Xây dựng nhãn hiệu mía Hòa Bắc

.

Dù có nhiều thăng trầm, song những năm gần đây, cây mía đã trở thành cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp của xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang). Người dân đã chuyển nhiều diện tích cây trồng cho hiệu quả kinh tế thấp sang trồng mía. Vì vậy, các ngành chức năng đang hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu mía Hòa Bắc để nâng cao giá trị sản phẩm.

Cây mía Hòa Bắc chủ yếu được ép nước phục vụ giải khát.
Cây mía Hòa Bắc chủ yếu được ép nước phục vụ giải khát.

Đang bốc vác mía từ khu vực ven sông Cu Đê lên xe tải, bà Trần Thị Sang (trú thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc) tiếc rẻ: “Tôi trồng 6 sào mía ven sông mà do gặp thời tiết không thuận lợi, nên bị tụt sản lượng so với năm ngoái. Tỷ lệ mía loại thân nhỏ rất nhiều và giá mía cũng bằng năm ngoái nên lãi ít. Mỗi vác mía loại thân to (25 cây), chỉ bán được với giá 55.000 đồng, mỗi vác mía loại thân nhỏ (gần 50 cây) chỉ có giá 20.000 đồng. Hy vọng thời tiết thuận lợi, tôi thu hoạch lứa mía tiếp theo sẽ bán được giá cao hơn”.

Bà Nguyễn Thị Loan (trú cùng thôn Nam Yên) cho hay, chi phí thuê nhân công chặt và mang mía lên đến vị trí tập kết dao động từ 10.000-20.000 đồng/vác, tùy theo độ xa, gần. Tư thương đến mua và chở về bán ở khu vực Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) với giá 100.000 đồng/vác, còn về gần trung tâm thành phố là 120.000 đồng/vác. “Tôi phải chờ giá mía lên khoảng 80.000 đồng/vác mới bán để có lãi. Trong thời gian này, chủ yếu chặt mía về đem ép nước ra rồi đổ vào trong chai nhựa 1,5 lít và bán với giá 15.000 đồng/chai cho khách qua đường”, bà Loan cho biết.

Theo nhiều người trồng mía, cây mía đã và đang là nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã Hòa Bắc. Người trồng mía đã biết áp dụng một số biện pháp khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chăm sóc đúng thời điểm, thời vụ, nên nâng cao năng suất và chất lượng. Tuy nhiên, khó khăn nhất của người dân hiện nay vẫn là khâu tiêu thụ. Cạnh đó, sản phẩm làm ra chủ yếu là ép lấy nước phục vụ nhu cầu giải khát, nên phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết. Đây cũng là nguyên nhân làm cho đầu ra của cây mía không ổn định.

Theo UBND xã Hòa Bắc, nông dân toàn xã trồng khoảng 170ha mía (chiếm hơn 50% diện tích đất nông nghiệp) và đang bước vào thu hoạch chính vụ. Điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng rất thích hợp với cây mía, nên đây là một trong những loại cây trồng mũi nhọn, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế và giảm nghèo. Để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị cây mía, những năm qua, xã Hòa Bắc đã đầu tư hệ thống thủy lợi, giếng khoan, máy bơm và xây dựng đường giao thông vào những thôn trồng cây mía. Cùng với đó, xã đã phối hợp với các đơn vị chức năng tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mía cho người nông dân. Đồng thời, xã tuyên truyền, quảng bá sản phẩm để tạo điều kiện hỗ trợ người dân tiêu thụ mía. Nhiều tư thương, khách hàng đã nghe “tiếng” mía Hòa Bắc và tìm đến mua mía cây, nước mía...

Về lâu dài, xã Hòa Bắc tiếp tục định hướng phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung đối với cây mía; liên kết tiêu thụ sản phẩm, tìm thị trường ổn định cho người trồng mía. Bên cạnh đó, chính quyền tăng cường tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho người dân về biện pháp chọn giống, thâm canh phòng trừ sâu bệnh, sản xuất theo hướng sạch và an toàn…

Bà Lê Thị Thu Hà, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết: “Chúng tôi đang tăng cường hỗ trợ thủy lợi cho trồng mía với các biện pháp như: khoan giếng, bơm tưới… để cải thiện năng suất. Xã cũng đề xuất với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Hòa Vang xây dựng nhãn hiệu hàng hóa đối với cây mía Hòa Bắc. Hiện tại, sở đã giao đơn vị chức năng khảo sát, xây dựng hồ sơ để đăng ký, phấn đấu trong năm 2018 sẽ có nhãn hiệu hàng hóa đối với cây mía. Đặc biệt, các đơn vị chức năng cũng được giao thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học để nâng cao chất lượng cây mía. Qua đó, xã tuyên truyền tiểu thương trên địa bàn phối hợp với người trồng mía tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, đang động viên, xúc tiến thành lập hợp tác xã hoặc tổ hợp tác để việc trồng, chăm sóc và tiêu thụ mía bài bản, lâu dài hơn”.

Bài và ảnh: NAM TRÂN

;
.
.
.
.
.
.