Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) ra đời đã hiện thực hóa chủ trương tách bạch chức năng sở hữu và chức năng quản lý của cấp bộ chủ quản, trả lại quyền chủ động kinh doanh cho doanh nghiệp.
Vấn đề này được đề cập từ rất lâu, trải qua nhiều kỳ đại hội Đảng, nhưng có thể nói quá trình chuyển động trong thực tế diễn ra vô cùng chậm chạp, do không mạnh dạn dứt khoát từ bỏ tư duy quản lý cũ kỹ cũng như vẫn còn bị trói buộc chằng chịt bởi các nhóm lợi ích.
CMSC chính thức gửi đi một thông điệp pháp lý rõ ràng đến các đối tác toàn cầu (chính phủ/doanh nghiệp) rằng Việt Nam đang nỗ lực định hướng nền kinh tế đi theo cơ chế thị trường hoàn thiện, tạo sân chơi bình đẳng cho mọi thành phần, hạn chế tối đa sự méo mó, biến dạng môi trường cạnh tranh.
Mô hình CMSC cho phép tiến hành những thay đổi về cung cách quản lý Nhà nước nhằm tương thích với bộ nguyên tắc quản trị công ty của OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế), tiến đến phù hợp với chuẩn mực “kinh tế thị trường hiện đại”.
Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc trong quan hệ hợp tác với các nước có nền tảng kinh tế thị trường phát triển, nhất là đối với những đối tác lớn, khó tính như Mỹ, châu Âu… Lâu nay, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam cũng vì lý do Nhà nước sở hữu vốn, hoặc có tỷ lệ vốn cổ phần Nhà nước chi phối đã gặp không ít bất lợi trong giao thương quốc tế vì dễ bị gắn cho cái mác “ngầm định” được Nhà nước bảo trợ, ưu đãi (vốn/lãi suất/thuế…), hoặc hưởng đặc quyền cạnh tranh…
Tất nhiên, chỉ với một cái tên CMSC sẽ không bảo đảm những thay đổi mang tính hiệu quả toàn cục cho bộ phận kinh tế doanh nghiệp Nhà nước. Điều quan trọng nhất vẫn là đổi mới căn bản về tư duy và cách tân phương pháp hành động.
Bởi vì, ngay từ cái tên gọi “Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp” dễ dẫn đến tâm lý ngộ nhận rằng việc giẫm chân lên vết xe cũ sẽ là hiện tượng không sớm thì muộn? Cần sớm từ bỏ tư duy phân biệt vốn Nhà nước/vốn tư nhân, bởi lẽ suy cho cùng đều là vốn trong dân, hay nói khác đi đó là nguồn lực của quốc gia, tất cả phải hướng đến mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững.
Nếu không thoát ra khỏi cung cách quản lý mệnh lệnh, quan liêu, xa rời thực tiễn hội nhập, chắc chắn CMSC sẽ không giống như một bộ chủ quản như trước đây mà có nguy cơ biến thành một “siêu bộ đa chủ quản”, với nhiều tầng nấc trung gian, dễ sa vào mê hồn trận báo cáo/thỉnh thị/xin - cho liên tục. Và khi đó, các doanh nghiệp sẽ không còn đủ thời gian và cơ hội để triển khai những chiến lược kinh doanh của mình.
Sứ mệnh lớn nhất của CMSC không đơn giản là bảo tồn và phát triển vốn Nhà nước. Điều quan trọng hơn là góp phần xây dựng một hệ sinh thái kinh doanh hiện đại, hiệu quả, hỗ trợ tiến trình hội nhập cho toàn bộ nền kinh tế.
Trong đó, Nhà nước “đóng vai trò chủ sở hữu có hiểu biết và tích cực, xây dựng chính sách sở hữu rõ ràng và nhất quán, bảo đảm việc quản trị doanh nghiệp Nhà nước được thực hiện một cách minh bạch và có trách nhiệm với mức độ chuyên nghiệp và hiệu quả cần thiết” (theo OECD).
Thông thường một khi quy mô, trình độ phát triển còn thấp thì chủ sở hữu thường đảm nhiệm luôn vai trò chủ doanh nghiệp. Nhưng khi đạt đến sự phát triển tương đối cao, chủ sở hữu sẽ chủ yếu tập trung vào vai trò định hướng chiến lược và tuyển chọn nhân sự cấp cao điều hành. CMSC cần phải vươn lên với tư cách là một tổ chức có tâm, có tầm, nơi hội tụ tinh hoa nhân lực tâm huyết và chuyên nghiệp.
Với 7 tập đoàn và 12 tổng công ty, tổng giá trị tài sản hơn 2,3 triệu tỷ đồng (tương đương 100 tỷ USD), CMSC được Chính phủ giao trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu. So với quy mô GDP kinh tế Việt Nam gần 250 tỷ USD, đây thực sự là một tài sản rất lớn, đặt ra cho CMSC những thách thức “ngàn cân” về mặt chức trách quản lý.
Gánh nặng này chỉ được giải tỏa một khi CMSC chủ động tham mưu cho Chính phủ tiến hành ngay việc tinh gọn tối đa danh mục/quy mô bộ phận kinh tế doanh nghiệp Nhà nước, đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, sử dụng triệt để công cụ thị trường hóa và sức mạnh xã hội hóa để nâng cao hiệu quả quản lý vốn, thay đổi mạnh mẽ vị thế, vai trò quản lý Nhà nước, mạnh dạn cắt bỏ, giảm tải những thủ tục hành chính lỗi thời, ôm đồm, nhiêu khê không cần thiết. Nếu được như vậy, chắc chắn sẽ là tin tốt lành cho toàn bộ nền kinh tế.
TÂM DÂN