Những vườn rau an toàn của phụ nữ

.

Bằng cách liên kết hình thành những vườn rau an toàn, phụ nữ huyện Hòa Vang vừa tự cung cấp rau quả cho chính gia đình mình, vừa góp phần nâng cao thu nhập từ nguồn rau bán ra thị trường.
 

Chị Lê Thị Hải (trái), thôn Phước Hưng Nam, xã Hòa Nhơn đang cắt mướp bán cho người dân trong thôn.
Chị Lê Thị Hải (trái), thôn Phước Hưng Nam, xã Hòa Nhơn đang cắt mướp bán cho người dân trong thôn.

Dưới những hàng khổ qua, bầu, bí xanh mướt, chị Lê Thị Hải (hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Phước Hưng Nam, xã Hòa Nhơn) thoăn thoắt cắt trái bán cho khách hàng đến mua tận vườn. Chị Hải nói: “Vào vụ, ngày nào cũng có rau quả bán, sáng mang ra chợ, chiều người dân đi làm về tiện ghé vào mua. Mỗi ngày bán được vài trăm ngàn đồng, thu nhập khá ổn định”.

Ngoài thôn Phước Hưng Nam, thôn Ninh An (xã Hòa Nhơn) cũng là vùng rau sạch được quy hoạch và thu hút 16 hộ trồng, giải quyết việc làm cho khoảng 26 lao động, trong đó có 20 phụ nữ. Sản phẩm của chị em chủ yếu được thương lái đến mua tận nhà hoặc bán tại các chợ. Chị Đinh Thị Nghĩa (Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn Ninh An) cho biết: “Trước đây, các hộ canh tác nhỏ lẻ, manh mún, mạnh ai nấy làm, từ khi hình thành vùng rau an toàn, các hộ đã cùng sản xuất và phát triển. Ngoài cung cấp rau cho gia đình, mỗi hộ trồng rau cũng kiếm thêm khoảng 3,5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, chị em còn trồng đậu, mè, bắp”.

Tại thôn Bồ Bản (xã Hòa Phong), dẫn chúng tôi xuống những luống rau muống, mồng tơi, rau khoai, dền đỏ, rau thơm... đang vào vụ, chị Nguyễn Thị Bích, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn Bồ Bản 1, nói: “Chiều nào cũng vậy, cánh đồng rau luôn rộn rã tiếng nói cười của chị em, người tưới nước, người nhổ cỏ, bắt sâu... Ai ai cũng làm việc hăng say, vui vẻ, chuẩn bị cho phiên chợ sáng hôm sau”.

Không chỉ xã Hòa Nhơn, xã Hòa Phong mà thôn Giáng Nam 1 (xã Hòa Phước), thôn Trường Định (xã Hòa Liên) cũng được chọn hình thành những vườn rau an toàn của huyện Hòa Vang. Ở các vùng rau an toàn, các chị được trang bị máy bơm, giếng tưới, nhà lưới, phân bón. Chị Lê Huyền Trâm, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hòa Vang cho biết, từ khi hình thành vườn rau an toàn, các hộ trồng rau đã liên kết với nhau và tham gia các lớp tập huấn trồng và chăm sóc rau. Các chị cũng có nhiều cơ hội trao đổi kinh nghiệm, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Vì thế, chất lượng và năng suất tốt hơn và đầu ra cho sản phẩm rau sạch ổn định. Nếu trước đây, mỗi vùng rau chỉ có vài người tham gia trồng thì nay thu hút hơn 25 hộ. Hoạt động này còn có ý nghĩa góp phần xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và thực hiện tốt chương trình “Thành phố 4 an”.

Nhiều chị em tại huyện Hòa Vang bày tỏ mong muốn diện tích vùng rau an toàn được mở rộng hơn, không chỉ tiêu thụ tại địa phương mà hướng đến cung cấp ổn định cho các siêu thị. Các chị cũng mong muốn được các cấp, ngành tiếp tục quan tâm, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ rau quả bảo đảm chất lượng, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương.

Bài và ảnh: THANH TÌNH
 

;
.
.
.
.
.
.