Những tháng ngày chăm mẹ ốm trong bệnh viện, chị Lê Thanh Thảo (SN 1982) ấp ủ một dự án khởi nghiệp nhằm mang lại những bữa cơm ngon, đầy đủ dinh dưỡng và thuận tiện nhất cho mọi người. Và tiệm ăn Lồng Bàn của chị ra đời từ đó.
Chăm chút cho sản phẩm là bí quyết của các dự án khởi nghiệp. |
Tiệm ăn Lồng Bàn nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Trần Khánh Dư (quận Ngũ Hành Sơn). Hằng ngày, vào mỗi buổi trưa, chị Thảo cùng các nhân viên xếp những phần cơm lên xe giao hàng với hàng trăm đơn đặt từ khách ở các quận Hải Châu, Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn và thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam).
Thực đơn khá phong phú gồm: cơm trắng, cá ngừ kho thơm, bò lụi sả ăn cùng cải thìa trộn, đậu phộng rang… rồi tráng miệng bằng trái cây và được thay đổi hằng ngày. Mỗi suất ăn có giá 45.000 đồng. Ngoài ra, còn có những suất ăn đặc biệt dành cho người tập thể hình hay người ăn chay.
Sau hơn 3 tháng hoạt động, đến nay, Lồng Bàn đã có gần 150 khách đặt suất ăn cố định. Điểm đặc biệt của Lồng Bàn là thực đơn của các bữa ăn được chị Thảo lên sẵn từ trước rồi thông báo đến khách hàng.
Trong suốt 3 tuần liên tục, không thực đơn nào bị lặp lại, tất cả đều có đầy đủ hàm lượng chất đạm, xơ, béo, tinh bột theo tỷ lệ khoa học.
Chị Thảo hài hước nói: “Khách hàng đã đồng hành với Lồng Bàn là sẽ bị “ép” ăn theo thực đơn, không đổi được. Nhưng vì mình đã nghiên cứu kỹ, làm thực đơn phong phú nên các khách đều thích. Nếu khách dị ứng hoặc không hợp khẩu vị món nào trong thực đơn, chỉ cần nhắn tin là mình có thể điều chỉnh ngay trong suất ăn ấy”.
Cơ duyên đến với việc khởi nghiệp từ những bữa cơm gia đình bắt nguồn từ một biến cố trong cuộc đời chị Thảo.
Năm 2014, khi chị đang là giám đốc của một xưởng thiết kế đồ họa tại Đà Nẵng, mẹ chị bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Chăm sóc mẹ trong bệnh viện, chứng kiến những ngày mẹ vật lộn với các đợt hóa trị, chị chỉ biết dỗ dành, động viên, rồi tỉ mẩn nấu cho mẹ những món ăn mẹ thích.
Chị nói: “Chẳng phải riêng mẹ mình mà bệnh nhân ung thư nào cũng vậy. Cứ đến đợt hóa trị là miệng đắng ngắt, ăn vô ói ra. Niềm an ủi của họ là một bữa cơm gia đình với những món ăn ngon miệng, bởi nó không chỉ tiếp thêm sức lực mà còn như một nguồn động viên tinh thần đối với họ”. Đó cũng là thời điểm chị bắt đầu ấp ủ dự án “Lồng Bàn - mâm cơm gia đình”.
Vốn có niềm đam mê nấu nướng từ nhỏ, tuần nào chị Thảo cũng thử nấu những món ăn mới rồi đăng lên trang Facebook “Mâm cơm gia đình”.
Đây cũng là cách chị tìm hiểu người dùng, xem họ quan tâm nhất vào yếu tố nào của bữa cơm: cách chế biến, màu sắc, độ dinh dưỡng của món ăn hay không khí gia đình. Sau 2 năm, số lượng tin nhắn hỏi chị về công thức món ăn, cách ăn uống khoa học ngày càng nhiều.
Chị bảo, ai cũng có nhu cầu ăn đúng, ăn sạch, ăn ngon, nhưng ngày nay thật sự không dễ để bảo đảm cả 3 yếu tố đó. Rất nhiều người ăn lệch (ăn quá nhiều thịt và ít rau) vì không có thời gian chế biến. “Chính vì vậy, mình quyết định Lồng Bàn sẽ nghiên cứu rồi đưa ra thực đơn trước cho khách hàng, bảo đảm ngon miệng và đủ chất”, chị Thảo nói.
Ngoài quy trình, vấn đề nhân sự cũng là một yếu tố quan trọng đối với các dự án khởi nghiệp. Chị Thảo đề ra phương châm: dù là nhà đầu tư, bếp chính, bếp phụ hay nhân viên chăm sóc khách hàng, chị đều mong muốn được chia sẻ tầm nhìn và ý nghĩa của dự án. Khi đã hiểu nhau, chị và các thành viên của Lồng Bàn xem nhau như cộng sự chứ không đơn thuần là mối quan hệ sếp - nhân viên.
Những nhân viên đến với Lồng Bàn từ buổi đầu gian khó đều do cảm mến tấm lòng và sự quyết tâm của chị đối với công việc. Họ là những người có kỹ năng và tâm huyết với những bữa cơm gia đình. Theo chị Thảo, hiện Lồng Bàn có 2 bếp chính, 3 phụ bếp và đội ngũ nhân viên chăm sóc khách hàng được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm làm việc.
Chị chia sẻ kinh nghiệm: trong thời gian đầu tiên, sau mỗi ngày làm việc, cả nhóm đều dành ra 10-15 phút để họp nhanh, phân tích những điểm được và chưa được trong ngày. Nhờ vậy mà các nhân sự tiến bộ nhanh, gắn bó hơn với dự án.
Chị Thảo chia sẻ, Lồng Bàn đã đặt ra cho mình nhiều mục tiêu cần thực hiện trong thời gian tới, với mong muốn xây dựng một hệ thống các sản phẩm ăn uống dành cho nhiều đối tượng khác nhau.
“Dự án khởi nghiệp nào cũng phải vừa đi, vừa học. Mình rút kinh nghiệm dần từ những sản phẩm đầu, tìm cách định vị thương hiệu để Lồng Bàn không chỉ là một sản phẩm ăn uống đơn thuần, mà còn gắn liền với lối sống, sức khỏe, ý nghĩa tinh thần của người tiêu dùng”, chị nói.
Bài và ảnh: KHANG NINH