Điểm đến khởi nghiệp

.

Ngày càng có nhiều người trẻ đến từ khắp các vùng miền cả nước chọn Đà Nẵng làm nơi khởi nghiệp. Với hàng loạt chương trình hỗ trợ thiết thực cùng những bước đi tiên phong trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, Đà Nẵng đang hướng đến mục tiêu trở thành điểm đến khởi nghiệp không chỉ của miền Trung mà còn của cả nước và khu vực.

Đà Nẵng thu hút nhiều dự án khởi nghiệp từ các vùng miền trên cả nước, đặc biệt là thông qua các sự kiện, triển lãm khởi nghiệp.  Trong ảnh: Sản phẩm của các dự án khởi nghiệp thu hút sự quan tâm của nhiều khách tham quan tại Hội nghị và triển lãm Khởi nghiệp Đà Nẵng 2017.              Ảnh: K.N
Đà Nẵng thu hút nhiều dự án khởi nghiệp từ các vùng miền trên cả nước, đặc biệt là thông qua các sự kiện, triển lãm khởi nghiệp. Trong ảnh: Sản phẩm của các dự án khởi nghiệp thu hút sự quan tâm của nhiều khách tham quan tại Hội nghị và triển lãm Khởi nghiệp Đà Nẵng 2017. Ảnh: K.N

Tháng 3 vừa qua, dự án Sen Hoàng Long chính thức tham gia chương trình ươm tạo của Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES). Điều đặc biệt, dự án này do một chàng trai người Huế làm chủ, phát triển dựa trên một sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của vùng đất cố đô – cây sen.

Yêu sen và không chấp nhận tình trạng hạt sen bị tẩy trắng bày bán tràn lan khắp chợ, năm 2016, anh Hoàng Phi Long (SN 1990) quyết tâm lập nghiệp bằng chính đặc sản của quê hương mình.

Anh kết nối với những người nông dân trồng sen tại Huế, trình bày ý tưởng về một thương hiệu sen “sạch” và cam kết bao tiêu sản phẩm. Những gói hạt sen, mứt củ sen, trà tim sen… đầu tiên ra đời được anh nhờ bán trong các quầy đặc sản cho khách du lịch Huế hoặc bán lẻ qua mạng xã hội Facebook.

Sau gần 2 năm, anh Long dần có nguồn khách ổn định. Đến thời điểm cần phát triển dự án, anh quyết định vào Đà Nẵng để tìm hiểu và được tiếp nhận vào DNES.

“Lúc ở Huế, mình chỉ tập trung vào mỗi khâu sản xuất và bán hàng chứ chưa có bất kỳ định hướng, chiến lược nào cả. Tham gia vào môi trường khởi nghiệp Đà Nẵng làm mình thay đổi cách nhìn, biết cách tổ chức bộ máy, hiểu được vai trò của việc xây dựng thương hiệu và dần hướng ra các thị trường khác lớn hơn,” anh Long chia sẻ.

Theo anh Long, điểm mạnh nhất của hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng hiện tại là mạng lưới cố vấn hoạt động tích cực, chặt chẽ. Những thành viên của mạng lưới này cũng chính là các doanh nhân địa phương, những người có nhiều năm “lăn lộn” trên thương trường và tâm huyết với việc ươm mầm cho lớp doanh nhân trẻ.

Anh nói: “Mình được tiếp cận với anh Phan Hải (Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng - PV) để học hỏi về cách anh xây dựng hệ thống bán lẻ. Mình cũng có cơ hội trao đổi với anh Lê Văn Hiểu (Tổng Giám đốc Công ty CP Máy và thiết bị phụ tùng SEATECH - PV) để hỏi về máy móc, kỹ thuật sản xuất…

Kể từ lúc bắt đầu khởi nghiệp, mình đã đi khắp các tỉnh thành từ Nam chí Bắc để học hỏi, tìm hiểu. Có thể nói, Đà Nẵng là một trong những nơi dễ dàng tiếp cận với các cố vấn khởi nghiệp nhất, điều này đã giúp ích cho mình rất nhiều.”

Giữa năm nay, Sen Hoàng Long dự kiến sẽ đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Đà Nẵng. Anh Long cho rằng, thành phố là nơi thuận tiện để kết nối kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa. Chính Đà Nẵng là nơi đặt nền móng cho sự phát triển của dự án, nên mong muốn được gắn bó và đóng góp cho thành phố này.

Ngoài sen Huế, hiện có một dự án khởi nghiệp khác gắn liền với đặc sản của địa phương Quảng Nam - sắn Quế Sơn. Sau 9 năm làm việc trong ngành công nghệ thông tin, anh Dương Ngọc Ảnh quyết định “rẽ lối” để khởi nghiệp với sắn, món ăn quen thuộc từ những ngày còn nhỏ ở quê nhà.

Chủ dự án này chia sẻ, nhà anh có truyền thống làm phở sắn từ lâu nhưng vì làm “quá cực”, tiền thu về cũng không nhiều nên nghề dần mai một. Tuy vậy, tìm hiểu về cây sắn, biết đây là thực phẩm tốt cho sức khoẻ, giàu chất xơ, chất khoáng nên anh nuôi khát vọng phát triển, quảng bá sản phẩm truyền thống này trên cả nước và vươn ra thế giới.

Không đi theo cách làm thủ công truyền thống của gia đình, Dương Ngọc Ảnh quyết định “đầu quân” ra Đà Nẵng để khởi nghiệp theo mô hình đổi mới sáng tạo. Tại đây, anh theo học những khóa đào tạo từ các chuyên gia trong và ngoài nước để xây dựng chiến lược kinh doanh của riêng mình.

Với sự kết nối từ DNES, anh được bà Ameeta Soni (nhà khởi nghiệp, chuyên gia đầu tư Mỹ) hướng dẫn về cách xác định các vấn đề của doanh nghiệp, gọi vốn, thiết kế bao bì… Đồng thời, anh được tư vấn về công nghệ sấy sắn sao cho vừa tiết kiệm nhân công, vừa phù hợp với khí hậu miền Trung.

Theo anh Ảnh, nhiều năm nay phở sắn chỉ phổ biến ở Quế Sơn, ăn kèm với cá lóc và chuối cây. Để mở rộng sản phẩm ra thị trường rộng hơn, anh tiến hành xét nghiệm thành phần, hoàn thành các nguyên tắc trong hệ thống quản lý an toàn thực phẩm xuất khẩu.

Bên cạnh đó, anh cũng sáng tạo ra các món khác từ sợi phở sắn như phở sắn chiên giòn, phở sắn ăn kèm salad hải sản, rong biển. “Khi có chỗ đứng trên thị trường, mình sẽ kết hợp làm du lịch để du khách tham quan, trải nghiệm làng nghề thủ công làm phở sắn ngay tại Quế Sơn,” anh Ảnh bày tỏ.

Đầu năm 2018, Đà Nẵng và Quảng Nam trở thành 2 địa phương đầu tiên của cả nước chủ động phối hợp xây dựng, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, từ đó mở rộng ra khu vực miền Trung-Tây Nguyên và cả nước.

Theo Hội đồng Điều phối Mạng lưới Khởi nghiệp thành phố, việc mở rộng liên kết, hợp tác là một trong 5 trụ cột lớn của hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng. Nhằm xây dựng “trung tâm khởi nghiệp bên bờ biển”, thành phố đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ về mặt bằng, tài chính, phát triển công nghệ mới, xúc tiến thương mại, kết nối đầu tư… để hình thành môi trường khởi nghiệp năng động, sáng tạo.

Điển hình, sự kiện Hội nghị và Triển lãm Khởi nghiệp SURF thường niên được xem là cánh cửa để khởi nghiệp Đà Nẵng bước ra thế giới, đồng thời đón những người quan tâm đến khởi nghiệp trên toàn cầu đến với Đà Nẵng.

Trong thời gian tới, thành phố sẽ tăng cường thu hút các nguồn lực, đặc biệt là nhân lực quốc tế, tập trung vào các lĩnh vực mà thành phố có lợi thế nhất để phát triển như du lịch thông minh, thành phố thông minh…

KHANG NINH

;
.
.
.
.
.
.