Trước đây, một diện tích lớn nhà, đất công sản được thành phố Đà Nẵng cho doanh nghiệp (DN) thuê để phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến nay, nhiều hợp đồng thuê nhà, đất hết thời gian cho thuê và cần thu hồi để đầu tư phát triển hạ tầng, phục vụ cộng đồng; thế nhưng, khi thu hồi lại nảy sinh nhiều vướng mắc, DN thuê đất cứ dây dưa, chậm bàn giao mặt bằng. Vụ việc kéo dài cả năm nên việc triển khai các dự án gặp nhiều khó khăn.
Khu nhà, đất số 15 Lê Hồng Phong dù có chủ trương thu hồi đất, nhưng Công ty Vicem liên tục trì hoãn bàn giao mặt bằng. Ảnh: CẨM KIM |
Dự án Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện Đà Nẵng) ở khu đất 138 đường Hải Phòng liên tục bị trễ tiến độ, ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh, phục vụ lợi ích cộng đồng. Nguyên nhân là đơn vị thuê nhà, đất công sản là Công ty CP Vinafor Đà Nẵng (tiền thân là Công ty Sản xuất và xuất nhập khẩu lâm sản Đà Nẵng) trì hoãn bàn giao mặt bằng.
Việc chậm trễ là do Công ty CP Vinafor đòi hỏi thêm quyền lợi khi đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng cho hoán đổi diện tích đất 138 Hải Phòng (khoảng 1.594m2) bị thu hồi để được sử dụng khu đất A12 đường Võ Văn Kiệt với tổng diện tích 7.633m2 không thông qua đấu giá.
Đây là đòi hỏi phi lý, do đó, UBND thành phố khẳng định không có căn cứ và theo Luật Đất đai, giao đất không thông qua đấu giá rõ ràng không thuộc thẩm quyền của UBND thành phố Đà Nẵng.
Gần một năm sau, ngày 3-4-2018, UBND thành phố ban hành văn bản số 2291/UBND-QLĐTh giao UBND quận Hải Châu thực hiện cưỡng chế thu hồi đất vì Công ty CP Vinafor không chấp hành việc bàn giao mặt bằng khu nhà, đất tại số 138 Hải Phòng. Khi kiên quyết xử lý thì DN mới bàn giao mặt bằng, dự án tiếp tục triển khai thi công.
Mới đây, một DN khác thuê nhiều nhà, đất công sản ở trung tâm thành phố là Công ty Xi-măng - Vật liệu xây dựng (VLXD)- Xây lắp Đà Nẵng (nay là Công ty CP Vicem VLXD Đà Nẵng - gọi tắt là Công ty Vicem) cũng dây dưa bàn giao mặt bằng.
Công ty Vicem hiện có 2 khu nhà, đất mà UBND thành phố cần thu hồi để đầu tư các công trình hạ tầng phục vụ đô thị gồm: dự án bãi đỗ xe tại số 255 Phan Châu Trinh và 15 Lê Hồng Phong để đầu tư xây dựng mới trụ sở Đảng ủy, HĐND và UBND phường Phước Ninh. Các khu nhà, đất này đã hết hạn thuê trên hợp đồng ở thời điểm ngày 31-12-2017.
Khu nhà đất số 255 Phan Châu Trinh dù có chủ trương thu hồi đất, nhưng Công ty Vicem liên tục trì hoãn bàn giao mặt bằng. |
Mặc dù đã có chủ trương thu hồi đất cả năm qua, nhưng DN thuê đất vẫn chưa bàn giao mặt bằng. Theo Hợp đồng thuê đất số 187/HĐ/TĐ ngày 22-3-2004 của Công ty Vicem với Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng, khu đất số 255 Phan Châu Trinh và khu đất số 15 Lê Hồng Phong có thời hạn thuê đất là 15 năm - đến ngày 31-12-2017.
Ngày 21-11-2017, UBND thành phố có công văn thông báo thời hạn thuê đất, đồng thời, yêu cầu Công ty Vicem có kế hoạch bàn giao mặt bằng khu đất số 255 Phan Châu Trinh và 15 Lê Hồng Phong khi hết thời hạn.
Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, UBND quận Hải Châu phối hợp với các sở, ngành liên quan, thực hiện các thủ tục thành lập hội đồng bồi thường thiệt hại, hỗ trợ đối với dự án bãi đỗ xe số 255 Phan Châu Trinh và khu nhà đất số 15 Lê Hồng Phong.
Tại buổi làm việc ngày 6-2-2018, việc xác định tài sản trên đất cần đền bù, giải tỏa tại khu đất 255 Phan Châu Trinh và 15 Lê Hồng Phong được thực hiện. Công ty Vicem thống nhất với chủ trương của UBND thành phố về việc thu hồi nhà đất và đề nghị sau Tết Mậu Tuất 2018 sẽ bàn giao mặt bằng.
Tuy nhiên, đến giữa tháng 6-2018, Công ty Vicem vẫn chưa chấp hành việc bàn giao mặt bằng dù đã hết thời hạn thuê đất 6 tháng. Mặt khác, tại khu đất này, DN duy trì các hoạt động của công ty và cho thuê lại mặt bằng đối với các tổ chức, cá nhân như: Trung tâm mua bán xe máy Lai Motor, xưởng in Nhật Thiện, bãi giữ ô-tô...
Để hối thúc Công ty Vicem thực hiện bàn giao mặt bằng, ngày 1-6-2018, Chủ tịch UBND quận Hải Châu yêu cầu Công ty Vicem kiểm tra, sớm ký xác nhận biên bản kiểm kê khối lượng tài sản, nhà cửa, vật kiến trúc có trên đất, chấm dứt các hoạt động kinh doanh tại khu đất số 255 Phan Châu Trinh và bàn giao mặt bằng khu đất này trước ngày 15-6.
Tuy nhiên, đến ngày 12-6, Công ty Vicem lại có công văn gửi UBND quận Hải Châu xin kéo dài thời gian bàn giao đến đầu tháng 7-2018 để có thời gian di dời các công cụ, thiết bị làm việc và tài sản. Tuy nhiên, đến thời hạn trên, Công ty Vicem vẫn không bàn giao mặt bằng.
Một lần nữa, UBND quận Hải Châu phải yêu cầu bàn giao để có mặt bằng triển khai các dự án theo chỉ đạo của UBND thành phố. Mặc dù vậy, Công ty Vicem vẫn không thực hiện nên UBND quận Hải Châu đề xuất chủ trương cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất.
Ngày 9-7, Công ty Vicem tiếp tục có công văn gửi UBND quận Hải Châu sớm áp giá bồi thường và hỗ trợ di dời, giải tỏa. Sau khi thống nhất áp giá bồi thường và hỗ trợ di dời, công ty cam kết bàn giao mặt bằng đúng thời hạn.
Trước kiến nghị này của Công ty Vicem, ngày 10-7, Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất số 1 (Trung tâm Phát triển quỹ đất) có thông báo đến Công ty Vicem và khẳng định trường hợp thuê đất của công ty không được bồi thường căn cứ theo “điểm d, khoản 1, Điều 65 và khoản 3, Điều 82 Luật Đất đai 2013”; đồng thời, cũng không bồi thường tài sản gắn liền với đất theo quy định tại “khoản 1, Điều 92 Luật Đất đai 2013”.
Về đề xuất giải quyết tài sản gắn liền trên đất của Công ty Vicem, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị UBND thành phố không thực hiện việc bồi thường về đất và tài sản gắn liền đất của Công ty Vicem đã thuê, do không phù hợp với quy định của pháp luật.
Ngày 19-7-2018, UBND quận Hải Châu tiếp tục tổ chức buổi làm việc, đối thoại với DN. Theo đó, yêu cầu Công ty Vicem chấp hành việc bàn giao mặt bằng trước ngày 31-7-2018. Song đến nay, DN liên tục hứa hẹn, cam kết để rồi dây dưa trong việc thực hiện bàn giao mặt bằng.
Thiết nghĩ, việc giải quyết thu hồi đất đối với DN đã hết thời hạn thuê đất cần thực hiện kiên quyết và nhất quán để tránh trường hợp khi cho thuê thì dễ dãi, lúc thu hồi đất thì vòng vo, chậm trễ, ảnh hưởng đến tiến độ các dự án dân sinh, công cộng của thành phố.
Bài và ảnh: CẨM KIM