Lắng nghe doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển

.

Sau Tọa đàm mùa Xuân diễn ra vào đầu tháng 3-2018, ngày 25-7, Thường trực Thành ủy tiếp tục tổ chức chương trình gặp mặt các hội, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn với mục đích lắng nghe những ý kiến góp ý, hiến kế trong việc lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, nâng cao năng lực quản lý, cải thiện môi trường đầu tư của thành phố.

Đồng thời, đây là dịp để lãnh đạo thành phố công khai giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và thuận lợi.

Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp 6 tháng đầu năm có nhiều khởi sắc. (Ảnh mang tính minh họa. Ảnh chụp tại Công ty CP Cao su Đà Nẵng). Ảnh: KHÁNH HÒA
Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp 6 tháng đầu năm có nhiều khởi sắc. (Ảnh mang tính minh họa. Ảnh chụp tại Công ty CP Cao su Đà Nẵng). Ảnh: KHÁNH HÒA

Xử lý và trả lời kịp thời kiến nghị của doanh nghiệp

Từ đầu năm đến nay, lãnh đạo thành phố đã tổ chức nhiều chương trình tiếp xúc, làm việc và đối thoại với các doanh nghiệp (DN), hiệp hội, hội DN trên địa bàn thành phố về các vướng mắc liên quan. Hàng chục nhóm vấn đề đã được tập hợp, rà soát và giao về cho từng đơn vị chức năng quản lý trả lời cụ thể đến từng DN, hiệp hội.

Mới đây, ngày 19-6, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh có buổi làm việc với đại diện các sở, ngành để nắm bắt, đốc thúc về tiến độ, nội dung trả lời hoàn chỉnh cho các DN trên mọi lĩnh vực. Trước, trong và sau Tọa đàm mùa xuân các sở, ban, ngành thành phố đã tập hợp hơn 134 nội dung liên quan đến các vướng mắc cũng như hiến kế của cộng đồng DN.

Trong đó, tập trung ở 9 nhóm vấn đề, gồm: quy hoạch, cơ sở hạ tầng; du lịch; giao thông vận tải; môi trường; xúc  tiến đầu tư; nhân lực, giáo dục và y tế; hỗ trợ DN; điều hành và cải cách thủ tục hành chính. Theo tìm hiểu của chúng tôi, những vấn đề nêu trên về cơ bản đã được các sở, ngành liên quan giải đáp khá cặn kẽ đến các đơn vị, DN.

Chẳng hạn, đối với yêu cầu bảo đảm nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất của ông Takeuchi Takeshi, Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Việt Hoa, Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất (KCN&CX) cho biết, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng đã lắp đặt thêm tuyến ống để tăng cường áp lực nước, triển khai xây dựng trạm bơm tăng áp và bể chứa nước với quy mô 4.400m3; triển khai thi công hệ thống cấp nước Nhà máy nước Hòa Liên, có một số tuyến lắp đặt vào trong KCN Hòa Khánh và Hòa Khánh mở rộng.

Trả lời kiến nghị của các DN Nhật Bản liên quan đến việc xem xét cho thuê các khu đất nhỏ hơn quy định trong các khu công nghiệp (KCN) từ 3.000m2 nhằm phù hợp với nhu cầu, kinh phí của các DN nhỏ và vừa của Nhật Bản, Ban quản lý các KCN&CX nêu rõ, đối với quỹ đất còn lại tại các KCN, thành phố có chủ trương kêu gọi đầu tư các dự án có quy mô lớn, không có các lô đất nhỏ hơn 3.000m2.

Phản hồi ý kiến của Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam – Chi nhánh miền Trung về giải pháp rút ngắn quy trình chuẩn bị đầu tư, đến nay, UBND thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành cắt giảm nhiều thủ tục liên quan, rút ngắn khoảng 20% thời gian xử lý so với quy định trước đây.

Về đầu tư xây dựng hạ tầng các khu Công viên phần mềm theo ý kiến của Hiệp hội DN phần mềm Đà Nẵng, Sở Thông tin và Truyền thông cho hay, đối với khu Công viên phần mềm số 2 tại phường Thanh Bình (quận Hải Châu), hiện các sở, ngành đang thực hiện đề xuất điều kiện, tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư cho dự án; đồng thời điều chỉnh lại phương án.

Đối với việc mở rộng Công viên phần mềm Đà Nẵng tại số 2 Quang Trung, hiện Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn chuẩn bị đầu tư mở rộng khu nhà phía sau tòa nhà 15 Quang Trung với diện tích 2.160m2.

Liên quan kiến nghị của Hiệp hội Du lịch thành phố về chi phí tham gia đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, điều hành tại Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao theo đề án “Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực tư đến năm 2020”, Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho biết, mức học phí hiện áp dụng được tính căn cứ trên các chi phí cho toàn bộ khóa học, trong đó có mức chi phí giảng dạy tương ứng với chất lượng giảng viên.

Bên cạnh đó, do các khóa đều đã được ngân sách thành phố hỗ trợ từ 50-70% học phí nên mức học phí thực nộp của DN ở mức hợp lý. Hiệp hội Du lịch cần có văn bản đăng ký cụ thể về nhu cầu đào tạo để Trung tâm tham mưu thành phố ưu tiên triển khai các khóa đào tạo phù hợp với nhu cầu của DN thuộc lĩnh vực du lịch trong các năm tiếp theo.

Trước đề xuất của ông Jose Barosso, Phó Lãnh sự danh dự Tây Ban Nha tại Đà Nẵng về nâng cao năng lực và hình thành cảnh sát du lịch, thành phố đã thành lập Tổ phản ứng nhanh du lịch nhằm bảo đảm an toàn, an ninh trật tự trên địa bàn.

Trong 6 tháng đầu năm, tổ này đã tiếp nhận và xử lý hơn 50 cuộc gọi đến số máy 0919.247.009. Trung tâm Hỗ trợ du khách cũng phục vụ hơn 50.000 lượt và hơn 2.700 cuộc gọi, kịp thời cung cấp thông tin và hỗ trợ du khách.

Ngoài việc cung cấp các thông tin, chủ trương, chính sách, pháp luật Nhà nước kịp thời đến DN, thành phố đã hỗ trợ nhiều nội dung quan trọng như: đổi mới công nghệ, ưu đãi đầu tư vào Khu công nghệ cao, Khu CNTT tập trung, xuất khẩu phần mềm, xây dựng đề án hỗ trợ lãi suất cho DN, nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho hộ kinh doanh đăng ký chuyển đổi thành DN, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, cải cách hành chính, thủ tục thuế, hải quan...

Công tác hỗ trợ pháp lý cho DN được triển khai tích cực. Cụ thể, UBND thành phố đã có chỉ thị về việc triển khai thực hiện Nghị định 66/CP-NĐ của Chính phủ và chương trình của Chủ tịch UBND thành phố về hỗ trợ pháp lý cho DN trên địa bàn.

Theo bà Võ Thị Như Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp, lâu nay, đối với nhiều DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, việc bố trí nhân sự chuyên trách hoặc sử dụng dịch vụ về hỗ trợ pháp lý chuyên nghiệp còn ít, do đó, rất cần sự hỗ trợ từ phía các cơ quan chuyên môn của Nhà nước.

Thời gian qua, sở đã xây dựng và triển khai đề tài nghiên cứu cơ chế hỗ trợ tư pháp cho DN. Bên cạnh đó, sở đã xây dựng và phát hành 2.000 cuốn cẩm nang tập hợp các chính sách đầu tư, kinh doanh của thành phố để cung cấp miễn phí cho DN.

Lãnh đạo thành phố luôn lắng nghe doanh nghiệp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.  Trong ảnh: Chế biến cá xuất khẩu ở Công ty CP Thủy sản Thương mại Thuận Phước. Ảnh: THÀNH LÂN
Lãnh đạo thành phố luôn lắng nghe doanh nghiệp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Trong ảnh: Chế biến cá xuất khẩu ở Công ty CP Thủy sản Thương mại Thuận Phước. Ảnh: THÀNH LÂN

Tiếp thu những hiến kế đóng góp cho thành phố

Ghi nhận đề xuất của ông Lê Minh Phúc, Giám đốc Công ty TNHH Biển VinaCapital cần tối đa hóa việc sử dụng các công năng của sân bay quốc tế Đà Nẵng, cảng Đà Nẵng, Sở Giao thông vận tải cho biết, trong thời gian tới sẽ tham mưu cho UBND thành phố làm việc với Bộ Giao thông vận tải về vấn đề này.

Đối với đề xuất cần tăng cường đèn giao thông cho các tuyến đường ven biển, UBND thành phố đang xem xét lắp đặt thêm 3 nút đèn tín hiệu và 10 cụm đèn nhấp nháy tại các tuyến ven biển.

Trước góp ý của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng về việc cần rà soát và hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) để tạo động lực, kiến tạo tương lai phát triển Đà Nẵng, thành phố ghi nhận và lưu ý trong quá trình triển khai sẽ rà soát, điều chỉnh quy hoạch KT-XH, quy hoạch ngành, quy hoạch sử dụng đất...

Xem xét hiến kế của ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng cần xây dựng Công viên Đại Dương để phát triển du lịch tại vị trí nam Sơn Trà, nhưng không được lợi dụng để chiếm quỹ đất xây biệt thự, UBND thành phố khẳng định: Đây là dự án phát triển loại hình dịch vụ du lịch, thương mại nhằm phát triển KT-XH.

Do đó, dự án này sẽ không xây biệt thự, nhà ở, nhà phố để bán mà thành phố sẽ quản lý nghiêm trong việc đầu tư xây dựng, hoạt động khai thác. Đánh giá cao ý kiến của Hội DN quận Hải Châu trong phối hợp triển khai nhân rộng Dự án xã hội hóa Nhà vệ sinh cộng đồng “Thoải mái như ở nhà”, Sở Du lịch bày tỏ tinh thần sẽ tiếp tục hỗ trợ nhân rộng mô hình 1.000 nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn trong năm 2018.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không ít nhà đầu tư nước ngoài thể hiện sự quan tâm về môi trường đầu tư tại Đà Nẵng hiện nay. Đơn cử, các DN Nhật Bản muốn tìm hiểu định hướng thu hút đầu tư của thành phố, Ban Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng đã gợi ý một số ngành nghề, lĩnh vực mà các nhà đầu tư Nhật Bản có thể tập trung như: du lịch - y tế, đào tạo y khoa, sản xuất thiết bị y tế, công nghệ y sinh, logistics, tài chính…

DUYÊN ANH – KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.
.