Nông dân chuyển hướng phát triển nông nghiệp đô thị

.

Những năm qua, nông dân quận Cẩm Lệ chuyển hướng sản xuất nông nghiệp truyền thống sang trồng hoa, cây cảnh và các ngành nghề mới theo định hướng phát triển nông nghiệp đô thị.

Nhộn nhịp người mua tại một quầy hoa lan trên đường Phạm Hùng (phường Hòa Xuân).
Nhộn nhịp người mua tại một quầy hoa lan trên đường Phạm Hùng (phường Hòa Xuân).

Khu vực trồng hoa, cây cảnh trên đường Phạm Hùng (phường Hòa Xuân) luôn nhộn nhịp cảnh mua bán các loại hoa, cây cảnh. Anh Hoàng Văn Huy (37 tuổi), nhà ở phường Hòa Thọ Đông cho biết, gia đình anh trồng và bán nhiều loại hoa như: hoa sen, hoa súng, hoa giấy, hoa lan, hoa dạ yến thảo, giá bán lẻ từ 20.000-70.000 đồng.

Cạnh quầy hoa của anh Huy, hai vợ chồng nông dân trẻ Nguyễn Thành Công và Nguyễn Thị Sương (thường trú phường Hòa Phát) vừa làm hoa, vừa kết hợp kinh doanh chậu cảnh, phân bón và một số vật tư khác.

Theo anh Công, trồng hoa, cây cảnh cần phải chuyên cần, tỉ mỉ, làm ra giỏ hoa, chậu cảnh xanh tươi, óng ánh mới dễ tiêu thụ. “Trừ hết chi phí, mỗi tháng vợ chồng tôi còn lãi 15-20 triệu đồng”, anh Công chia sẻ.

Để hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp đô thị, lãnh đạo quận Cẩm Lệ đã mượn 2 khu đất trống trên đường Phạm Hùng (phường Hòa Xuân) và đường Lê Đại Hành (phường Khuê Trung) với tổng diện tích gần 10.000m2 bố trí cho 81 hộ trồng hoa, cây cảnh.

Đồng thời, Hội Nông dân quận Cẩm Lệ phối hợp với Phòng Kinh tế và Hội Sinh vật cảnh quận mượn 1 khu vực rộng trong khuôn viên Công ty Quản lý hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng làm điểm trưng bày và trung chuyển hoa, cây cảnh nhằm trợ giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm.   

Cùng với đó, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho nông dân tận dụng các lô đất trống trên địa bàn để canh tác với tổng diện tích gần 13 hecta. Bình quân,  doanh thu trồng hoa, cây cảnh toàn quận mỗi năm hơn 19 tỷ đồng.

Đặc biệt, Chủ tịch Hội Nông dân quận Hứa Thị Thùy Phương đã làm đề án “Nhân giống cúc các loại từ cây nuôi cấy mô trên địa bàn quận Cẩm Lệ” được Sở Khoa học và Công nghệ đánh giá cao và hỗ trợ kinh phí thực hiện thí điểm tại hộ ông Đỗ Bá Huy (phường Hòa Phát). Từ đề án này, mỗi năm có 160.000 cây cúc giống pha lê và cúc giống đại đóa hỗ trợ cho người trồng hoa trên địa bàn quận.

Bên cạnh việc trồng hoa, cây cảnh, nông dân quận Cẩm Lệ còn làm nhiều mô hình rau, đậu theo hướng sản xuất hàng hóa như: rau thủy canh, rau cải mầm, sản xuất nấm… Hội Nông dân quận cùng các cơ quan chức năng tích cực chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hỗ trợ nông dân làm nhiều mô hình mới đạt hiệu quả cao. Đơn cử như vùng rau La Hường ở phường Hòa Thọ Đông (13 hecta) được UBND quận và thành phố đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng (hệ thống điện, nước, nhà lưới, nhà sơ chế, đường bê-tông).

Sản phẩm nơi đây đạt tiêu chuẩn VietGAP, được nhiều đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố hợp đồng tiêu thụ dài hạn và ngày nào cũng có tiểu thương đến mua tại chỗ. Cả 148 hộ canh tác tại vùng rau này đều có sản phẩm bán quanh năm, thu nhập cao hơn nhiều lần so với sản xuất lúa.

Ông Mai Văn Y canh tác trên diện tích 2.500m2 với các loại cải xanh, su lơ, tần ô, bí đao, khổ qua, rau dền, rau lang, mỗi ngày bán được từ 300.000 – 400.000 đồng. Hay như ông Nguyễn Hải nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn đạt năng suất cao hơn, trong đó chỉ riêng 800m2 trồng rau muống đã cho thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng.

Đến nay, toàn quận Cẩm Lệ đã có 14,5 hecta trồng rau chuyên canh, sản lượng bình quân đạt 510 tấn/năm với doanh thu mỗi năm trên 6 tỷ đồng. Gần đây nhất, 5 hecta đất lúa kém năng suất cũng đã được chính quyền hỗ trợ để chuyển sang trồng rau, đậu ngắn ngày.

Theo chị Hứa Thị Thùy Phương, những mô hình mới theo định hướng phát triển nông nghiệp đô thị đạt hiệu quả cao, tạo nên nhiều không gian xanh, thiết thực góp phần xây dựng “Thành phố môi trường”.  Tuy nhiên, nông dân Cẩm Lệ mong muốn được lãnh đạo thành phố quan tâm đầu tư, cho mượn đất lâu dài để yên tâm đầu tư sản xuất, hướng đến một nền nông nghiệp đô thị bền vững.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.
.