Các tài xế xe du lịch phàn nàn về giá thu phí đậu, đỗ xe tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm và đại diện của điểm tham quan này cũng cho rằng việc thu phí khiến nguồn khách sụt giảm.
Việc thu phí đậu, đỗ xe tại khu vực Bảo tàng Điêu khắc Chăm đang có nhiều bất cập.Ảnh: KHÁNH HÒA |
Qua tìm hiểu của chúng tôi, thời gian qua, nhiều tài xế xe du lịch (chủ yếu trên địa bàn thành phố) bày tỏ bức xúc trước việc mỗi lần chở khách đến tham quan tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm phải đóng tiền đậu, đỗ xe với mức giá quy định: ô-tô từ 16 chỗ ngồi trở xuống phải nộp 20.000 đồng/chiếc/lượt; từ 16 chỗ trở lên 30.000 đồng/chiếc/lượt và nếu gửi cả ngày và đêm là 40.000 đồng/chiếc/lượt và 90.000 đồng/chiếc/lượt.
Để không phải tốn tiền mua vé, giới tài xế “lách” bằng cách sau khi chở khách đến Bảo tàng Điêu khắc Chăm sẽ quay xe chạy về đậu ở đường Bạch Đằng nối dài, đoạn gần Công viên APEC. Anh N.H.T (lái xe thuộc Công ty TNHH K.L) phản ánh: “Mức thu này khá cao, trong khi chúng tôi không được công ty thanh toán mà phải tự bỏ tiền túi.
Sau lần đầu tiên đóng tiền, những lần khác chở khách đến điểm tham quan này, tôi chuyển sang đỗ xe ở khu vực gần Công viên APEC. Sau khi đoàn tham quan xong, hướng dẫn viên sẽ gọi điện thoại qua đón đoàn, nhưng cũng có khi họ tự di chuyển qua đây”.
Trong khi đó, theo anh N.H.C (lái xe thuộc Công ty TNHH Du lịch O), vì không muốn đóng phí nên nhiều anh em lái xe chấp nhận để khách đi bộ từ khu vực Bảo tàng Điêu khắc Chăm sang Công viên APEC, thay vì đưa đón ngay tại cổng vào bảo tàng như trước đây. “Khi chúng tôi làm vậy thì khách lại phàn nàn lên công ty.
Nhưng chính công ty cũng không muốn gánh thêm một khoản tiền từ việc mua vé như thế này nên tôi được biết, một số đơn vị lữ hành đã bỏ điểm tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm ra khỏi hành trình”, anh C. cho hay.
Không chỉ các xe du lịch dẫn đoàn khách lớn, mà tài xế ô-tô từ 4-7 chỗ ngồi làm dịch vụ cũng tìm cách “né” việc nộp tiền khi đưa khách tới Bảo tàng Điêu khắc Chăm.
“Tôi chở khách tới rồi cũng chạy đi chỗ khác đỗ xe, chứ một ngày chở vài đoàn khách du lịch tới đây mà trả tiền cũng mất cả trăm ngàn đồng chứ không ít. Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc thu tiền phải đi đôi với sắp xếp chỗ đậu đỗ xe, bảo đảm thời gian khi khách vào tham quan tại bảo tàng”, một tài xế nói.
Còn chị N.T.H.A (trú quận Liên Chiểu) bày tỏ: “Tôi không phải khách du lịch đến tham quan, tôi chỉ tới Bảo tàng Điêu khắc Chăm có chút việc, thế mà cũng phải nộp tiền cho nhân viên với giá 20.000 đồng/chiếc ô-tô 4 chỗ ngồi. Cảm giác thấy không thoải mái lắm”.
Về phía đơn vị quản lý điểm tham quan, ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm cho biết, 8 tháng đầu năm nay, có khoảng 22.000 lượt khách đến tham quan bảo tàng. Mặc dù bảo tàng được đầu tư mở rộng diện tích trưng bày cổ vật, nhưng lượng khách không tăng so với cùng kỳ năm 2017; trong khi khách du lịch đến Đà Nẵng tăng mạnh.
Bên cạnh các nguyên nhân về đặc thù dòng khách (Bảo tàng Điêu khắc Chăm chủ yếu hút khách châu Âu với thời gian cao điểm từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau), việc tăng giá vé từ 40.000 đồng/người lên 60.000 đồng/người, cộng với việc triển khai thu tiền xe du lịch khi đưa khách đến cũng là một yếu tố gây ảnh hưởng.
“Qua quan sát của chúng tôi, các đơn vị lữ hành đang ngại đưa khách đến Bảo tàng Điêu khắc Chăm vì phải bù thêm tiền mua vé đậu đỗ. Một công ty với hàng chục xe chở khách như vậy thì chi phí rất lớn. Hơn nữa, những công ty không thanh toán tiền vé cho lái xe thì họ “lách” bằng cách chạy sang phía Công viên APEC để đỗ xe”, ông Tuấn thừa nhận.
Ông Nguyễn Hoàng Ninh, Giám đốc Chi nhánh Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thái Lâm tại Đà Nẵng cho biết, công ty nhận thầu việc triển khai thu tiền đậu, đỗ xe này theo chủ trương của UBND thành phố từ đầu năm, gồm các địa điểm: dãy nhà hàng tiệc cưới đường 2 Tháng 9 (quận Hải Châu), dãy nhà hàng trên đường Võ Nguyên Giáp (đoạn từ nhà hàng Mỹ Hạnh đến nhà hàng Phước Mỹ, quận Sơn Trà), khu vực trước Bảo tàng Điêu khắc Chăm (quận Hải Châu).
Trong khi hai địa điểm khác đã cơ bản đi vào quy củ thì tại khu vực Bảo tàng Điêu khắc Chăm vẫn còn khó khăn trong việc thu tiền đậu, đỗ xe do chưa nhận được sự hợp tác tích cực từ các lái xe. Hiện công ty bố trí tại đây một nhân viên chuyên thu tiền đậu, đỗ xe hằng ngày.
“Thời gian đầu, họ phản ứng gay gắt lắm, thậm chí suýt xảy ra xô xát với nhân viên của chúng tôi túc trực tại đây mà đến nay, mọi việc vẫn chưa đâu vào đâu”, ông Ninh cho hay.
Ông Hồ Tấn Tuấn cho rằng thành phố nên xem xét lại việc có nên thu phí tại địa điểm này hay không, nếu thu thì cần có biện pháp tuyên truyền hợp lý để bảo đảm nguồn khách cho bảo tàng cũng như đơn vị thực hiện thu phí thuận lợi hơn trong việc triển khai.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Ninh lại cho rằng các cơ quan chức năng liên quan cần tuyên truyền, vận động các đơn vị kinh doanh lữ hành, du lịch hợp tác cùng thực hiện chủ trương chung của thành phố.
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA