Sinh ra và lớn lên trên đất Quảng, vậy mà cách đây mấy tháng, tôi mới được thưởng thức món phở sắn lần đầu tiên trong đời. Món phở do vợ chồng anh Dương Ngọc Ảnh (quê huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) chiêu đãi.
Củ sắn cạo vỏ, rửa sạch, xay bột, ngâm lọc, đánh bột thật nhuyễn, kéo thành sợi hình mắt lưới rồi mới đem phơi. Hôm đó, anh chiên phồng sợi phở cho giòn tan, rồi chan lên trên thứ nước nhưn có tôm, thịt, sền sệt tương tự như nước mỳ Quảng. Đưa một gắp phở vào miệng, nghe cái sần sật của sợi sắn, cái đậm đà của nước nhưn, cái ngòn ngọt của rau sống hòa quyện, khiến người ta không thể… không có gắp thứ hai.
Tại Hội nghị và Triển lãm Khởi nghiệp - SURF 2018, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao bất ngờ nhắc tới món phở sắn. Là người miền Nam “đặc”, nên bà bảo: “Tôi mới ăn món phở sắn được 3 lần, lần đầu tiên là trong cuộc thi “Chiếc thìa vàng” do Công ty TNHH Minh Long I tổ chức hồi năm 2016.
Ngay từ lúc đó, tôi đã thích món này vì cảm giác dai dai cùng vị bột rất dễ chịu. Hai lần ăn sau đó tôi vẫn thấy ngon. Vậy mà giờ ở trong TP. Hồ Chí Minh, đi ra mấy khu bán đồ ăn miền Trung như: chợ Bà Hoa, khu Bảy Hiền tìm hoài không thấy. Muốn ăn lắm mà cũng chịu”.
Với nỗi lòng của một người luôn tâm huyết với nông sản Việt, bà Hạnh không khỏi trăn trở: tại sao một món đặc sản ngon như vậy, nguyên liệu cũng rất dễ tìm mà vẫn không thể bước chân ra khỏi “luỹ tre làng”, dẫu từng được tôn vinh trong một cuộc thi dành cho đầu bếp chuyên nghiệp quy mô toàn quốc?
Trăn trở ấy cũng chính là nỗi lòng của anh Dương Ngọc Ảnh. Phở sắn gắn bó với anh từ khi còn là cậu học sinh cấp I ở Quế Sơn. Hồi đó, mỗi sáng sớm trước khi đến lớp, anh thường phụ cha mẹ kéo phở cho kịp phơi khi trời nắng.
“Nghề làm phở sắn công phu, giá bán lại rất thấp, toàn lấy công làm lời. Cha mẹ tôi chắt bóp từ nghề này mới đưa được tôi vào giảng đường đại học. Nhưng thực sự, vì quá vất vả nên bây giờ ít có người trẻ nào ở quê còn kế tục làm nghề”, anh Ảnh tâm sự.
Sau khi ra trường, anh Ảnh lập công ty riêng ở TP. Hồ Chí Minh, chuyên gia công phần mềm quản lý cho doanh nghiệp của Đức. Tưởng như nghề làm phở sắn của tuổi thơ đã chấm dứt, vậy mà 11 năm sau, anh quyết định bỏ tất cả công việc để khởi nghiệp với chính cái nghề cha truyền con nối của quê hương.
Dự án Phở sắn Caromi ra đời với phương châm “Back to the roots” (tạm dịch: “Trở về cội nguồn”, từ “root” trong tiếng Anh cũng có nghĩa là rễ, củ). Anh nói, có điều gì đó thôi thúc anh duy trì và phát triển làng nghề. Cây sắn ở Việt Nam được trồng rất nhiều, thời gian trồng lâu và hút được nhiều chất dinh dưỡng của đất. Củ sắn giàu khoáng, không gây tăng cân, hỗ trợ giảm cholesterol, đường máu…
“Phở sắn xứng đáng có một vị thế khác, chứ không chỉ quanh quẩn ở Quế Sơn. Tôi và vợ muốn đưa món ăn này ra thế giới,” anh Ảnh bày tỏ.
Dự án của vợ chồng anh Ảnh tới nay vẫn chưa “thôi nôi”, chặng đường “quảy gánh băng đồng ra thế giới” của cây sắn vẫn còn rất nhiều thách thức. Thực tế cho thấy, trên cả nước đã có nhiều dự án khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo dựa trên nông sản địa phương, nhưng chưa cái tên nào gây được tiếng vang trên thị trường ngoài nước. Vì vậy, nhiều lời khuyên là cần xem kỹ con đường dự án đã đi để rút ra kinh nghiệm, tránh mắc vào những lỗi mà người đi trước đã gặp, phí hoài công sức, tiền của…
Cũng tại sự kiện SURF 2018, bà Nguyễn Phi Vân, chuyên gia về nhượng quyền thương hiệu đã chia sẻ kinh nghiệm đúc rút của chính mình để giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp phát huy nguồn vốn bản địa. Có lẽ, món phở sắn được trưng bày hôm đó gây được ấn tượng với bà nên một lần nữa, phở sắn lại trở thành “nhân vật chính” trong bài nói chuyện của diễn giả. Bà gợi ý nâng sản phẩm này lên thành trải nghiệm cho người dùng - bởi đây chính là xu hướng của khởi nghiệp trong thời đại mới.
“Đừng chỉ dừng lại ở một dự án bán sợi phở sắn. Có thể tạo ra một tour cho khách hàng trải nghiệm quá trình sản phẩm được tạo ra. Đồng thời, kể cho họ nghe một câu chuyện đằng sau những sợi phở”, bà Vân nói.
Phở sắn Caromi là món khá “hời” khi được nhiều doanh nhân, chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp. Bà Vũ Kim Hạnh nhắn nhủ: “Muốn phát huy thế mạnh địa phương, trước hết phải hiểu được mình, rồi mới kết nối với các nguồn lực khác.
Hiểu mình, nghĩa là hiểu về địa phương, về nhân lực – kể cả những bất cập, trói buộc. Hiểu mình cũng có nghĩa là hiểu về xu hướng tiêu dùng – bán cái họ cần, chứ không chỉ bán cái mình có. Hiểu mình cũng có nghĩa là nắm chắc những điều kiện cần và đủ để hội nhập. Làm nông cũng như làm bao ngành nghề khác, muốn “quảy gánh băng đồng ra thế giới” thì trong gánh phải có đủ tư trang, có tầm nhìn, vừa đi vừa học. Vậy thì làm nông, khởi nghiệp được chứ”?.
PHONG LAN