Nhằm chung tay cùng với các cơ quan chức năng khắc phục “thẻ vàng” của Liên minh châu Âu (EU) đối với thủy sản Việt Nam, các ngư dân Đà Nẵng và các tỉnh lân cận thực hiện các quy định về lập nhật ký khai thác, truy xuất nguồn gốc hải sản, không vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài (IUU).
Hải sản ở cảng cá Thọ Quang và chợ đầu mối thủy sản được truy xuất nguồn gốc chặt chẽ. |
Tại Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, trung bình mỗi ngày có hơn 50 tàu cá về cảng (trong đó có 50% tàu cá ngoại tỉnh), công tác kiểm tra giấy tờ, hàng hóa được thực hiện chặt chẽ để cung cấp nguồn hải sản sạch, an toàn và bảo đảm chất lượng đến người tiêu dùng, góp phần khắc phục “thẻ vàng” của EU.
Theo Ban quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang (BQL), tất cả các tàu thuyền khai thác khi về cảng đều phải thực hiện kê khai nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Đặc biệt, từ ngày 17-3-2018 đến nay, trước khi các tàu đem hải sản đánh bắt được lên cảng phải thông báo cho BQL biết và trình sổ nhật ký khai thác cũng như các giấy tờ liên quan như: kê khai nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, vùng biển đánh bắt, số lượng thuyền viên… để thực hiện kiểm tra, kiểm soát.
Nếu không xuất trình đầy đủ giấy tờ sẽ không được phép buôn bán thủy, hải sản tại cảng cá Thọ Quang nói riêng và trên địa bàn thành phố nói chung. Cùng với việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa, đơn vị chức năng cũng kiểm tra hàng hóa xuất kho của từng tàu cá để có cơ sở đánh giá, bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm hải sản đánh bắt được.
“Tàu tôi làm nghề lưới vây, cá đánh bắt được ướp đá, không ướp hóa chất. Cơ quan chức năng xuống tàu kiểm tra rất nghiêm ngặt. Khi tàu ra khơi đánh bắt và về cảng đều phải kê khai, làm đầy đủ thủ tục, trình nhật ký đánh bắt trên biển kèm các giấy tờ liên quan rồi mới được phép đem cá lên cảng”, ngư dân Phan Văn Tài (Quảng Ngãi) cho hay.
Còn ngư dân Lê Văn Nghi (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà), chủ tàu cá ĐNa-90783 nói: “Chúng tôi làm nghề lưới chuồn, đánh bắt ở các ngư trường truyền thống là vùng biển quần đảo Hoàng Sa và giữa Biển Đông.
Không chỉ vì cơ quan chức năng tuyên truyền, nhắc nhở mà tự bản thân chúng tôi luôn nhận thức đánh bắt ở ngư trường truyền thống của mình, không đánh bắt trái phép ở vùng biển thuộc chủ quyền của nước khác.
Đồng thời, thường xuyên duy trì thông tin liên lạc với Bộ đội Biên phòng thành phố và kịp thời báo cáo tàu cá nước ngoài xâm phạm, khai thác hải sản trái phép vùng biển chủ quyền của Việt Nam”.
Các lực lượng chức năng phối hợp tuyên truyền chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo các quy định. Ảnh: KHÁNH HÀ |
Theo ông Đặng Duy Hải, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Đà Nẵng, trong tháng 3-2018, chi cục phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, UBND các quận tổ chức 7 lớp tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho 7 doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu thủy sản và hơn 400 ngư dân là chủ tàu cá, thuyền trưởng tàu có công suất hơn 90CV trên địa bàn thành phố.
Qua đó, tiến hành thanh tra và kiểm tra 12 tàu cá nghi vấn, xử lý vi phạm đối với 4 tàu cá hoạt động khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ của tỉnh khác và không mang theo bản chính hoặc bản sao giấy chứng nhận đăng ký tàu cá.
Từ nay đến tháng 9-2018, đoàn kiểm tra do Chi cục Thủy sản thành lập sẽ tiến hành kiểm tra hoạt động khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đối với các tàu cá cung cấp nguyên liệu thủy sản để chế biến và xuất khẩu vào thị trường có yêu cầu chứng nhận thủy sản khai thác.
“Thời gian qua, ngư dân và các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu thủy sản ở Đà Nẵng chấp hành rất tốt các yêu cầu, quy định của các cơ quan chức năng, góp phần khắc phục “thẻ vàng” của EU.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trình Chính phủ xin kinh phí hỗ trợ lắp đặt máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa tích hợp định vị vệ tinh VX-1700 trên tàu cá để kết nối tự động với trạm bờ đặt tại Chi cục Thủy sản. Khi được lắp đặt trên tàu cá thì cứ sau 2 giờ, hệ thống tự động gửi thông tin về vị trí của tàu.
Ở trạm bờ, vị trí di chuyển, hoạt động của tàu sẽ được tự động vẽ thành vệt, giúp kiểm soát tốt việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp cũng như truy xuất nguồn gốc hải sản, đáp ứng yêu cầu của châu Âu về IUU…”, ông Đặng Duy Hải cho biết.
Tháng 10-2017, Liên minh châu Âu (EU) đã phạt thẻ vàng đối với hoạt động đánh bắt khai thác thủy sản của Việt Nam do chưa tuân thủ các quy định IUU. IUU (Illegal, Unrepoted and Unregulated Fishing) nghĩa là hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý. Số liệu của Tổ chức Nông lương quốc tế (FAO) cho thấy, đánh bắt cá trái phép khiến thế giới mất khoảng 23 tỷ USD mỗi năm. |
Bài và ảnh: KHÁNH HÀ