Bất cập ở làng nghề đá chẻ Hòa Sơn

.

Dù mới xây dựng xong giai đoạn 1, giai đoạn 2 và đưa vào hoạt động được hơn 6 tháng, nhưng làng nghề đá chẻ Hòa Sơn (thôn Xuân Phú, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) đã nảy sinh nhiều bất cập, gây khó khăn cho các hộ sản xuất.

Các hộ sản xuất ở làng nghề đá chẻ Hòa Sơn gặp khó khăn vì bất cập của hệ thống thoát nước thải.
Các hộ sản xuất ở làng nghề đá chẻ Hòa Sơn gặp khó khăn vì bất cập của hệ thống thoát nước thải.

Từ “lộc trời cho”, người dân sống gần 2 mỏ đá Hồ Mùn và Trường Bản đã hình thành nên làng nghề đá chẻ Hòa Sơn khoảng 15 năm trở lại đây. Làng nghề hình thành tự phát ở hai bên tuyến đường ĐH 2 (đoạn qua các thôn: Xuân Phú, Phú Thượng, Phú Hạ…) với hơn 80 hộ sản xuất và hàng trăm máy cưa đá cùng gần 1.000 lao động từ các nơi. Nhiều năm qua, tình trạng ô nhiễm do bụi đá, nước bột đá và đá vụn đổ bừa bãi khiến người dân địa phương bức xúc.

Từ năm 2013, thành phố có chủ trương quy hoạch xây dựng dự án Làng nghề đá chẻ Hòa Sơn tại thôn Xuân Phú với tổng diện tích 7,6ha, chia làm 173 lô đất để xây dựng nhà xưởng sản xuất và làm bãi thải, bãi tập kết đá nguyên liệu; quy hoạch xây dựng đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp nước, cấp điện, cống thoát nước mưa, mương thoát nước thải (bột đá)… Tuy nhiên, sau hơn 6 tháng làng nghề vào hoạt động đã nảy sinh nhiều bất cập.

Bà Nguyễn Thị Mai (trú thôn An Tây 2, xã Hòa Sơn), một lao động tại làng nghề đá chẻ Hòa Sơn cho biết: “Cơ sở cưa và chẻ đá của chúng tôi lên làng nghề hoạt động mới có 3 tháng mà mương thoát nước thải phát sinh từ việc tưới nước vào lưỡi cưa để giảm bụi đá đã ngập đầy bột đá.

Bây giờ, nước thải chảy tràn trên nền đất sản xuất của hộ khác vì chưa có hệ thống xử lý nước thải. Toàn bộ nước thải theo cống, mương chảy qua khu dân cư chậm giải tỏa và gây ô nhiễm các giếng nước, khiến người dân rất bức xúc vì phải dùng nước giếng do chưa có nước thủy cục”.

Các hộ sản xuất ở làng nghề đá chẻ Hòa Sơn gặp khó khăn vì bất cập của hệ thống thoát nước thải.
Các hộ sản xuất ở làng nghề đá chẻ Hòa Sơn gặp khó khăn vì bất cập của hệ thống thoát nước thải.

Để khắc phục bất cập do mương thoát nước thải có kích thước quá nhỏ và bị chứa đầy bột đá, các hộ sản xuất đã phải đào một hố sâu sát mương để chứa nước thải và cho lắng bột đá xuống đáy hố, còn nước ở bề mặt thì theo các ống chảy vào mương. Đồng thời, người dân phải thường xuyên nạo vét mương cho thông thoáng.

Theo quan sát của phóng viên, do việc san nền để thi công làng nghề bị dốc nên toàn bộ nước mưa và một phần nước thải làng nghề chảy tràn xuống khu vực cơ sở sản xuất ở phía tây bắc làng nghề. Hơn nữa, theo phản ánh của các chủ cơ sở sản xuất lô đất tại làng nghề rộng 8m, dài 22m chỉ đủ bố trí nhà xưởng để chẻ đá và 1 máy cưa đá, không còn diện tích để làm bãi tập kết đá nguyên liệu và sản phẩm.

“Cơ sở sản xuất cũ của gia đình tôi rộng đến 2.500m2 với 7 máy cưa đá. Tôi đã đào một cái hố rất rộng để chứa nước thải và lắng bột đá, nhưng cũng bị cơ quan chức năng phạt 1 triệu đồng vì xả thải ra môi trường.

Về sản xuất ở khu làng nghề này còn gây ô nhiễm hơn ở nhà tôi vì toàn bộ nước thải chảy thẳng vào khu dân cư. Mặt khác, do chỉ được bố trí 4 lô đất với tổng diện tích chỉ hơn 700m2 nên tôi mới chỉ đưa 4 máy cưa đá vào làng nghề sản xuất mà cũng không đủ diện tích để bố trí bãi tập kết đá nguyên liệu, sản phẩm…

Với tốc độ tiêu thụ nguyên liệu 1 xe/3 ngày, tôi rất cần bãi tập kết nguyên liệu lớn để chủ động sản xuất. Hơn nữa, cơ sở sản xuất phải có diện tích rộng chứ với quy hoạch 176m2/lô là không đủ, không thể sản xuất chật chội như vậy được”, ông Phan Đình Thành (trú thôn Phú Thượng, xã Hòa Sơn), một chủ hộ sản xuất ở làng nghề nói.

Theo Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Hòa Vang, làng đá chẻ Hòa Sơn được quy hoạch với 150 lô đất bố trí sản xuất. Qua triển khai đền bù giải tỏa, san nền giai đoạn 1 và giai đoạn 2, đến nay đã có 35 lô đất (tổng diện tích 7.238m2) tại khu sản xuất 3 đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đủ điều kiện để bố trí cho các hộ sản xuất đá chẻ.

Trên cơ sở 35 lô đất đã có hạ tầng, Phòng Kinh tế và Hạ tầng phối hợp với UBND xã Hòa Sơn thông báo, tổ chức bốc thăm, bố trí, sắp xếp, di dời 18 hộ sản xuất trong đợt 1 với 32 lô đất bố trí, còn lại 3 lô đất dự phòng làm bãi thải theo quy hoạch được duyệt (chưa được đầu tư). Bên cạnh đó, địa phương tiến hành bố trí cho 18 hộ với 31 lô đất sản xuất.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, đã nảy sinh một số tồn tại như: hệ thống xử lý nước thải được thiết kế, xây dựng giữa khu sản xuất có kích thước tương đối hẹp, các hộ dân lo tình trạng ứ đọng nước thải. Ngoài ra, hệ thống xử lý nước thải từ làng đá chẻ, chảy theo mương đất đổ ra khe làm lậu nước thải vào giếng nước gây khó khăn trong sinh hoạt của người dân.

Các hộ sản xuất đặt vị trí máy cắt ở cuối lô đất (gần hệ thống thoát nước) có lượng đá thải từ hoạt động cắt đá rất nhiều, nhưng lại không có đường để xe vào thu gom đá thải, làm chậm tiến độ sản xuất của các hộ.

Lượng đất được đơn vị thi công múc để san nền được tập kết gần khu vực sản xuất, trời mưa đất, cát chảy xuống mặt đường đóng một lớp dày, làm đi lại khó khăn, gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến các hộ sản xuất. Việc lưu thông vận chuyển đá nguyên liệu và đá thành phẩm gặp nhiều khó khăn và chưa có bãi đổ đá thải nên đá thải đổ không đúng quy định, ảnh hưởng đến mỹ quan trong khu vực làng đá chẻ…

Theo tìm hiểu, hiện nay, nhiều hộ sản xuất đá chẻ có nhu cầu được bố trí và di dời vào làng đá chẻ Hòa Sơn để hoạt động, nhưng thực tế quỹ đất bố trí tại làng nghề chưa hoàn thành hạ tầng, dự kiến đến năm 2019 mới tiếp tục bố trí các hộ khác vào làng nghề.

Ông Đặng Thương, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, huyện đã chỉ đạo UBND xã Hòa Sơn kiểm tra, đề xuất đầu tư hệ thống đường bê-tông khớp nối với đường tránh Nam Hải Vân, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nhập nguyên liệu và xuất hàng của làng đá chẻ theo hướng giao thông kiệt hẻm.

UBND huyện giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện nghiên cứu mở rộng hệ thống thoát nước thải giữa khu sản xuất để đảm bảo không ứ đọng nước thải, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất liên tục; đầu tư xây dựng hệ thống mương bê-tông dẫn nước thải ra khe, xử lý tình trạng lậu nước, ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân khu vực lân cận; đầu tư xây dựng công trình vệ sinh trong khu vực làng đá chẻ Hòa Sơn; đẩy nhanh tiến độ triển khai các giai đoạn còn lại của làng đá chẻ Hòa Sơn để tiếp tục bố trí các hộ sản xuất đá chẻ còn lại dọc tuyến đường ĐH2 vào khu sản xuất tập trung…

Huyện Hòa Vang cũng kiến nghị UBND thành phố tổ chức lấy ý kiến về các nội dung đã phê duyệt tại Quyết định số 6144/QĐ-UBND ngày 31-10-2017 của UBND thành phố có phù hợp với thực tế hoạt động sản xuất làng đá chẻ hay không vì giai đoạn 1 và giai đoạn 2 đã không phù hợp, theo như ý kiến của các hộ
sản xuất.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.
.