Chị Nguyễn Vân Anh – nữ doanh nhân trẻ sinh năm 1993, Giám đốc Công ty TNHH Homecares (chuyên về chăm sóc sức khỏe ở Đà Nẵng) từng “than” rằng, việc tuyển người chẳng dễ chút nào khi sinh viên mới ra trường có năng lực đã bị các công ty lớn “hốt” hết; còn doanh nghiệp khởi nghiệp năng lực tài chính hạn hẹp nên không lấy lương bổng ra để “dụ dỗ” được ai.
Dù có thể không đưa ra được mức lương cao, các doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn có thể tìm người giỏi bằng môi trường làm việc năng động, nhiều cơ hội học hỏi. TRONG ẢNH: Gian hàng của một dự án khởi nghiệp tại Hội nghị và Triển lãm khởi nghiệp SURF 2018. Ảnh: PHONG LAN |
Lời than thở ấy được thốt lên cách đây 2 năm đã phản ánh đúng với thực tế khi thời điểm đó, ở thành phố Đà Nẵng, khái niệm “khởi nghiệp” chưa được biết đến nhiều như bây giờ. Và không mấy bạn trẻ nghĩ đến việc từ chối lời mời của một công ty lớn với chế độ lương bổng, phúc lợi hấp dẫn, để “đâm đầu” vào những dự án chưa có tên tuổi, không biết tương lai sẽ đi về đâu.
Theo chị Vân Anh, 2 năm là khoảng thời gian đủ để chị tìm được lời giải cho bài toán khó của mình. Khi tham dự những sự kiện chuyên ngành, chị có cơ hội gặp những người phù hợp để tham gia vào dự án mà mình đang điều hành.
Song rất khó để đưa những người này về ngay với công ty, mà phải tìm cách tạo và nuôi dưỡng mối quan hệ với họ suốt nhiều tháng. Chỉ khi nào họ thật sự cảm thấy dự án khởi nghiệp ấy có tiềm năng, phù hợp với họ, lúc ấy mới là thời điểm hai bên “về chung một nhà”.
Sau giai đoạn tìm người là giai đoạn giữ chân người. Bí quyết của doanh nhân trẻ Vân Anh là luôn tạo ra một môi trường cởi mở, nơi mọi người trong nhóm dự án đều có thể đưa ra ý tưởng, thảo luận, nhận nhiệm vụ và chịu trách nhiệm.
“Có những lúc tranh cãi quyết liệt, thậm chí họp từ chiều mà đến tận tối mịt, mọi người vẫn chưa thống nhất được với nhau. Song mình định hướng để mọi tranh cãi đều chỉ xoay quanh vấn đề đặt ra và phải mang tính xây dựng, không có công kích cá nhân. Chính vì vậy, dù cãi nhau thì… vẫn cãi nhau, nhưng anh chị em trong dự án vẫn rất thân tình, như người một nhà”, chị Vân Anh nói .
Trước khi sáng lập dự án mỹ phẩm sạch Arya Tara (Công ty TNHH Công nghệ và Môi trường Vành Đai Xanh), chị Đỗ Lê Kim Huệ từng “lăn lộn” với vị trí nhân viên trong một doanh nghiệp khởi nghiệp về giáo dục tại Hà Nội. Quãng thời gian ấy, chị học được nhiều điều về thuật giữ chân nhân sự, dù công ty… không có nhiều tiền.
Các dự án khởi nghiệp thu hút người giỏi bằng môi trường làm việc cởi mở, tạo điều kiện cho các thành viên học hỏi và phát triển. Trong ảnh: Các nhóm khởi nghiệp làm việc tại Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng. |
Chị Huệ chia sẻ: “Mô hình startup trong những năm đầu thường nhỏ nên giám đốc có thể trao rất nhiều quyền cho nhân viên, để nhân viên tự suy nghĩ, tự làm, tự học. Một số sinh viên giỏi, tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học ở Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đã đầu quân vào bộ phận nghiên cứu - phát triển của Arya Tara.
Mình bảo các em cứ làm đi, cứ suy nghĩ cho thấu đáo rồi làm, nếu thất bại thì mình trưởng thành cùng nhau. Nhiều em đi làm vì mong muốn có cơ hội học hỏi, chứ không phải ai cũng đòi lương cao, thưởng tốt”.
Các doanh nghiệp khởi nghiệp thu hút người giỏi bằng chính văn hóa làm việc “trao quyền làm, trao quyền học”, cùng tâm huyết và tầm nhìn của những người đứng đầu. Nhưng để giải quyết vấn đề tiền bạc, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp cam kết với nhân viên rằng nếu đạt được các kết quả tốt thì ngoài mức lương hằng tháng, họ sẽ được hưởng thêm cổ phần của dự án.
Tất cả những điều khoản này đều được quy định chặt chẽ trong hợp đồng lao động, vì thế bảo đảm giữ chân người tài cho những ngày đầu gian nan khởi nghiệp.
Bài và ảnh: PHONG LAN