Qua 40 năm xây dựng và phát triển, Hợp tác xã (HTX) Mây tre An Khê (quận Thanh Khê) đang dần khẳng định vị thế, không chỉ dẫn đầu về xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, là ngọn cờ đầu của kinh tế tập thể ở Đà Nẵng mà còn là nơi giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động...
Nhờ hợp tác xã hoạt động hiệu quả nên có nguồn thu lớn và tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động. |
Dưới cái nóng những ngày cuối tháng 6, đội ngũ nhân công tại HTX Mây tre An Khê vẫn khẩn trương, hăng hái làm việc. Mỗi người một công đoạn khác nhau, tất cả đều thực hiện thuần thục thao tác sản xuất...
Vừa thoăn thoắt đan từng sợi mây, bà Trần Thị Hoa (45 tuổi) cho biết, cả hai vợ chồng bà làm tại cơ sở này gần 30 năm. Những năm qua, nhờ HTX có nhiều đơn đặt hàng nên bà và các nhân công khác có việc làm thường xuyên, thu nhập tương đối ổn định.
“Trước đây, nghề này rất vất vả vì phải làm thủ công, nay đã có máy móc nên tiết kiệm được công sức của người lao động. Hầu hết mọi người đều làm công khoán để chủ động thời gian, tăng thêm thu nhập. Mức lương trung bình hằng tháng từ 4 đến 5 triệu đồng/người, những tháng có đơn hàng nhiều thì lương cao hơn”, bà Hoa chia sẻ.
Ông Trần Bá Tượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Mây tre An Khê cho biết, HTX thành lập năm 1978. Ban đầu HTX có 31 thành viên, với số vốn góp 600 triệu đồng. Tháng 4-2014, HTX chuyển đổi theo mô hình mới của Luật HTX năm 2012.
Đến nay, HTX có 41 thành viên và gần 150 lao động với 3 cơ sở hoạt động gồm: trụ sở văn phòng và phân xưởng sản xuất mành mây xuất khẩu; phân xưởng sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ mây tre xuất khẩu và phân xưởng sơ chế, chế biến. Hiện HTX sản xuất 50 loại sản phẩm bằng mây tre đan, có những sản phẩm trị giá 15-20 triệu đồng/chiếc.
Để cạnh tranh trong cơ chế thị trường, duy trì và phát triển hiệu quả sản xuất kinh doanh, HTX đặc biệt chú trọng công tác cải tiến kỹ thuật, áp dụng tiến bộ mới vào sản xuất... như cải tiến ngàm định vị chẻ mây, nối thêm trục nhông máy để có công suất máy mạnh hơn, độ đàn hồi lớn hơn và đổi từ trục đứng sang trục ngang để dễ thao tác. Sau khi cải tiến, mỗi máy có thể chẻ từ 5 đến 8 cỡ mây, thay thế cho 3 máy chẻ mây nhập khẩu thông thường.
Bên cạnh đó, HTX còn chế tạo lò sấy mini để đáp ứng yêu cầu cơ động di chuyển linh hoạt; áp dụng lò luộc mây theo công nghệ mới, dùng máy móc vận hành; cải tiến dao chẻ mây, chẻ được nhiều cỡ, nguyên liệu theo ý muốn, giảm những công đoạn không cần thiết, tiết kiệm nguyên liệu, hạ giá thành sản phẩm cũng như thời gian, công sức của thành viên và người lao động.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại HTX, những năm qua, HTX kết hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp, Trung tâm Tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Đà Nẵng đào tạo gần 200 học viên theo học nghề thủ công mỹ nghệ mây tre đan cho người dân trên địa bàn quận và tại xã Hòa Nhơn, xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang). Kết thúc các khóa học, có hơn 40% học viên tham gia làm việc tại HTX.
Năm 2017, sản phẩm hàng hóa sản xuất, tiêu thụ của đơn vị đạt 600 tấn mây đã qua chế biến và 50.000 sản phẩm hàng hóa. Doanh thu năm 2017 đạt 20 tỷ đồng, trong đó trực tiếp xuất khẩu đạt 500.000 USD, chiếm 60% tổng doanh thu (trước đây, doanh thu từ xuất khẩu đạt 30 - 40%). Theo đó, thu nhập của thành viên, người lao động được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần nâng cao. Từ nguồn quỹ tín dụng nội bộ, HTX hỗ trợ thành viên vay sửa nhà, đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình...
“Thời gian tới, HTX tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, đa dạng các hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng liên doanh, liên kết với các thành phần kinh tế để phát triển hiệu quả hơn nữa. Bên cạnh đó, HTX chú trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của thành viên và người lao động. Đó là nhiệm vụ quan trọng nhất và thể hiện rõ nhất tính ưu việt của mô hình HTX trong rất nhiều loại hình, tổ chức kinh tế trong xã hội”, ông Trần Bá Tượng nói.
Tọa đàm “Vai trò nam giới trong xây dựng hạnh phúc gia đình thời kỳ hội nhập và phát triển” Liên đoàn Lao động quận Thanh Khê vừa phối hợp với Trung tâm Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) quận tổ chức buổi tọa đàm với chuyên đề “Vai trò nam giới trong xây dựng hạnh phúc gia đình thời kỳ hội nhập và phát triển”. Tại đây, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động trao đổi về vai trò, trách nhiệm của nam giới trong việc xây dựng, củng cố và phát huy những giá trị tốt đẹp, giữ gìn bản sắc dân tộc của gia đình Việt hiện nay. Thông qua buổi tọa đàm, mọi người còn hiểu rõ sự thay đổi cơ cấu xã hội dẫn đến cấu trúc gia đình bị tác động, nổi bật là vai trò trụ cột trong gia đình đang dần hoán đổi và vai trò của phụ nữ trong xã hội ngày càng được đẩy cao thì nam giới lại được khuyến khích có trách nhiệm quan tâm đến gia đình nhiều hơn. Giám sát công tác phòng cháy, chữa cháy Từ 20-5 đến 20-6, Thường trực HĐND quận Thanh Khê tổ chức các đợt làm việc và khảo sát tình hình thực tế công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trên địa bàn quận đối với các cơ quan, đơn vị; đồng thời phối hợp với Thường trực HĐND 10 phường tổ chức giám sát việc triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân tham gia PCCC” và mô hình “Cụm dân cư an toàn PCCC” trên địa bàn phường. Theo đó, trong năm 2017 và quý 1 năm 2018, trên địa bàn quận đã xảy 82 sự cố cháy, nổ và cứu nạn, cứu hộ. Trong đó, 74 vụ do chập điện và 1 vụ cháy do sơ suất trong sử dụng nguồn nhiệt, 5 vụ cháy rác và cỏ; 2 vụ cứu nạn, cứu hộ. Phòng Cảnh sát PCCC số 2 cũng đã trực tiếp xử lý 36 vụ cháy và 46 vụ do người dân tự dập tắt. Triển khai đội lưu động y tế tại 4 phường ven biển Trong chiến dịch truyền thông dân số đợt 2 năm 2018 diễn ra từ ngày 1-6 đến 30-9, Trung tâm DS-KHHGĐ quận Thanh Khê phối hợp với Hội KHHGĐ thành phố tổ chức đội lưu động y tế để thực hiện siêu âm, khám và làm xét nghiệm miễn phí, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ cho phụ nữ 4 phường ven biển với tổng kinh phí 50,2 triệu đồng. Dịp này, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản thành phố cử 1 đội y tế lưu động hỗ trợ khám và đặt vòng cho chị em phụ nữ tại 4 phường trên. Tập huấn tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS Từ ngày 25 đến 27-6, Trung tâm DS - KHHGĐ quận Thanh Khê phối hợp với Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS thành phố tập huấn truyền thông thay đổi hành vi, phòng chống HIV/AIDS cho gần 100 cộng tác viên dân số-sức khỏe cộng đồng trên địa bàn quận. Tại đây, các cộng tác viên được thông tin kiến thức cơ bản về HIV/AIDS, nguyên tắc chung dự phòng lây nhiễm HIV, xóa bỏ kỳ thị phân biệt liên quan đến HIV, kỹ năng truyền thông trực tiếp, tư vấn xét nghiệm HIV, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, lây nhiễm qua đường máu, đường tình dục và hướng dẫn người nhiễm HIV thực hiện các biện pháp an toàn để tránh lây nhiễm cho người khác... THU THẢO tổng hợp |
Bài và ảnh: THU THẢO