảnh hưởng mỹ quan đô thị của khu vực. Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật thành phố thống nhất về nguyên tắc việc cải tạo thành nút giao thông lập thể nhưng kinh phí lớn nên đề nghị xem xét phương án hầm chui theo đường 2 Tháng 9 và phân kỳ đầu tư.  

Ông Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị - HĐND thành phố cho rằng, việc đặt ra giải pháp cải tạo đối với các nút giao thông phía tây cầu Tiên Sơn, phía tây cầu Rồng và nút giao đường Duy Tân với đường 2 Tháng 9… là cần thiết.

Giải pháp đầu tư các nút giao thông này cần được xem xét dưới cái nhìn tổng thể thực trạng tổ chức giao thông thành phố. Đặc biệt, đối với Đà Nẵng, yếu tố về cảnh quan đô thị rất quan trọng, bởi nét đặc trưng của thành phố không thể tách rời dòng sông Hàn, bán đảo Sơn Trà...

Do đó, giải pháp cải tạo các nút giao thông cần thiết chú trọng bảo vệ cảnh quan thành phố nói chung và nhất là cảnh quan hai bên bờ sông Hàn nói riêng, cũng như hạn chế thấp nhất sự xâm hại đến các công trình kiến trúc có tính chất di sản văn hóa lịch sử (Bảo tàng Điêu khắc Chăm).

Về giải pháp thực hiện, hoàn toàn phụ thuộc vào phương án phân luồng tại nút, giảm thiểu tối đa giao cắt tại tuyến, nên có thể là làm hầm chui, cầu vượt hay có thể kết hợp cả hai hình thức nêu trên. Nhiều địa phương áp dụng hình thức cầu vượt bằng kết cấu thép bảo đảm thời gian thi công nhanh cũng cần được tham khảo ứng dụng.

Năm 2017, thành phố đã hoàn thành cải tạo nút, lắp đặt đèn tín hiệu giao thông tại 15 nút gồm: Tôn Đức Thắng - Hoàng Văn Thái; Phan Bá Phiến - Lê Tấn Trung; Lê Văn Hiến - Phạm Hữu Nhật; Xuân Thủy - Cách mạng Tháng Tám; Võ Chí Công - đường 36m; Trịnh Đình Thảo - Nguyễn Phong Sắc; 2 Tháng 9 - Tiểu La; đường số 5 - đường số 10 Khu công nghiệp Hòa Khánh; quốc lộ 1A - ĐT605; ĐT602 - Âu Cơ; Lê Văn Hiến - Bùi Tá Hán; Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Mai Đăng Chơn; Võ Chí Công - đường 10m5 sát cầu Nguyễn Tri Phương; phía nam cầu Cẩm Lệ; Khúc Hạo - Hồ Hán Thương. Cùng với đó, triển khai các thủ tục, thi công cải tạo, lắp đặt tín hiệu tại 5 nút giao Mẹ Thứ - Văn Tiến Dũng; Hoàng Thị Loan - Nguyễn Sinh Sắc; Ngô Quyền - Bình Than; Hoàng Văn Thái - Hoàng Minh Thảo và Hoàng Văn Thái - Đà Sơn.

Theo Tiến sĩ Võ Duy Nghi, Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải đa phương thức: Phương thức giao thông hiện tại của nút giao thông hầm chui phía tây cầu Sông Hàn có những bất cập, khi đã làm hầm chui mà vẫn cứ rẽ trái lên cầu; hầm chui mà vẫn phải dùng tín hiệu đèn là chưa ổn.

Theo tôi, một là rẽ phải đi lên hoặc là rẽ trước hay là đi qua hầm chui rẽ lên để quay về, vào vị trí bên phải. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là cần có một giải pháp tổ chức giao thông tổng thể, một tầm nhìn xa về quy hoạch giao thông tĩnh.

Bài và ảnh: THÀNH LÂN

;
.
.
.
.
.
.
.